Ngày 28/3, trả lời VnEconomy, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết ngân hàng đã chủ động phát hiện và thu hồi được lượng tiền lớn trong vụ việc xẩy ra tại chi nhánh Tây Đô.
Vụ việc trên từng được lãnh đạo Vietcombank đề cập với báo chí trong năm 2017, trong quá trình chờ đợi cơ quan chức năng xử lý các cá nhân và tổ chức liên quan.
Vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng vừa hoàn tất truy tố đối với Nguyễn Minh Chuyển, nguyên Giám đốc Vietcombank chi nhánh Tây Đô; Trần Anh Huy, nguyên Trưởng phòng Tín dụng Vietcombank Tây Đô; Nguyễn Hữu Nghĩa, nguyên cán bộ Vietcombank Tây Đô về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Cùng đó, Võ Vũ Bình, Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Công Chừng, Trang Hồng Sơn, Võ Hoàng Thám, Trịnh Minh Tú, Nguyễn Thanh Hùng, Vưu Minh Tuấn, Cao Hoàng Thám, Trần Văn Anh Duy là nguyên giám đốc các doanh nghiệp liên quan cũng bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến tháng 12/2014, ông Chuyển, Huy, Nghĩa và một số cán bộ Vietcombank Tây Đô đã có hành vi lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra giám sát vốn vay, vi phạm quy chế cho vay đối với khách hàng, không tuân thủ nghiêm túc vềqQuy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước.
Những cá nhân trên đã thực hiện 57 hợp đồng tín dụng cho 43 doanh nghiệp thuộc 6 nhóm khách hàng gồm: Nam Sông Hậu, Du lịch Đại Dương, Cơ khí Tây Đô, An Đô, Thép Đông Dương và Trường Nguyên với tổng số tiền giải ngân hơn 2.476 tỷ đồng.
Vụ việc và sai phạm gây thiệt hại cho Vietcombank Tây Đô với số tiền hơn 1.440 tỷ đồng. Cáo trạng cũng xác định các chủ doanh nghiệp lừa đảo chiếm đoạt của Vietcombank hơn 1.040 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Vietcombank, vụ việc trên đã được ngân hàng phát hiện nhiều năm trước và chủ động chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra từ năm 2014 để xử lý.
"Đến thời điểm này, chi nhánh Vietcombank Tây Đô đã thu hồi được số tiền lớn trong vụ việc. Song song với thu hồi nợ, thông qua hoạt động kinh doanh, chi nhánh đã tích cực trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro đối với số tiền chưa thu hồi được", Vietcombank cho biết.
Trước đó, trong năm 2017, khi đề cập đến vụ việc này, lãnh đạo Vietcombank cho biết đã sớm thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và ghi nhận rủi ro này vào hoạt động những năm trước.
Nguồn: vneconomy.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét