Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Khu Kinh tế Vũng Áng: Nhiều dự án đầu tư tái khởi động sau sự cố môi trường biển

Sự cố môi trường biển làm giảm tiến độ thu hút đầu tư

Theo quy hoạch chung, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, KKT Vũng Áng (thành lập vào năm 2007) là trung tâm công nghiệp luyện thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực và của cả nước.

Sau khi đi vào hoạt động, với nhiều lợi thế và cơ chế chính sách đầu tư không ngừng được cải thiện, KKT Vũng Áng đã đón nhận một làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong tổng số 182 dự án đầu tư vào các KKT, KCN của tỉnh hiện nay, thì KKT Vũng Áng đã có tới 118 dự án, gồm 69 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký 48.279,8 tỷ đồng và 49 dự án đầu tư nước ngoài đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore (sắp tới là Mỹ, Đức) với tổng mức đầu tư đăng ký 11,6 tỷ USD.

Trong số này phải kể đến Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư đã điều chỉnh 10,8 tỷ USD; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Tổng mức đầu tư 1,595 tỷ USD); Các dự án bến cảng thuộc Cảng Vũng Áng; Dự án Tổng kho xăng dầu và khí hóa lỏng Bắc Trung bộ công suất 70 nghìn tấn/năm....


Cùng với Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, thì Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng (ảnh) là 2 trong số các dự án khủng được đầu tư tại KKT Vũng Áng.

Cùng với Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, thì Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng (ảnh) là 2 trong số các dự án khủng được đầu tư tại KKT Vũng Áng.

Với hàng triệu tấn thép, hàng nghìn MW, bốc xếp hàng chục triệu tấn hàng trên mỗi năm, đón tàu công suất 300.000 tấn thuộc loại lớn nhất của Đông Nam Á,

những dự án trọng điểm quốc gia tại KKT Vũng Áng góp phần quan trọng cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, có tác dụng đảm bảo an ninh về thép, an ninh về năng lượng quốc gia.

Hiệu quả của làn sóng đầu tư vào KKT Vũng Áng đã được thể hiện rõ qua kết quả thu ngân sách của tỉnh. Năm 2010 tổng thu tại KKT, KCN mới đạt 719 tỷ đồng, đến năm 2014 tổng thu ngân sách tăng lên 8.027 tỷ đồng, chiếm 63,8% tổng thu ngân sách; năm 2015 đạt 7.470 tỷ đồng, chiếm 62% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh.

Tuy nhiên, hơn một năm nay việc thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ triển khai thực hiện hầu hết các dự án chậm lại. Nếu trung bình giai đoạn 2011 đến 2015, bình quân mỗi năm KKT Vũng Áng thu hút hơn 20 dự án đầu tư, thì con số này hiện rất khiêm tốn.

Một trong những nguyên nhân chính được xác định là do sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4/2016 ảnh hưởng nặng nề tới môi trường đầu tư. Sau sự cố này, tâm lý e ngại của các nhà đầu tư đối với KKT Vũng Áng vẫn còn khá nặng nề.

Đã có những tín hiệu khả quan

Để khắc phục tình trạng trên, vừa qua, xác định rõ hơn lợi thế của KKT Vũng Áng, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo đưa vào khai thác các dự án trọng điểm, khôi phục, triển khai các dự án đã ký kết, Hà Tĩnh đã đặc biệt chú trọng tới công tác xúc tiến đầu tư.

Ngoài tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư có tiềm lực trong nước, tỉnh tích cực “xuất ngoại”, nhất là đối với các thành viên EU, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ mời họ tiếp cận đầu tư tại KKT Vũng Áng.

Khu công nghiệp Phú Vinh, một trong những dự án đầu tư trong giai đoạn khó khăn nhất của KKT Vũng Áng.

Khu công nghiệp Phú Vinh, một trong những dự án đầu tư trong giai đoạn khó khăn nhất của KKT Vũng Áng.

Một nỗ lực khác của Hà Tĩnh đó là sẵn sàng cung ứng lao động chất lượng cao, có tay nghề cho các doanh nghiệp đầu tư vào Vũng Áng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, KKT Vũng Áng đã tiếp đón, tư vấn cho khoảng 1900 lao động (tăng 18,75 % so với cùng kỳ 2016) tìm hiểu thông tin việc làm tại đây; giới thiệu 891 lao động (tăng 64,08 % so với cùng kỳ 2016) dự tuyển tại các doanh nghiệp, nhà thầu.

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, những nỗ lực trên đã mang lại những tín hiệu khả quan cho KKT Vũng Áng. Từ đầu năm 2017 đến nay, ngoài 5 dự án mới với số vốn đầu tư đăng ký trên 1.600 tỷ đồng được cấp phép, nhiều dự án khác đã khởi động trở lại.

Đáng chú ý là khách sạn 5 sao và tòa nhà văn phòng cho thuê của Công ty Human City. Sau một thời gian gián đoạn, Dự án được xây dựng trên diện tích 5 ha, với 3 khu chức năng riêng biệt gồm: Khu khách sạn cao 8 tầng với 202 phòng nghỉ, khu khách sạn kết hợp văn phòng cho thuê cao 10 tầng và khu khách sạn phục vụ khách lưu trú dài hạn cao 10 tầng với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng đã triển khai trở lại, giải quyết hàng trăm lao động.

Khu công nghiệp Phú Vinh có tổng diện tích 200ha, đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng, sẵn sàng bàn giao mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp có nhu cầu thuê.

Đặc biệt, ngoài các Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, công suất 1.200 MW, tổng mức đầu tư 2,187 tỷ USD, do liên doanh Tập đoàn Mitsubishi (Nhật bản) và Công ty Oneenergy Asia (Hồng Kông) làm Chủ đầu tư, các dự án bến cảng thuộc Cảng Vũng Áng, hiện đã có một số nhà đầu tư từ một số nước công nghiệp phát triển như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ đã sang khảo sát, làm việc và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào KKT này. Khu công nghiệp Việt – Đức nằm trong số đó.

Văn Dũng

Tag :sự cố Formosa, Formosa, KKT Vũng Áng, Khu kinh tế Vũng Áng


Nguồn: dantri.com.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates