Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự báo sản xuất kinh doanh tốt lên trong quý 3

Tổng cục Thống kê vừa công bố Dự báo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý 2, quý 3 và 6 tháng cuối năm 2018

Theo đó, có 82,6% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo khi được hỏi cho rằng, tổng quan về tình hình sản xuất kinh doanh quý 2/2018 so với quý 1/2018 tốt lên và giữ ổn định (45% doanh nghiệp đánh giá tốt lên và 37,6% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định). Có 17,4% doanh nghiệp cho rằng, sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI lạc quan nhất với 85,7% số doanh nghiệp cho rằng tốt lên và giữ ổn định.

Còn tỷ lệ này của khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước lần lượt là 80,8% và 81,6%.

Dự báo quý 3 lạc quan hơn so với quý 2 khi có 88,5% doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt lên (52,5%) và giữ nguyên (36%). Còn 11,5% doanh nghiệp vẫn dự báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Khu vực doanh nghiệp FDI có tỷ lệ dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên và giữ ổn định ở quý 3/2018 cao nhất với 91,3%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 87,6% và khu vực doanh nghiệp nhà nước thấp nhất với 86,1%.

Cụ thể hơn, nghiên cứu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đối với các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì tính cạnh tranh của hàng trong nước vẫn là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi 59,4% doanh nghiệp lựa chọn yếu tố này.

Yếu tố ảnh hưởng lớn thứ hai là nhu cầu thị trường trong nước thấp với 46,2% doanh nghiệp.

Có 32% doanh nghiệp cho rằng khó khăn về tài chính cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

30,7% doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng có 26,9% doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 25,4% doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh; 23,5% cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu; 23,4% doanh nghiệp đánh giá tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; chỉ có 6,4% doanh nghiệp cho rằng không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; 2.2% doanh nghiệp cho rằng thiếu năng lượng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh…

Về khối lượng sản xuất, chỉ số cân bằng (số phần trăm doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng trừ đi số phần trăm doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm) của quý 2/2018 so với quý 1/2018 là 29,9%. Trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng cao nhất với 37,3%, khu vực doanh nghiệp nhà nước với 31,3% và doanh nghiệp ngoài nhà nước thấp nhất với 26,9%.

Chỉ số cân bằng có xu hướng tăng cao ở quý 3 so với quý 2 với 42,2% (52,6% doanh nghiệp dự báo tăng, trong khi đó có 10,4% doanh nghiệp dự báo giảm). Xu hướng này đều tăng cao ở cả ba khu vực, khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với 46,9%, khu vực doanh nghiệp nhà nước 41,2% và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với chỉ số cân bằng 40,4%.

Về đơn đặt hàng, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo đơn hàng mới quý 2 so với quý 1 với chỉ số cân bằng là 22,6% (39,8% doanh nghiệp dự báo tăng và 17,2% doanh nghiệp dự báo giảm). Trong đó chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với 29,3%, thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với 19,7%.

Chỉ số cân bằng tăng ở quý 3 so với quý 2 với tỷ lệ là 35,5% (46% doanh nghiệp dự báo tăng đơn hàng và 10,5% doanh nghiệp dự bảo giảm), trong đó khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng cao nhất với 41%, khu vực doanh nghiệp nhà nước với 34,7% và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với 33,3%.

Về tồn kho thành phẩm, chỉ số cân bằng về tồn kho thành phẩm ở quý 2 so với quý 1 là -12,9% (với 31,2% doanh nghiệp dự báo giảm và 18,3% doanh nghiệp dự báo tăng).

Chỉ số cân bằng về tồn kho thành phẩm quý 3 so với quý 2 với -17,8% (31,5% doanh nghiệp dự báo giảm và 13,7% doanh nghiệp dự báo tăng).

Về sử dụng lao động, chỉ số cân bằng về việc tăng và giảm quy mô lao động ở quý 2 so với quý 1 là 4,7%, trong đó khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng cao nhất với 14,2%.

Chỉ số cân bằng về thu hút lao động ở quý 3 so với quý 2 có xu hướng tăng khả quan hơn với chỉ số cân bằng là 12%, có xu hướng tăng ở cả ba khu vực.

Được biết, cuộc điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bao gồm 6.500 doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra, đại diện cho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng số doanh nghiệp thực tế đã trả lời trong kỳ điều tra quý 2/2018 đạt 90%.


Nguồn: vneconomy.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates