(Ảnh minh hoạ).
Ngày 30/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã ký Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 27/3.
Áp lực tăng giá cuối năm
Theo kết luận, CPI tháng 3 năm 2018 tăng 0,97% so với tháng 12 năm 2017, CPI bình quân quý I/2018 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước ước tăng 1,34%. Đây là mức tăng sát với kịch bản dự báo và trong tầm kiểm soát của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 ở mức 4%.
Dự báo trong 9 tháng còn lại của năm 2018, cho thấy mặt bằng giá thị trường chịu tác động đan xen của các yếu tố làm tăng áp lực và các yếu tố kiềm chế tốc độ tăng giá.
Trong đó, rủi ro về áp lực tăng giá chủ yếu đến từ yếu tố thị trường như xu hướng phục hồi của giá xăng dầu và một số nguyên liệu chính trên thị trường thế giới, gắn với đó là việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số dịch vụ công (dịch vụ y tế, giáo dục, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước...).
Bên cạnh đó, cũng có nhiều yếu tố tác động sẽ giúp kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng như cung cầu hàng hóa được cân đối, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá một số nhóm mặt hàng có xu hướng giảm khi áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ như giá dịch vụ viễn thông với việc triển khai công nghệ 4G; lạm phát cơ bản được kiểm soát, giá một số dịch vụ có dư địa giảm như giá thuốc chữa bệnh cho người; dịch vụ sử dụng đường bộ BOT tiếp tục được rà soát để giảm giá, giá vật tư y tế có thể giảm nếu tiếp tục đẩy mạnh áp dụng biện pháp đấu thầu và tăng cường công tác quản lý.
Yêu cầu giảm BOT, kiểm soát giá xăng dầu
Về phương hướng điều hành cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo dõi sát diễn biến giá thị trường các mặt hàng nông sản, phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối... nhằm ổn định thị trường.
Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung; công bố giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu; tăng cường công tác kiểm tra giá, quản lý chất lượng, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu.
Đáng lưu ý, đối với mặt hàng điện, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các chi phí đầu vào để điều hành giá điện phù hợp với kịch bản điều hành giá chung trong năm 2018, đồng thời tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tránh tạo kỳ vọng về lạm phát.
Đối với, giá vật liệu xây dựng và bất động sản, yêu cầu Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản, đặc biệt chú trọng quản lý giá thép, chủ động đề xuất biện pháp bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung khi nhu cầu nguyên vật liệu cho xây dựng tăng cao; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo tổng thể về thực trạng, phương án quản lý các công trình khách sạn căn hộ (condotel) đảm bảo tính bền vững của thị trường bất động sản.
Giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát các dự án, hoàn tất đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng để điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian hoàn vốn. Sớm triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng và tiếp tục rà soát các chi phí liên quan đến vận hành và khai thác các dự án BOT này.
Phương Dung
Tag :giá điện, giá xăng dầu, điều hành giá, phó thủ tướng đinh tiến dũng
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét