Nước ở ruộng lúa cũng ngả màu
Ô nhiễm chồng ô nhiễm
Chúng tôi đến thôn An Cường vào một ngày cuối tháng 3, tại đây, bất cứ người dân nào khi được hỏi về tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đều lắc đầu ngao ngán.
Chị Nguyễn Thị Sen (SN1963) thì bức xúc nói, không chỉ tiếng ồn mà dân trong thôn còn lãnh đủ khói bụi, xuân thu nhị kỳ, cứ gió Đông là bụi từ Nhà máy Thành Công tấn công toàn bộ cả khu còn gió Bấc thì là Nhà máy Hòa Phát... Cũng theo chị Sen, bụi đen như mạt sắt bao trùm lên cả khu, bụi phủ kín mái nhà…chỉ cần qua một đêm là sáng ra quét sân cũng xúc được nửa kg bụi đen.
Ông Nguyễn Dũng Yên (SN1957) thì cho biết, khói bụi thì dân hít quanh năm rồi nhưng đỉnh điểm là ngày 8/3 vừa qua, không hiểu các nhà máy xả gì ra môi trường mà sáng ra cả 5 sào hành sắp thu hoạch của nhà ông đều bị táp lá, chín nhũn ra như bị luộc. Tương tự, gia đình chị Vũ Thị Thoan cũng bị hỏng hơn 2 sào hành vào đêm ngày 8/3 và còn nhiều hộ dân với tổng diện tích khoảng 30 sào trồng hành cũng lâm vào tình cảnh trên
Theo ông Tô Văn Ngó, cứ gió Đông hay gió Bấc thì bụi bay mù trời, hít bụi vào ai cũng thấy tức ngực khó thở, người già, trẻ em trong thôn rất hay mắc bệnh về hô hấp.
Còn theo ghi nhận của phóng viên Dân Trí, tại thôn An Cường thì chỉ cần đứng tại đây một lúc là không chịu nổi vì tiếng ồn phát ra từ các nhà máy. Mái nhà của các hộ dân ở đây dù là ngói đỏ hay là tôn cũng phủ một màu đen kịt. Thậm chí ngay cả những cây bưởi, chanh lá cũng không còn màu xanh mà toàn bộ các lá đều bị một lớp bụi đen phủ kín, bám chặt. Chưa hết, ngay cả những loại quả như hồng xiêm hay bưởi… cũng bị bụi đen nhuộm kín vỏ.
Tương tự, tại xóm 1, thôn Hiệp Thượng, người dân nơi đây cũng rất bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường do phải hứng khói bụi từ các nhà máy trong cụm công nghiệp này.
Theo người dân tại đây, bất kể ngày hay đêm nhà nào cũng phải đóng chặt cửa để tránh bụi, khói nhưng vẫn bị bủa vây. Nước thì phải đi mua vì nước sông, nước mưa đều ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Tô Văn Khoản (SN 1959, ở xóm 1 thôn Hiệp Thượng) cho biết, vài năm gần đây chỉ riêng thôn Hiệp Thượng đã có hàng chục người mắc bệnh ung thư và chết.
Người dân cũng cho biết thêm, họ đã làm đơn gửi khắp nơi nhưng cho đến nay vẫn không có hồi âm. Ngay cả khi cơ quan chức năng về kiểm tra thì họ dừng hoạt động hoặc giảm công suất nên mức độ ô nhiễm giảm. Thế nhưng khi cơ quan chức năng rút khỏi đi thì đâu lại đóng đó. Một số gia đình có điều kiện thì bỏ nhà đi nơi khác mua nhà sinh sống, còn lại những hộ dân không có điều kiện thì đành sống chung với khói bụi.
Chính quyền huyện nói gì?
Tại cuộc làm việc với phóng viên Dân Trí vào ngày 25/3, ông Lê Văn Bí, Phó chủ tịch UBND huyện Kinh Môn thừa nhận, từ nhiều năm nay người dân đã kiến nghị về tình trạng ô nhiễm tại khu vực này. Huyện cũng đã tiếp nhận thông tin này qua các cuộc tiếp xúc cử tri và qua giao ban. Cũng theo ông Bí, ngay khi tiếp nhận phản ánh của dân có dấu hiệu là UBND huyện lập tức vào cuộc ngay.
Về việc người dân tố đích danh Nhà máy sản xuất thép Hòa Phát gây ô nhiễm, ông Bí cho rằng, đây là cụm công nghiệp bao gồm cả các nhà máy khác cùng một số bãi than…chứ không phải mình Hòa Phát. Do đó phải bắt tận tay mới có thể xử lý được.
Tuy nhiên ông Bí cũng cho biết, Nhà máy Hòa Phát trong giai đoạn 1 do chưa đánh giá hết ĐMT nên người dân có nhiều ý kiến. Năm 2017, huyện cũng đã đưa Hòa Phát vào diện theo ý kiến của dân là vẫn còn vi phạm. Thậm chí vào ngày 17/1/2018, chính ông Bí trong khi đi ngang qua đã phát hiện khói vàng đã yêu cầu phòng TN&MT huyện vào kiểm tra và yêu cầu Hòa Phát dừng hoạt động, xác định nguyên nhân và khắc phục. Phía Hòa Phát sau đó cũng xác định nguyên nhân dẫn đến khói vàng là do ảnh hưởng của hệ thống túi lọc bụi và đã khắc phục xong.
Còn theo phía Hòa Phát thì hiện tại thì Hòa Phát đã có ĐMT, đã được phê duyệt cũng như đã có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường… và qua kiểm tra, quan trắc, các thông số đều đạt qui chuẩn cho phép.
Về vấn đề người dân quan ngại khi các cơ quan chuyên môn tiến hành quan trắc định kỳ, hoặc khi có sự cố vào kiểm tra thì đều ở ngưỡng cho phép thì trong khi thực tế thì khói bụi vẫn bủa vây khu dân cứ thì ông Bí cho rằng, hiện tại một số nhà máy trong cụm công nghiệp vẫn chưa có hệ thống quan trắc tự động, việc này cũng hạn chế sự giám sát về quan trắc môi trường tại khu vực này.
Ông Bí cũng cho biết, khi sự cố là dừng hoạt động nhà máy thì đương nhiên sẽ không quan trắc được. “Hiện huyện đang yêu cầu các doanh nghiệp chưa lắp đặt thiết bị này phải thực hiện, chậm nhất là 30/8/2018 phải hoàn thành”, ông Bí nói.
An Nhiên
Tag :Cụm Công nghiệp, ô nhiễm môi trường, tình trạng ô nhiễm
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét