Ông Ba Thành, không chỉ được người dân trong huyện Hoài Nhơn biết đến có lẽ là người đầu tiên “ném” cả hơn nửa tỷ đồng làm nhà kính để trồng rau sạch theo phương pháp công nghệ cao trên vùng đất núi. Mô hình trang trại “đa cây, đa con” với 4 nhà kính rộng 2.000 m2, nuôi 200 con heo, bò, trồng 500 trụ tiêu, 300 cây cam sành và bưởi da xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao nhiều năm qua. Song, ông Thành vẫn chưa thỏa mãn với những gì đạt được mà vẫn tiếp tục đầu tư nuôi các giống gà quý hiếm.
Ông Ba Thành với đàn gà nhiều chủng giống khác nhau.
Theo ông Thành, từ đầu năm 2017 đến nay, ông đã thuần dưỡng và nhân rộng thành công nhiều giống gà như Ai Cập, đen Mông, gà Ri, Đông Tảo, gà Phùng Dầu Sơn (Khánh Hòa), gà tre Serama (Thái Lan)… Đây đang là hướng phát triển mới, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao trong thời gian tới.
“Thực ra tôi chẳng tài giỏi gì cả, học hỏi qua các mô hình trang trại, qua ti vi, báo, đài… Chỉ muốn truyền cái đam mê, định hướng cho các con làm ăn bằng chính mồ hôi công sức của mình. Mong cuộc sống các con không phải cảnh thiếu trước hụt sau như vợ chồng tôi từng trải qua”, ông Thành chia sẻ.
Lợi thế là cả 4 hộ gia đình (ông Ba Thành và 2 con trai và 1 con gái) đều lập nghiệp và canh tác trên diện tích rộng hơn 2 ha tại vùng đất núi hóc Chổi, dưới chân dãy đồi Tượng, cách xa các cụm dân cư thôn Diễn Khánh gần 1 km nên rất thuận lợi trong việc chăn nuôi, trồng rừng và xây dựng trang trại.
Với quyết tâm làm cái gì phải làm cho được, sau khi tìm hiểu các cơ sở giống gà uy tín, ông Thành giao cho chị Ba Thị Kim Liên, con gái út ông 50 triệu đồng đi tham quan học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh gà giống ở Trung tâm giống gia cầm các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa. Sau đó, chị Liên chọn mua 30 gà mái đang thời kỳ đẻ trứng, 10 gà trống khác dòng gồm đen Mông, siêu trứng Ai Cập, Phùng Dầu Sơn.
Ngoài ra, ông Thành còn sưu tầm thêm các giống được cho là “khó nuôi” như gà Đông Tảo, gà Ri, tre Serama (Thái Lan) đưa về nuôi thử nghiệm.
Ông Thành thuần dưỡng gà tre Serama (Thái Lan).
Theo chị Liên, người trực tiếp chăm sóc đàn gà, đối với gà Mông, có nguồn gốc hoang dã nên thích nghi với môi trường tự nhiên, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Còn gà Ai Cập và Phùng Dầu Sơn cũng dễ chăm sóc, giỏi kiếm ăn, thức ăn hàng ngày chủ yếu là lúa và bắp. Ưu điểm của giống này đều đẻ nhiều, mỗi con cho từ 14-16 trứng/kỳ. Đặc biệt các giống Đông Tảo, tre Serama cũng dần thích nghi với môi trường nuôi tự nhiên, phát triển tốt.
Đến nay, sau hơn 1 năm đưa vào nuôi và nhân giống, đàn gà giống và thịt của ông luôn ổn định từ 300-400 con. Ngoài cung ứng từ vài chục đến hàng trăm quả trứng thường ngày cho bà con và thương lái khắp nơi trong và ngoài huyện, ông còn bán gà thịt thương phẩm, mỗi con trống tùy theo từng loại nặng từ 1,5 đến 2kg, mái từ 1 kg đến 1,2 kg với giá bán khoảng 150 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng/kg. Riêng gà Hơ mông và Ai cập siêu trứng, giống 1 ngày tuổi giá 30 ngàn đồng/con; 1 tháng tuổi 70 ngàn đồng/con, gà đang sinh sản 6 tháng tuổi 100 ngàn đồng/con; gà tre Serama và Ri giống 350 ngàn đồng cặp trống-mái.
“Thời gian đầu, dù đã được các nhân viên kỹ thuật ở các trại giống truyền đạt kinh nghiệm nuôi. Tuy nhiên, sau một thời gian theo dõi loại này không chịu nuôi trong môi trường công nghiệp, gà chậm phát triển. Từ đó, tôi chuyển sang hình thức nuôi thả rông chấp nhận hao hụt, đến giai đoạn này thì đàn gà mới thực sự phát triển”, chị Liên chia sẻ.
Đà gà giống và thịt trong trang trại tổng hợp của gia đình ông Thành.
Ông Trần Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Hoài Đức, chia sẻ: “Đến thời điểm hiện tại, gia trại chăn nuôi tổng hợp các giống gà có nguồn gen quý hiếm thả rông trên vùng đồi rừng của ông Ba Thành bước đầu không những mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông mà còn mở ra hướng đi mới đầy triển vọng giúp cho bà con nông dân trên địa bàn xã thuận lợi trong tiếp cận nguồn giống để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập”.
Bảo Sương - Doãn Công
Tag :lão nông, thuần hóa nhiều giống gà quý hiếm, gà Ai Cập, gà Đông Tảo, tỉnh bình định, huyện Hoài Nhơn
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét