“Chỉ dẫn địa lý” nâng tầm giá trị hàng Việt
Đại diện Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, đơn vị này đang phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Hội chợ thương mại quốc tế về thực phẩm và đồ uống, công nghệ thực phẩm và bán lẻ và nhượng quyền thương mại ở Châu Á (ThaiFex).
ThaiFex 2018 diễn ra từ ngày 29/5 – 2/6, với khoảng 60.000 lượt khách trên toàn thế giới tham dự, tăng 10% so với năm 2017. Sự kiện thu hút hơn 2.500 công ty trưng bày đến từ 40 quốc gia khu vực và thế giới.
Các doanh nghiệp Việt Nam mang sản phẩm của mình đến với hội chợ quốc tế ThaiFex (Thái Lan)
Đoàn Việt Nam gồm 30 doanh nghiệp tham gia với các sản phẩm thực phẩm hữu cơ, an toàn. Việt Nam sẽ có chương trình triển lãm xuyên suốt trong những ngày diễn ra sự kiện. Trong đó có “Làng hữu cơ và thiên nhiên” là khu vực triển lãm bộ sưu tập các sản phẩm hữu cơ Việt Nam gồm các sản phẩm trái cây sấy, gạo, dừa chế biến và sữa hữu cơ.
Ở khu làng “Chỉ dẫn địa lý” sẽ được trưng bày những sản phẩm đặc sắc như: nước mắm Phú Quốc, thanh long Bình Thuận, tiêu Quảng Trị, hạt điều Bình Phước, dừa xiêm xanh và bưởi da xanh của Bến Tre… Các sản phẩm thiên nhiên như sen Đồng Tháp, nước mãng cầu cô đặc cũng có những tiểu cảnh trưng bày riêng, độc đáo tại khu làng này.
Chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ một địa phương, lãnh thổ hay khu vực có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý.
Các đối tác quốc tế nếm thử sản phẩm đến từ Việt Nam tại ThaiFex
Ông Pascal Billaud, Đại sứ châu Á về Chỉ dẫn địa lý của Liên Hợp Quốc cho biết, với chỉ dẫn địa lý thì Việt Nam nên đẩy mạnh phát triển nhận thức của người dân, tạo ra nhiều hình thức đào tạo, giáo dục con người. Ở Thái Lan, người dân được tìm hiểu rõ về tác động, lợi ích của chỉ dẫn địa lý, nhiều người còn là "nhà phát minh" cho chính nơi sản xuất của mình.
Cũng theo ông Pascal Billaud, với các sản phẩm chỉ dẫn địa lý mà Việt Nam hiện nay đang xuất sang Trung Quốc thì nên bảo vệ những khu vực sản xuất này, đảm bảo sự cân bằng và công bằng cho nông dân.
Theo ông Pascal Billaud, giá trị nông sản tại Việt Nam đang thấp hơn so với một số nước láng giềng. Cụ thể như loại tiêu đen, mặc dù cùng là tiêu nhưng tiêu đen Kampot (Campuchia) có giá 15 USD/1kg, tiêu Thái Lan là 6 USD/1kg, còn tiêu Việt Nam chỉ là 5.04 USD/1kg.
“Điều này cho thấy, Việt Nam chưa làm tốt lợi ích của chỉ dẫn địa lý trong việc tăng năng xuất cho người trồng và các lợi ích khác về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhãn hiệu thông qua sản phẩm có chỉ dẫn địa lý”, ông Pascal Billaud nói.
Các sản phẩm có “chỉ dẫn địa lý” của Thái Lan được thiết kế hấp dẫn và bắt mắt. Đây là một lợi thế trong việc cạnh tranh trên thị trường.
Sầu riêng, Yaourt Việt Nam khiến quốc tế phải “nể”
Đại diện một doanh nghiệp Việt Nam tham gia ThaiFex cho biết, chỉ trong ngày đầu tiên, doanh nghiệp này đã tiếp xúc được 25 khách hàng doanh nghiệp. Họ đều là những khách hàng quan tâm đến sản phẩm của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, vị đại diện doanh nghiệp nói trên cũng chia sẻ, Thái Lan bảo trợ cho sản phẩm nông nghiệp rất chặt chẽ, hải quan làm “căng” với nông sản của các nước khác, Thái Lan có luật bảo vệ nông dân và nông sản họ đến cùng. Do đó, nếu thực hiện tất cả các thủ tục thì chi phí mang hàng sang Thái sẽ rất cao. Đó là thực tế mà các doanh nghiệp Việt cần chú ý.
Ngoài ra, các thương hiệu cà phê của Việt Nam cũng được các đối tác quốc tế như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đánh giá cao.
Tiêu Việt Nam chỉ có giá bằng 1/3 so với tiêu Campuchia.
Anh Nguyễn Xuân Hiếu, phụ trách thị trường khu vực châu Á, châu Phi của một thương hiệu cà phê lớn tại Việt Nam chia sẻ, năm trước thị trường Thái Lan đem về cho doanh nghiệp của anh 1,5 triệu USD, năm nay doanh nghiệp của anh muốn phát triển lên khoảng 3 triệu USD.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, ThaiFex năm nay không quá sôi động như những năm trước, khu gian hàng của Trung Quốc vẫn là nơi vắng vẻ nhất. Trong khi đó, khu gian hàng của Nhật Bản và Hàn Quốc lại rất đông khách do được thiết kế chỉn chu và nổi bật màu sắc dân tộc.
“Năm nay, nhìn chung thì bao bì sản phẩm của Việt Nam vẫn còn thua các nước, đó là chuyện không có gì mới. Điều đáng nói là quốc tế đang chạy đua kịch liệt về thay đổi chất liệu và kỹ thuật thì chúng ta vẫn lơ ngơ cãi nhau về…mỹ thuật”, bà Hạnh nói.
Sầu riêng sấy của Việt Nam khiến các đối tác quốc tế và du khách phải trầm trồ khen ngợi vì chất lượng thơm ngon.
Cũng theo bà Hạnh, mặc dù đoàn Việt Nam có đôi chút yếu thế hơn về một số mặt nhưng cũng không phải là không có sự nổi bật.
Cụ thể như chất lượng trái cây sấy thì công nghệ sấy lạnh và sinh học của doanh nghiệp Việt không “ngán” sản phẩm của nước nào. Khách quốc tế vào nếm thử sầu riêng sấy của Việt Nam thì phải trầm trồ nể phục vì chất lượng hay Yaourt (sữa chua) đông khô thì có độ giòn và thơm, tan ngay trong miệng hấp dẫn hơn hẳn các sản phẩm của Thái Lan cùng loại.
Đại Việt
Tag :nông sản, hàng Việt Nam, du khách quốc tế
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét