Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Tận dụng tro xỉ của nhiệt điện than: Đừng “đánh trống bỏ dùi”

Đó là nhận định của ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường tại Hội nghị “Sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ” mới đây.

Hội nghị “Sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ” diễn ra vào ngày hôm qua (20/6).

Hội nghị “Sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ” diễn ra vào ngày hôm qua (20/6).

Dậm chân tại chỗ

Theo báo cáo tổng hợp tình hình tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than của EVN, việc tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than khu vực phía Bắc đã được thực hiện từ lâu, hầu hết các nhà máy đã ký hợp đồng với các đối tác để tiêu thụ phần lớn lượng tro xỉ.

Do đó, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN nhận định, tro xỉ không phải là nguồn chất thải nguy hại, chủ yếu được tái sử dụng làm phụ gia cho bê tông, xi măng, vữa xây dựng, gạch không nung với thị trường tiêu thụ tro xỉ tương đối ổn định.

Tuy nhiên, ông Mát cho biết, sau 8 năm đưa ra chủ trương thay thế bằng vật liệu không nung vào năm 2020 và hạn chế vật liệu nung, thực trạng cho thấy 18 tỷ viên gạch sản xuất mỗi năm vẫn là vật liệu nung, còn tỷ lệ vật liệu không nung vẫn dậm chân tại chỗ.

Giải thích cho điều này, ông Mát cho rằng, một phần bởi lượng carbon trong tro xỉ lớn nên ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng sản phẩm, đặt biệt là xi măng, bê tông.

“Với chất lượng như vậy thì phải có phân định rõ ràng. Nếu trong Nghị định 38 của Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn sử dụng cụm từ “tro xỉ là chất thải nguy hại” thì rất khó cho DN trong sản xuất, xuất khẩu”, ông Mát chia sẻ.

Cụ thể, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường cho rằng, phải làm rõ đây là chất thải rắn, chất thải thông thường hay chất thải nguy hại. Theo đó, các bộ có liên quan cần có quy định quy chuẩn rõ ràng để Chính phủ chỉ định đây là loại chất thải tái sản xuất, đưa vào sử dụng vật liệu không nung hoặc phụ gia bê tông, xi măng.

“Đã tới lúc làm thật, làm đúng, và quyết liệt”

Về chính sách, ông Mát kiến nghị, EVN nên có ý kiến với Bộ Công Thương, Chính phủ, phải đưa vật liệu không nung lên hàng đầu.

Nếu vật liệu không nung được thay thế, mỗi năm nước ta có thể tiêu thụ 15 triệu tấn tro xỉ. Theo đó, chỉ cần thay thế 70% vật liệu nung thì sẽ đem lại lợi ích kép như giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giải quyết quỹ đất không phải làm hồ chứa.

“Khi đó, DN sử dụng tro xỉ sẽ đầu tư công nghệ, chất xám, tài chính để lo triệt để toàn diện, nhưng chính sách cũng phải bền vững, quyết liệt chứ “cứ đánh trống bỏ dùi” mãi không được”, ông Mát nói.

Ông Mát cũng kiến nghị, nên có chính sách cho vay ưu đãi cho nhà đầu tư dự án sử dụng tro xỉ, chi phí, giá thành rẻ thì giá mới cạnh tranh. Ngoài ra cần có chính sách ưu đãi thuế, như miễn thuế thu nhập DN hay VAT.

Đồng tình với ông Mát, ông Nguyễn Văn Quyên, Phó giám đốc Công ty Điện Phả Lại cũng cho rằng, khó nhất của nhà đầu tư hiện nay là giá tro xỉ, và yêu cầu EVN phải hỗ trợ, hướng dẫn DN trong vấn đề này.

Về giá tro xỉ, vị này cho rằng, nếu cho không thì các cổ đông sẽ không đồng ý vì là công ty cổ phần, hơn nữa, Kiểm toán Nhà nước coi đây là tài sản nên chắc chắn yêu cầu phải đấu giá.

“Đã là đơn vị kinh doanh thì phải bán, thị trường giá 100.000 đồng thì chúng tôi không thể bán cho nhà đầu tư 10.000 đồng được. Nhà đầu tư cũng phải cam kết ngay phần giá đầu ra – vào và cam kết dài hạn”, ông Quyên nói.

Hơn nữa, đại diện Công ty Điện Phả Lại chia sẻ, hiện nay phần lớn các nhà đầu tư tranh bán, tranh mua với tính chất nhỏ lẻ, chứ khi bỏ thầu giá cao nhưng mua được một thời gian lại ngừng thì DN xả thải cũng không biết vin vào đâu.

Do đó, theo ông Quyên, các nhà đầu tư cần có Hiệp hội tiêu thụ tro xỉ và có chiến lược đầu tư dài hạn.

“Đã tới lúc làm thật, làm đúng, và quyết liệt. Chúng ta đã có quyết định của Thủ tướng rồi nhưng phải giao trách nhiệm rõ ràng, chứ cứ nói chung chung thì không ai chịu trách nhiệm rồi bài toán tro xỉ lại không giải quyết được”, ông Mát nói thêm.

Hồng Vân

Tag :EVN, tro xỉ, nhiệt điện than, vật liệu không nung


Nguồn: dantri.com.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates