Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Xem xét cho tư nhân đầu tư dự án nhiệt điện 2 tỷ USD Quỳnh Lập 1

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khuyến khích các doanh nghiệp ngoài nhà nước đầu tư dự án nguồn điện không cần bảo lãnh Chính phủ vay vốn.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất phương án đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 sau khi lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), liên doanh Geleximco - HUI.

Bộ này cho biết, ngày 31/7/2017, Tập đoàn Geleximco và Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang đã có công văn đề xuất lên Thủ tướng cho phép là chủ đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, Quỳnh Lập 2, Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Hải Phòng 3.

Tiếp đó, ngày 16/10/2017, Liên danh Geleximco và Công ty TNHH Hồng Kong Unitesd Investors Holding lại tiếp tục đề xuất Thủ tướng xin là chủ đầu tư của dự án Quỳnh Lập 1, Quảng Trạch 2.

Dự án Quỳnh Lập 1 đã được Chính phủ giao cho TKV làm chủ đầu tư từ năm 2009. Theo Quy hoạch điện VII, dự án sẽ vận hành thương mại tổ máy 1 vào năm 2022, tổ máy 2 vào năm 2023. Khi được giao là chủ đầu tư TKV đã tiến hành thực hiện được một số công việc như báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt mức đầu tư khoảng 48.516 tỷ đồng (2,13 tỷ USD), cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay là 20%/80% tương ứng với vốn chủ sở hữu là 425 triệu USD, vốn vay khoảng 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, việc thu xếp vốn của TKV đang gặp nhiều khó khăn.

Theo văn bản báo cáo lên Thủ tướng của Bộ Công Thương, TKV không thể đáp ứng đủ vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án Quỳnh Lập 1. Việc này có thể dẫn đến rủi ro trong việc huy động các nguồn vốn vay vì không đảm bảo điều kiện vay vốn của các ngân hàng là bên vay phải đối ứng được 20% tổng mức đầu tư dự án được tài trợ.

"Vốn chủ sở hữu của dự án là 425 triệu USD, tức gần 10.000 tỷ đồng, thời gian đầu tư xây dựng trong 5 năm thì TKV cầ thu xếp vốn đối ứng theo kế hoạch từ 1.000 - 2.500 tỷ mỗi năm. Nếu TKV là chủ đầu tư duy nhất của dự án thì hết năm đầu thứ 2 sẽ thiếu vốn đối ứng, trong năm thứ 4 và thứ 5, TKV sẽ thiếu khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm", Bộ Công Thương cho biết TKV đang gặp nhiều khó khăn nếu dồn hết vốn cho dự án này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của tập đoàn.

Trước những khó khăn của TKV, Bộ Công Thương cho rằng: "Giao dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 cho liên danh Geleximco - HUI, sẽ giúp TKV giảm áp lực thu xếp vốn, và tập trung thực hiện các dự án khác. Thay thế TKV tại dự án này, liên danh Geleximco và đối tác Trung Quốc có trách nhiệm khẩn trương thực hiện dự án theo quy định đảm bảo tiến độ, chất lượng; thoả thuận bàn giao dự án, xem xét thanh toán các chi phí trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mà TKV đã thực hiện".

Bộ này cũng cho biết, liên danh Geleximco - HUI khẳng định không cần Chính phủ bảo lãnh các khoản vay, không cần cơ chế đặc thù về giá điện cũng như cam kết đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của Chính phủ về công nghệ và bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo tài chính năm 2016, Geleximco có vốn chủ sở hữu khoảng gần 9.000 tỷ đồng. Dòng tiền từ thu từ các dự án xây dựng có thêm khoảng 15.731 tỷ, nguồn thu mỗi năm từ bán các khoản đầu tư tại các công ty con khoảng 2.000 - 3.000 tỷ.

"Liên doanh Geleximco - HUI đều là những doanh nghiệp tư nhân hiểu rõ quy tắc quốc tế cũng như tiến trình thực hiện dự án công nghiệp tại Việt Nam, cơ chế làm việc linh hoạt, hiệu quả, thực lực tài chính chính mạnh, tốc độ rót vốn nhanh", văn bản của Bộ Công Thương nêu.

Cũng theo văn bản, Geleximco là tập đoàn đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhiệt điện. Quý 1/2018, Nhà máy nhiệt điện Thăng Long do tập đoàn là chủ đầu tư đã hoàn thành và đi vào sản xuất. Cổ đông chính của HUI là KAIDI - Nhà thầu EPC của Nhà máy nhiệt điện Thăng Long đã có đội ngũ quản lý và chuyên gia kỹ thuật có kinh nghiệm và đã thành công trong nhiều dự án nhiệt điện tại Việt Nam.

Mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản nêu ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 sau cuộc họp do ông chủ trì ngày 11/6 vừa qua.

Phó thủ tướng cho rằng việc TKV gặp khó khăn do thiếu vốn sẽ dẫn đến dự án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến an ninh cung điện trong giai đoạn tới.

Một số dự án nguồn điện hiện do doanh nghiệp nhà nước/tập đoàn kinh tế nhà nước làm chủ đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí có dự án trong quá trình triển khai phải xử lý vấn đề liên quan đến thất thoát, lãng phí.

Do đó, cần rà soát các dự án đang triển khai mà nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dẫn đến chậm tiến độ để có biện pháp xử lý thích hợp, khuyến khích các doanh nghiệp ngoài nhà nước đàu tư dự án nguồn điện phù hợp nếu đáp ứng yêu cầu không cần bảo lãnh Chính phủ, sử dụng công nghệ tiên tiến gắn với bảo vệ môi trường và có giá thành điện hợp lý.

Phó thủ tướng yêu cầu TKV có ý kiến chính thức về phương án hợp tác đầu tư Dự án Quỳnh Lập I theo yêu cầu của Bộ Công Thương; trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tiếp tục tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan để hoàn thiện báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án cụ thể triển khai Dự án, báo cáo trong tháng 6/2018.


Nguồn: vneconomy.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates