Hé lộ danh sách doanh nghiệp tài trợ lớn cho cán bộ, công chức đi nước ngoài
Từ năm 2012, Nhà nước đã có quy định cấm các lãnh đạo các ngành, các cấp đi nước ngoài bằng tiền do doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của mình tài trợ. Nhưng trên thực tế, đã có nhiều đoàn đi nước ngoài hoàn toàn bằng tiền do doanh nghiệp tài trợ.
Một chuyến công du của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Cụ thể, năm 2016, Vinataba tài trợ cho chuyến đi 12 ngày, riêng phần chi cho 5 cán bộ của Bộ Công Thương lên tới gần 1,4 tỷ đồng và 2 cán bộ ở cơ quan quản lý khác cũng lên tới ...992 triệu đồng.
Ngoài Vinataba, trong danh sách các doanh nghiệp của Bộ Công Thương phải chi tiền tài trợ cho cán bộ, công chức đi nước ngoài trong các năm qua còn rất nhiều: Tổng công ty Máy và Động lực, Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào Cai; Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn; Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội...và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước khác.
Hà Nội giải thích về việc đầu tư 5 tuyến đường nội đô theo hình thức BT
Chiều 26/6, trả lời báo chí về việc đầu tư 5 tuyến đường nội đô Hà Nội, ông Phạm Quý Tiên – Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, việc chỉ định thầu đối với 5 dự án đầu tư theo hình thức BT là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuân thủ đúng pháp luật, minh bạch và giá đất được tính toán chính xác không gây thiệt hại cho nhà nước…
Ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hà Nội nói: Việc cho chỉ định thầu đối với 5 tuyến đường này theo ông Tuân là vì đây là những dự án được nghiên cứu từ năm 2009-2015 đã được Hà Nội báo cáo, các bộ ngành xem xét và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép thành phố chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.
"Cả 5 dự án được chỉ định thầu theo đúng quy định, quy trình đúng pháp luật, chặt chẽ, đều kiểm tra, kiểm toán, thanh tra đã xem xét tất cả".
Lo ngại ô nhiễm, tỉnh Vĩnh Phúc "bác" dự án nhà máy dệt nhuộm 350 triệu USD
Theo nguồn tin của Dân trí, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ký văn bản kiến nghị Thủ tướng không chấp thuận đầu tư dự án Nhà máy dệt – nhuộm của Tập đoàn TAL trên địa bàn tỉnh.
Đây là lần thứ 4 tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Thủ tướng không chấp thuận dự án dệt nhuộm có qui mô vốn lên tới 350 triệu USD này.
Được biết, Dự án Nhà máy dệt – nhuộm trên Tập đoàn TAL (Hong Kong) làm chủ đầu tư dự kiến nhưng chưa được UBND tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý mặc dù trước đó, Tập đoàn TAL từng khánh thành nhà máy lớn nhất của doanh nghiệp này tại Vĩnh Phúc.
Trước khi có đề nghị trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Đánh giá dự án đầu tư Nhà máy dệt – nhuộm của Tập đoàn TAL, hiệu quả kinh tế - xã hội, tác động đến môi trường”.
Hội thảo có sự tham gia của 13 chuyên gia kinh tế, môi trường; 12 đại diện các bộ, ngành Trung ương; 3 đại diện UBND các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu và vùng Thủ đô; đại diện các địa phương nơi dự kiến đặt nhà máy.
Vinalines dự kiến lỗ hơn 1.100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm
Theo kế hoạch nêu tại bản công bố thông tin về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vẫn khá thận trọng.
Công ty mẹ Vinalines vẫn kế hoạch lỗ cả nghìn tỷ đồng trước thềm cổ phần hoá
Trong 6 tháng đầu năm 2018, công ty mẹ Vinalines dự kiến doanh thu đạt 533,8 tỷ đồng, lỗ sau thuế gần 1.141 tỷ đồng. Đến nửa sau năm 2018, công ty dự kiến lãi 143,9 tỷ đồng.
Con số lãi sẽ được cải thiện lên 177,2 tỷ đồng vào năm 2019 và 223,5 tỷ đồng vào năm 2020. Trong khi đó, doanh thu công ty mẹ trong năm tới dự kiến tăng gấp đôi lên 1.048 tỷ đồng và dự kiến đạt 1.063 tỷ đồng vào năm 2020.
Grab lên tiếng “đáp trả” sau lệnh cấm mở rộng địa bàn của Bộ Giao thông
Công ty Grab Việt Nam vừa có phản hồi sau khi Bộ Giao thông Vận tải bác đề xuất mở rộng dịch vụ GrabTaxi ra nhiều tỉnh thành như Ninh Thuận, Đồng Tháp, Gia Lai…
Theo đó, doanh nghiệp này cho biết GrabTaxi là một trong những dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab và đã được đăng ký với Bộ Công Thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và được hoạt động hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.
“Dịch vụ GrabTaxi không can thiệp vào giá cước cũng như cách vận hành, quản lý xe và tài xế của các đơn vị taxi. Giá cước GrabTaxi hiển thị trên ứng dụng Grab chỉ để hành khách tham khảo, được ước tính dựa trên giá cước theo kilomet của các đơn vị taxi và quãng đường dự kiến. Khách hàng sẽ trả đúng số tiền hiển thị trên đồng hồ tính cước của xe taxi sau khi kết thúc chuyến đi”, Grab nói.
'Ma' cá độ gãy kèo: Đem bằng tiến sĩ của vợ cắm, chủ cầm đồ phát hoảng
Ghi nhận của PV, nhiều tiệm cầm đồ trên phố Đặng Dung, Đường Láng,... những ngày này đều hoạt động 24/24, nhân viên phải làm việc hết công suất để phục vụ nhu cầu cầm cố tài sản của khách. Đáng chú ý, mùa World Cup 2018 mới diễn ra được hơn chục ngày, nhiều tiệm cầm đồ đã quá tải, bắt đầu sàng lọc các mặt hàng nhận cầm cố. Theo đó, họ chỉ cầm các mặt hàng “sang chảnh” có giá trị cao, dễ thanh lý.
Các tiệm cầm đồ đang hoạt động hết công suất mùa World Cup
Anh Trần Văn Kiên, chủ một tiệm cầm đồ ở Đường Láng (Đống Đa, Hà Nội), thừa nhận, vào mùa World Cup hay Euro, lượng khách đến tiệm cầm đồ cầm cố tài sản vì thua độ tăng gấp cả chục lần so với ngày thường nên những chủ tiệm như anh cũng phải kén chọn các mặt hàng nhận cầm cố.
Đặc biệt, mấy ngày qua, lượng khách đổ tới tiệm cầm đồ tăng đột biến bởi các đội tuyển được đánh giá là mạnh lại bất ngờ bại trận khiến nhiều “ma cá độ” gãy kèo. Nhân viên của tiệm phải làm việc hết công suất cả ngày lẫn đêm.
“Cuối tuần vừa rồi, mới 6 giờ sáng đã có khách nam chạy xe máy đến cửa hàng rút từ trong túi ra cái bằng tiến sĩ của vợ cùng giấy chứng minh nhân dân bảo cầm cố vì thua độ nhưng tôi lắc đầu từ chối”, anh Kiên nói.
Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận các trường hợp cá độ khác như sinh viên “cắm” thẻ vay 100 triệu hay cả việc “ăn theo” World Cup để kinh doanh kiếm lời.
Tá hỏa vì hơn 200 triệu đồng trong tài khoản "bốc hơi" lúc rạng sáng
Chị Nguyễn Thị Phương Thùy (31 tuổi, ngụ quận 12, nhân viên văn phòng tại một công ty chuyên về thủ công mỹ nghệ) cho biết, vào rạng sáng 27/6, 85 triệu đồng trong tài khoản mở tại Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) của chị đã “bốc hơi” khiến chị không kịp trở tay.
Cụ thể, từ 3h31 phút đến 3h33 phút cùng ngày, hệ thống từ DongA Bank đã gửi tin nhắn đến điện thoại của chị Thùy và thông báo tài khoản của chị đã chuyển 60 triệu đồng vào 3 tài khoản khác nhau. Mỗi lần chuyển khoản là 20 triệu đồng.
Sau đó, từ 3h33 đến 3h34 phút, chị Thùy tiếp tục nhận được thông báo là tài khoản của chị tiếp tục bị rút 20 triệu đồng tiền mặt với mỗi lần rút là 10 triệu đồng.
“Lúc đó, tôi đang ngủ nên không hay biết. Khoảng 4h sáng có một tin nhắn đến thông báo thẻ ATM của tôi vừa rút thêm 5 triệu đồng tiền mặt. Lúc đó tôi mới tá hỏa gọi lên tổng đài để phong tỏa tài khoản thì đã quá muộn. Tài khoản của tôi chỉ còn hơn 900 ngàn đồng”, chị Thùy nói.
Sau vụ việc của chị Thùy, theo phản ánh của chị Đoàn Thị Ngọc Duyên (quận 12, TPHCM), rạng sáng 27/6, hệ thống từ DongA Bank gửi 5 tin nhắn đến điện thoại và thông báo tài khoản của chị đã chuyển 96 triệu đồng (4 chuyển khoản đầu, mỗi lần là 20 triệu, một chuyển khoản sau là 16 triệu đồng).
Sau đó, từ 3h58 đến 3h59 phút, chị Duyên tiếp tục nhận được thông báo là tài khoản của chị bị rút 20 triệu đồng tiền mặt với mỗi lần rút là 10 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền từ tài khoản chị Duyên "không cánh mà bay" là 116 triệu đồng.
Ngay sau khi bị trừ tiền trong tài khoản, chị Duyên kiểm tra thì vẫn thấy thẻ còn bên người nên liền điện thoại đến tổng đài nhờ phong tỏa tài khoản. Tuy nhiên, tài khoản của chị chỉ còn hơn 320.000 đồng.
Bích Diệp (tổng hợp)
Tag :cầm đồ, ăn theo World Cup, mất tiền trong ngân hàng, tài khoản bốc hơi, Vinalines cổ phần hoá
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét