Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

TS Nguyễn Đình Cung: Dùng từ phê bình ông nọ, ông kia, bộ này, bộ kia... rất khó

Theo ông Cung, thời gian qua Chính phủ Austrailia đã tài trợ cho Việt Nam hơn 6,5 triệu USD (174 tỷ đồng) hỗ trợ cải cách kinh tế ở Việt Nam. Chương trình này có mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và đưa Việt Nam tiến gần hơn tới nền kinh tế thị trường. Đồng thời giúp Việt Nam có thêm 1 triệu doanh nghiệp tư nhân đăng ký mới vào năm 2020, tăng tỷ lệ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân.

 TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Với vai trò là Giám đốc Chương trình, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tính đến quý I/2018, các Bộ ngành đã cắt bỏ, đơn giản hóa được 738 điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Kết quả này cũng có sự tham gia của các tổ chức quốc tế cùng đồng hành, giám sát và khuyến nghị Việt Nam thực hiện.

Tuy nhiên, ông này thừa nhận thời gian tới mục tiêu của Nghị định 19/2018 đạt được không hề dễ dàng. Dự kiến Nghị quyết yêu cầu cắt bỏ và đơn giản hóa hơn 1.968 ĐKKD; các bộ sẽ phải cắt giảm 500 ĐKKD trong các Thông tư và Dự thảo nghị định. Như vậy, đây sẽ là áp lực rất lớn và cần quyết tâm lớn hơn năm 2017.

Mục tiêu của năm 2018, Chính phủ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, phấn đấu xếp hạng ở vị trí thứ 50 - 60, tức là tăng khoảng 8 - 10 bậc so với hiện nay (68/190 nền kinh tế được đánh giá). Để làm được điều này, nhiều chỉ số cần phải cải thiện với điểm rất cao, đặc biệt là phải rất nỗ lực.

Ông Cung dẫn chứng: "Về khởi sự kinh doanh, chúng ta phải cải thiện ít nhất 40 bậc từ vị trí 123 hiện nay, lên vị trí 83/190 nền kinh tế. Giấy phép xây dựng cũng phải giảm thêm 47 ngày xuống còn 119 ngày; thời gian nộp bảo hiểm xã hội cũng phải rút ngắn xuống còn 168 giờ thay vì mất 498 giờ/năm như hiện nay. Đặc biệt, buộc phải cắt giảm 50% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành".

Ông Cung nhận xét, thời gian vừa qua, dù Việt Nam có nhiều chỉ số tăng điểm nhưng thứ hạng của Việt Nam lại thụt lùi. Đây là do các nước đi trước ta đi quá nhanh và các nước đứng sau ta đã cải thiện nhanh hơn chúng ta. Chính vì thế, không nên bằng lòng và vội thoả mãn với thành tích thời gian qua.

Viện trưởng CIEM nói tiếp: "Mặc dù Chính phủ và một số bộ thực hiện thủ tục trực tuyến của Chính phủ điện tử trong thông quan hải quan, nộp thuế và đăng ký kinh doanh qua mạng (online). Tuy nhiên, nhiều công chức, cơ quan công quyền vẫn muốn gặp trực tiếp doanh nghiệp chứ chưa muốn làm online hoàn toàn".

Về chỉ số công bố thông tin bằng hải quan điện tử, nộp thuế điện tử, ông Cung cho rằng, mới chỉ dừng lại ở các cơ quan tự giám sát, công bố. "Họ nói bao nhiêu, chúng ta biết bấy nhiêu chứ chưa có cơ chế để giám sát, dư luận và người thụ hưởng phản biện. Chúng ta cần các tổ chức nước ngoài hỗ trợ theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả", Viện trưởng Cung kỳ vọng.

TS Cung nhấn mạnh: "Hiện ngay cả ở trong các báo cáo của tổ chức nước ngoài, báo cáo thường niên của các viện gửi lên cho Chính phủ, để dùng được những từ như "phê bình", "đề nghị phê bình" bộ này, bộ kia, ông nọ, ông kia cũng rất khó và không dám. Họ phải thay bằng những cụm từ nhẹ nhàng hơn như nhắc nhở, đốc thúc... Những từ nhẹ hơn thì áp lực buộc phải đổi thay cũng giảm đi".

Ông Cung lấy ví dụ: Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua cắt giảm, đơn giản hóa được 11 ĐKKD, tuy nhiên đã có 115 ĐKKD được bổ sung. Thông tin này đưa ra nhưng không được phổ biến do báo chí "ngại" đụng chạm.

Nguyễn Tuyền

Tag :cải cách, Nghị quyết 19/2018, chính phủ điện tử, công nghiệp 4.0, nguyễn đình cung, tái cơ cấu kinh tế


Nguồn: dantri.com.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates