Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành VI vừa tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2018.
Đáng lưu ý, về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, KTNN chuyên ngành VI tiếp tục thực hiện 9 cuộc kiểm toán được phân công, trong đó có cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý vốn tài sản Nhà nước tại Tổng công ty Đạm Phú Mỹ được phân công bổ sung.
Theo báo cáo tài chính quý I, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (HOSE: DPM) đạt thu thuần trong kỳ 2.084 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 5%. Tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng cao khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm 21% còn 465 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, Đạm Phú Mỹ đưa ra kế hoạch lợi nhuận hợp nhất 2018 ở mức 442 tỷ đồng trước thuế, trong khi 9 tháng đầu năm 2017 công ty đã lãi tới 852,9 tỷ đồng. Kế hoạch 2018 dựa trên dự báo giá dầu 50 USD/thùng.
Báo cáo trước đại hội, ông Lê Cự Tân, Chủ tịch HĐQT DPM cho biết, trong năm 2017, DPM gặp không ít khó khăn như: Giá dầu thế giới đã dần tăng trở lại dẫn tới giá khí cũng tăng lên, trong khi đó đà giảm giá của phân đạm theo giá dầu vẫn chưa tăng trở lại do độ trễ của thị trường; Cung phân đạm trong nước vượt cầu và giá giảm theo xu hướng thế giới; Đặc biệt, chi phí thuế giá trị gia tăng đầu vào của DPM tăng lên tương ứng với phần thuế không được khấu trừ do thay đổi luật thuế...
Tại đại hội, ông Đinh Văn Sơn, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chia sẻ, PVN đang tiến hành song song công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại các đơn vị thành viên và giai đoạn tiếp theo là tìm cổ đông chiến lược cho các đơn vị này để các doanh nghiệp tái cơ cấu thành công. Riêng đối với 3 đơn vị lớn vừa IPO, trừ PVPower giữ trên 51% vốn (do còn vướng cam kết vay nợ ODA), còn lại đều thoái dưới mức này.
“Thời gian tới, PVN sẽ hỗ trợ cho DPM vượt qua những khó khăn hiện tại và hợp tác chặt chẽ với cổ đông, trong đó sẽ đẩy nhanh lộ trình thoái vốn, nhất là việc xem xét thoái xuống dưới 51%”, ông Sơn nói.
Được biết, trong kế hoạch tái cơ cấu DPM giai đoạn 2016 - 2020, cổ đông Nhà nước dự kiến sẽ thoái vốn xuống 51% và tiếp tục thoái xuống dưới 51% (hiện PVN đang sở hữu 59,58% vốn DPM). Theo đó, để thuận lợi cho việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, cổ đông DPM đã thông qua việc không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, để thỏa điều kiện không bị giới hạn room ngoại, DPM phải xóa đăng ký 3 ngành nghề kinh doanh là bốc xếp hàng hóa, vận chuyển hàng hóa đường bộ và vận tải đường thủy nội địa; đồng thời điều chỉnh ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện thành sản xuất điện.
Phương Dung
Tag :Đạm Phú Mỹ, kiểm toán nhà nước
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét