Một tuyến đường sắt đô thị của công ty Tokyo Metro tại Nhật Bản. (Nguồn: The Japan Times)
Tại buổi họp báo giới thiệu hệ thống tàu điện ngầm Tokyo Metro được tổ chức vào chiều nay (27/3), bà Kana Sakata, đại diện Công ty Tokyo Metro Nhật Bản cho biết Việt Nam đang xúc tiến xây dựng rất nhiều tuyến tàu điện ngầm ở cả Hà Nội và tp. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, hiện nay, có 32 dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản với giá trị trên 2,9 tỷ USD và nhiều dự án lớn nhỏ khác của nhà đầu tư Nhật Bản đang khiến cho diện mạo Hà Nội đổi thay từng ngày.
“Chúng tôi, công ty Tokyo Metro sẽ kết hợp với Việt Nam và xin nguồn vốn ODA của Nhật Bản để được cấp phép xây dựng tuyến metro tại Hà Nội. Còn ở tp. Hồ Chí Minh, dự án tuyến metro số 1 đang được hoàn thành, dự kiến năm 2020 sẽ đi vào hoạt động”, ông Michiyoshi Hasegawa, Giám đốc Tokyo Metro tại Việt Nam nói.
Tuy nhiên, ông này cho hay, hiện tại việc Nhật Bản xây dựng tuyến metro tại Hà Nội chỉ đang lên kế hoạch khái quát chứ chưa có từng bước cụ thể và ước lượng tổng mức đầu tư.
Bên cạnh việc đầu tư vốn, mục đích của Tokyo Metro là kết hợp cùng UBND thành phố để nâng cao việc quản lý tuyến đường sắt thủ đô.
Thêm nữa là đóng vai trò đơn vị tư vấn, tham mưu để làm sao hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội phát triển tốt hơn.
Về việc hệ thống metro Hà Nội có khác gì với hệ thống metro tại Tokyo, ông Hasegawa nhận định: “Hệ thống đường sắt tại Hà Nội phức tạp hơn ở Tokyo vì có cả chủ đầu tư Trung Quốc và Pháp nên sẽ có sự khác biệt và phức tạp hơn. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để metro Hà Nội hiện đại như của Tokyo bằng cách trở thành đơn vị quản lý tốt nhất hệ thống metro tại Hà Nội”.
Ngoài ra, đại diện Công ty Tokyo Metro Nhật Bản cũng chia sẻ rằng, trong số các nước Đông Nam Á, Công ty Tokyo Metro thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhất tại Việt Nam.
Trước đó, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội cho biết, thành phố sẽ triển khai tổng cộng 10 dự án đường sắt đô thị, với tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ USD.
Hà Nội cũng sẽ đa dạng các nguồn lực, từ vốn vay ODA và vốn xã hội hóa, nên mong muốn đối tác Nhật Bản sớm cho vay vốn để triển khai các dự án đường sắt đô thị. Trước mắt, là nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt đô thị số 2.
Hồng Vân
Tag :tuyến đường sắt đô thị, Đường sắt đô thị, tàu điện ngầm, nguồn vốn ODA, đô thị Hà Nội
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét