Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại công văn số 1126/NHNN-TTGSNH ngày 23/2 về việc đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm, ngày 29/3, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank đã ban hành văn bản về các biện pháp đảm bảo này.
Theo đó, Eximbank đã ban hành công văn số 2191/2018/EIB/TB-TGĐ về việc bổ sung quy định đăng ký xác thực bằng vân tay khi lập văn bản ủy quyền, áp dụng đối với khách hàng cá nhân. Khi khách hàng lập văn bản ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản, bên cạnh việc thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về ủy quyền thì chi nhánh, Phòng giao dịch phải yêu cầu người ủy quyền và người được ủy quyền đăng ký xác thực bằng vân tay của Eximbank.
Vừa qua, tại Eximbank đã xảy ra vụ "bốc hơi" 245 tỷ đồng gây rúng động dư luận do Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM thực hiện.
Ngân hàng này sẽ luân chuyển cán bộ phụ trách hồ sơ khách hàng, kiểm soát viên phê duyệt trong cùng Chi nhánh, Phòng giao dịch. Thậm chí, Eximbank đã có chủ trương xem xét luân chuyển kiểm soát viên giữa các chi nhánh, phòng giao dịch trên cùng địa bàn; luân chuyển cán bộ lãnh đạo tại các đơn vị kinh doanh.
Triển khai cơ chế Giám đốc lưu động để điều hành thay Giám đốc chi nhánh hiện hữu trong một thời gian nhất định nhằm kiểm tra, phát hiện các sai sót trong quá trình hoạt động của chi nhánh để chấn chỉnh kịp thời...
Đối với khách hàng, khi đăng ký, sử dụng ủy quyền sẽ đăng ký dịch vụ SMS thông báo biến động của tài khoản có ủy quyền để khách hàng quản lý, theo dõi kịp thời các giao dịch được thực hiện bởi người được ủy quyền. Đối với công tác xác nhận số dư cho khách hàng lớn sẽ do hội sở Eximbank thực hiện (khi khách hàng có yêu cầu) bằng văn bản hoặc qua email, tin nhắn SMS...
Như Dân trí đã thông tin, vừa qua, tại Eximbank đã xảy ra vụ "bốc hơi" 245 tỷ đồng gây rúng động dư luận do Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM thực hiện.
Theo kết quả điều tra ban đầu, trong quá trình làm việc tại Eximbank chi nhánh TPHCM, Hưng biết khách hàng là Chu Thị Bình, một đại gia trong lĩnh vực thủy sản có nhiều tiền và đang gửi tiết kiệm tại ngân hàng mình. Do bà Bình gửi số tiền nhiều nên là khách hàng VIP của nhà băng này và Hưng trực tiếp chăm sóc.
Lợi dụng việc khách hàng VIP được ưu tiên giao dịch tại nhà nên Hưng đã lập chứng từ giả mạo về việc khách hàng rút tiền, chiếm đoạt tiền của Eximbank. Quá trình giao dịch kéo dài từ năm 2014 - 2016 trước khi Hưng... cao chạy xa bay.
Phát hiện tiền của mình bị mất gần 245 tỷ đồng trong khi 3 cuốn sổ gốc vẫn còn trong tay, bà Bình đã báo cho Eximbank và cơ quan công an.
Đầu tháng 2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Eximbank chi nhánh TPHCM; đồng thời khởi tố Lê Nguyễn Hưng và phát lệnh truy nã đối với bị can này.
Quá trình điều tra xác định, Hưng lợi dụng việc bà Bình ký khống các giấy ủy quyền để rút tiền không đúng quy định, chi trả không đúng người nhằm chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra cũng xác định trong vụ án này, Lê Nguyễn Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng Eximbank. Bị hại là Eximbank và khách hàng Chu Thị Bình là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 26/3 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 5 cán bộ ngân hàng được cho là bị Lê Nguyễn Hưng chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội.
Công Quang
Tag :Eximbank, Chu Thị Bình, tiền gửi tiết kiệm
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét