Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Khởi nghiệp: Đam mê thôi chưa đủ

Những ý tưởng khởi nghiệp được phát triển không đúng thời điểm, đội nhóm không vững mạnh, đam mê của nhà sáng lập không phù hợp với năng lực và thiếu thực tế là nguyên nhân khiến nhiều dự án khởi nghiệp bị thất bại.

Kể lại câu chuyện về những ngày đầu khởi nghiệp của mình, Nguyễn Ngọc Điệp, CEO Vatgia.com chia sẻ: "Thời sinh viên tôi không biết mình thích gì. Khi đi du học ở Nhật, tôi được bạn bè nhờ mua nhiều thứ gửi về và nảy sinh ý tưởng buôn hàng hóa. Sau đó, tôi ham mê đọc sách và nghĩ là mình cũng phải làm được cái gì đó để lại cho đời. Và phải làm điều mình thích thì mới có kết quả đáng kể như vậy. Tôi đam mê kinh doanh và được làm việc với đam mê của mình đúng là hạnh phúc".

Dám hy sinh và đánh đổi

Cùng quan điểm là khởi nghiệp phải xuất phát từ đam mê, Hùng Đinh, CEO của Design Bold cho rằng điều cần nhất sau đam mê chính là hy sinh. 

"Chỉ đam mê thôi là chưa đủ mà cần đánh đổi nhiều thứ khác để theo đuổi và ý tưởng khởi nghiệp đến thành công. Tôi đã từng cúp học để đi buôn máy tính và điện thoại, làm gia sư, dạy tin học. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã vào Tp.HCM làm việc hơn một năm. Ở thời điểm đó, tôi làm trợ lý dự án cho một doanh nghiệp dầu khí và không liên quan đến công nghệ thông tin. Sau đó tôi còn được cử sang Singapore làm việc với mức lương ngoài sức tưởng tượng nhưng thực sự cảm thấy rất mệt mỏi. 

Ảnh 1.

Hùng Đinh – CEO của Design Bold.

Công việc vô cùng vất vả nhưng tôi vẫn luôn muốn nuôi dưỡng đam mê công nghệ. Cứ sau 9h tối lại bật máy tính lên. Tôi đã tự học lập trình sau những giờ làm việc vất vả và tối mịt. Việc theo đuổi công nghệ thông tin dường như rất cô đơn nhưng tôi không nản lòng. Tôi chấp nhận tất cả để bứt phá xây dựng từ dòng code đầu tiên", Hùng Đinh kể lại

Với 17 năm khởi nghiệp, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cũng đồng tình với việc cần hy sinh và đánh đổi để theo đuổi đam mê khởi nghiệp. 

Ảnh 2.

Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse.

"Ước mơ hồi cấp 2 của tôi là trở thành nhà bác học, nhưng lên cấp 3, tôi bắt đầu có sự thay đổi khi xem tivi và thấy đất nước bạn rất giàu có, không hiểu sao nước mình lại nghèo thế. Chính vì trăn trở đó, tôi bắt đầu kinh doanh từ khi còn là sinh viên. Khi bạn bè đi kết bạn, đi chơi và giao lưu thì tôi đi kinh doanh.

 Kiến thức 4 năm ở trường cũng không thể đem lại nhiều kinh nghiệm như vậy. Khi người anh cả trong gia đình sang Nga lao động gửi thùng hàng đầu tiên về Việt Nam vào năm 1988, tôi đã phải đem thùng hàng đó đi bán khắp chợ Giời, Đồng Xuân... 

Chính quá trình đi bán hàng đó tôi mới học được nhiều điều, biết thế nào là mua bán thực tế. Khi đó, bố mẹ tôi cũng tin tưởng và giao hết gia sản cho tôi - một cậu bé 17 tuổi. Chính khi cầm toàn bộ số tiền của gia đình bắt buộc tôi phải chịu trách nhiệm, phải ra quyết định. 

Đó là trải nghiệm lớn nhất trong cuộc đời tôi. Để khởi nghiệp thành công thì phải trải nghiệm, trả giá và đánh đổi, không gì đạt được lại quá dễ dàng", ông Phú kể lại.

Đánh giá năng lực bản thân, tránh mù quáng

Nhận xét về các bạn trẻ ngày nay, Hùng Đinh cho rằng các bạn trẻ hiện nay năng động và có nhiều cơ hội song một số có nhược điểm là thiếu tập trung, hay nhảy việc, thậm chí thay đổi cả đam mê. 

"Các bạn cần cân nhắc và lựa chọn đam mê và xem xét có thể hiện thực hóa được khát vọng của mình hay không. Cần gặp gỡ những người có kinh nghiệm, chia sẻ ý tưởng của mình để hiểu đam mê có thực tế và phù hợp bản thân hay không". Theo Hùng, khi làm điều gì mà không có kết quả thì không hợp lý. 

Do đó, để khởi nghiệp, nhà sáng lập phải xác định đúng năng lực của mình, điểm rơi của thị trường. 

"Chẳng hạn, 15 năm trước, khởi nghiệp với Internet mang lại cơ hội lớn. Còn giờ đây đã là thời của những thứ khác. Bên cạnh đó, các bạn cần chọn được đội nhóm tốt, tìm nguồn tài chính đủ mạnh để nuôi dự án đi đến thành công. Đam mê phải đặt trong bối cảnh như vậy thì mới xem xét có nên theo đuổi hay không", anh nói.

Còn theo Nguyễn Ngọc Điệp, để thành công trên chặng đường dài của khởi nghiệp cần bắt đầu từ việc hoàn thiện những việc nhỏ. Tức là, khi xây dựng một sản phẩm nào đó, startup phải khảo sát thị trường và đặt mục tiêu tạo ra sản phẩm vượt cả mong đợi của khách hàng thì sẽ thắng. 

Ảnh 3.

Nguyễn Ngọc Điệp - CEO Vatgia

"Chẳng hạn sản phẩm 123.doc của chúng tôi hiện có gần 10 triệu bản tài liệu được đội ngũ 8 người xây dựng. Chúng tôi đang tấn công cả thị trường Indonesia và Nhật. Chúng tôi xác định mục tiêu tập trung một thứ dựa trên điểm mạnh của mình", Điệp nói.

Tương tự, CEO của Vatgia.com kể câu chuyện đam mê khởi nghiệp của 2 startup đã từng được doanh nghiệp này bỏ vốn đầu tư. 

"Khi tôi gặp một bạn trẻ mê xem phim, hiểu biết về phim và mong muốn xây dựng một cộng đồng cùng sở thích. Tôi đã đầu tư 600 triệu đồng để bạn ấy xây dựng. Pub.vn ra đời từ ấy. Bạn ấy đã làm rất tốt và thành thạo tất cả mọi khâu", Điệp kể.

Trở về từ sau chuyến đi Diễn đàn Khởi nghiệp tại Hoa Kỳ - phần thưởng từ giải nhất Techfest vừa qua, Lê Hoàng Nhật – CEO của ứng dụng "Quản gia ảo" Ami chia sẻ: "Vốn là người mê khởi nghiệp sáng tạo và công nghệ, chuyến tham quan đại bản doanh của các người hùng như Facebook, Google rất ấn tượng và tạo cảm hứng cho thôi rất nhiều. Tôi hiểu tại sao những kỹ sư làm việc tại các công ty công nghệ lớn luôn hết mình như vậy. Họ được thoả chí sáng tạo. Tôi mong là Việt Nam cũng sẽ có ngày như vậy".

Chia sẻ bí kíp khởi nghiệp, Nhật bộc bạch: "Khởi nghiệp không đơn giản là mở ra một điều gì đó để làm, để kinh doanh, mà phải làm theo cách khác biệt, khả năng tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn, giúp con người và thế giới phát triển. Nếu các bạn đang ấp ủ ý tưởng nào đó và tin có thể làm được thì hãy bắt tay vào làm với một tinh thần không sợ thất bại, dám theo đuổi thành công đến cùng".

Là người có nhiều cơ hội tiếp xúc với startup, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) đưa ra lời khuyên: "Không chỉ đam mê, startup hãy làm thứ gì mà mình mạnh nhất, am hiểu nhất thì người khác sẽ tin tưởng mình. Cả thị trường và các nhà đầu tư đều cần có niềm tin ở các bạn".


Nguồn: vneconomy.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates