Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi mức tăng mạnh mẽ của cổ phiếu Nike khép lại một quý đi lên của Phố Wall, trong bối cảnh những mối lo ngại về chiến tranh thương mại toàn cầu dịu đi đôi chút.
Theo hãng tin Reuters, trong quý 2, cả ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq cùng tăng điểm. Trong đó, Dow Jones tăng 0,7%, S&P 500 tăng 2,94%, và Nasdaq tăng 6,33%. Chỉ số Russell 2000 của các công ty niêm yết quy mô nhỏ và chủ yếu tập trung hoạt động ở thị trường Mỹ tăng 7,4%.
Cũng giống như Russell, một số nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500 cũng ít chịu tác động của nỗi lo xung đột thương mại trong quý 2. Nhóm năng lượng có mức tăng mạnh nhất nhờ giá dầu leo thang, những nhóm cổ phiêu tăng trưởng như công nghệ và hàng tiêu dùng thiết yếu cũng tăng vững. Thậm chí, hai nhóm cổ phiếu phòng vệ là bất động sản và dịch vụ công cộng cũng đi lên trong quý.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, cổ phiếu Nike có lúc tăng 13%, đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại 81 USD/cổ phiếu, sau khi công ty thời trang thể thao công bố doanh thu tại thị trường Bắc Mỹ đã tăng trưởng trở lại trong quý vừa rồi và đưa ra dự báo khả quan cho năm 2018.
Chốt phiên, cổ phiếu Nike tăng 11,1%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất trong gần 4 năm, đưa cổ phiếu này trở thành cú huých tăng điểm mạnh nhất của Dow Jones và S&P 500.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng thuộc S&P 500 kết thúc phiên gần như không thay đổi, dù trong phiên có lúc đạt mức cao nhất trong 1 tuần. Hôm thứ Năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết các ngân hàng nước này đã vượt qua được phần thứ hai của cuộc kiểm tra sức khỏe tài chính (stress test) thường niên, dù FED đặt thêm một số điều kiện khiến Goldman Sachs và Morgan Stanley bị hạn chế trong vấn đề tăng phân bổ vốn.
Cổ phiếu ngân hàng Wells Fargo là một điểm sáng trong nhóm, với mức tăng 3,4%.
Phiên ngành thứ Sáu chứng kiến nỗi lo chiến tranh thương mại dịu đi, sau khi nỗi lo này khiến thị trường chao đảo trong tuần. "Những gì diễn ra hiện tại chưa đến mức đáng lo như các tít báo nói. Thị trường hồi phục vào cuối tuần sau những lo ngại trước đó", chiến lược gia trưởng thị trường Ryan Detrick thuộc LPL Financial phát biểu.
Thậm chí, giới đầu tư cũng không mấy lo ngại khi Bộ Thương mại Mỹ công bố thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân lõi, một thước đo lạm phát, lần đầu tiên trong 6 năm đạt mục tiêu 2% mà FED đề ra. Hồi đầu năm nay, nỗi lo lạm phát và tăng trưởng giảm tốc đã khiến Phố Wall giảm điểm mạnh.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,23%, đạt 24.271,41 điểm. S&P 500 tăng 0,08%, đạt 2.718,37 điểm. Nasdaq tăng 0,09%, đạt 7.510,3 điểm.
Tuy nhiên, tuần này là một tuần giảm điểm của cả ba chỉ số. Trong đó, Dow Jones giảm 1,26%; S&P 500 giảm 1,33%; Nasdaq mất 2,37%. Đây cũng là lần đầu tiên trong hơn 2 năm Dow Jones có 3 tuần giảm liên tiếp.
Trong tháng 6, Dow Jones giảm 0,59%; S&P 500 tăng 0,49%; và Nasdaq tăng 0,92%.
Trên sàn NYSE, số cổ phiếu tăng giá phiên này nhiều gấp 1,51 lần số cổ phiếu giảm giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,19 lần.
Có tổng cộng 7,16 tỷ cổ phiếu được các nhà giao dịch chuyển nhượng, so với mức bình quân 7,28 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Nguồn: vneconomy.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét