Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Lương lãnh đạo doanh nghiệp Việt nằm trong top "khủng" ở châu Á

Đãi ngộ "khủng" là chiến lược thu hút nhân tài quản lý cao cấp tại các nền kinh tế mới nổi - Ảnh: Nikkei.

Lãnh đạo các doanh nghiệp lớn tại các nền kinh tế mới nổi được trả hậu hĩnh hơn so với những nước như Đức Nhật. Đây là một phần trong chiến lược thu hút lãnh đạo cao cấp có kinh nghiệm với đãi ngộ "khủng" ở các nước mới nổi, tờ Nikkei cho biết.

Theo một khảo sát thực hiện bởi hãng tư vấn nhân lực Mercer, một thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp trung bình nhận lương thưởng hàng năm là 357.345 USD tại Trung Quốc, 244.972 USD tại Việt Nam, cao hơn so với mức 241.580 ở Đức và 237.513 USD ở Nhật.

Khoản lương thưởng hậu hĩnh cho lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp tại Trung Quốc cho thấy nước này đang ở mức rất gần với Mỹ - nơi có lương thưởng trung bình năm cho nhân sự ở vị trí tương đương là 425.982 USD.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Mercer được thực hiện với 25.000 công ty lớn tại 125 quốc gia trong năm 2016, xếp hạng về mức lương thưởng lại có xu hướng đảo ngược khi xét đến các vị trí thấp hơn.

Với vị trí tổng giám đốc, Singapore lại là nước có mức lương trung bình năm cao nhất tại Đông Nam Á với 210.923 USD, theo sau là Trung Quốc (204.561 USD), Đức (179.115 USD) và Nhật (173.412 USD).

Trong khi đó, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc và Việt Nam có mức lương trung bình năm cho tổng giám đốc lần lượt là 160.352 USD và 131.785 USD.

Lương lãnh đạo doanh nghiệp Việt nằm trong top "khủng" ở châu Á 1

Thu nhập của lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp lớn tại một số quốc gia theo khảo sát của Mercer.


Xuống vị trí giám đốc bộ phận, xếp hạng trên hoàn toàn đảo ngược. Trả lương thưởng trung bình năm cho giám đốc bộ phận cao nhất là các công ty Nhật Bản với 89.467 USD, theo sau là Singapore với 88.182 USD và Trung Quốc 58.427 USD.

Đối với vị trí thấp hơn nữa, theo khảo sát mới nhất của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, mức lương trung bình tháng của một công nhân nhà máy tại Tokyo là 2.339 USD, trong khi đó con số này chỉ là 558 USD ở Thượng Hải và 214 USD ở Tp.HCM.

Số liệu trên cho thấy cơ cấu lương tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Việt Nam được áp dụng theo hướng “người cao nhất hưởng tất” giống ở Mỹ, trong khi những nước như Nhật, Đức có chính sách trả lương đồng đều hơn nhiều – điều được coi là nhân tố thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm và gắn kết trong tổ chức.

Tuy vậy, theo Nikkei, trong kỷ nguyên công nghệ và môi trường kinh doanh biến đổi nhanh chóng, việc dồn phần nhiều nhất về phía các nhân vật dẫn dắt doanh nghiệp được cho là cần thiết. Và thực tế cho thấy rõ ràng rằng với chiến lược này, các quốc gia mới nổi đang thắng thế trong cuộc chiến giành nhân tài lãnh đạo.

Tháng 10 năm ngoái, công ty Great Wall Motor của Trung Quốc chiêu mộ được giám đốc điều hành Kazuyuki Yagi, 59 tuổi, từ tay Mitsui & Co. Mức lương thưởng cao hơn rõ ràng là một trong những nguyên nhân khiến vị lãnh đạo cấp cao này chuyển việc. Ở Great Wall Motor, ông được giữ nguyên mức lương thưởng kể cả khi bước sang tuổi 60 - điều hiếm có tại Nhật. Ở Nhật, thông thường khi nhân sự bước sang tuổi 60, lương thưởng của họ tự động bị giảm bớt bất kể trình độ, kỹ năng hay vị trí gì.

“Chủ tịch của Great Wall Motor - Wei Jianjun rất quan tâm tới việc tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản”, Yagi nói.

Cựu nhân viên của một hãng sản xuất đồ điện tử lớn của Nhật cũng chia sẻ câu chuyện tương tự. "Một số người Nhật được trả lương nhiều hơn tới 20 triệu Yên (182.000 USD) – 30 triệu Yên sau khi tìm được việc ở nước ngoài. Thậm chí có khi lương của họ còn tăng gấp 3 lần", người này chia sẻ. Người này đã bỏ công việc ở Nhật để làm cho một công ty thiết bị bán dẫn tại Thượng Hải.

Rõ ràng chế độ lương thưởng cao là yếu tố giúp doanh nghiệp chiếm ưu thế trong việc giành nhân tài quản lý tại châu Á. Theo hãng việc làm Hays của Anh, ngày càng có nhiều người cho biết lý do chính khiến họ chuyển việc là vì tiền.

Một nhân viên của hãng thương mại điện tử khổng lồ Rakuten của Nhật cho biết anh chuyển sang làm cho một startup về trí tuệ nhân tạo của Đài Loan và được trả nhiều hơn 10 triệu Yên một năm, tương đương mức tăng 50% so với mức cũ. Anh cũng cho biết “nhân viên ở đây có tiếng nói trong công việc hơn so với ở Nhật và được trả lương dựa trên đóng góp của mình cho công ty”.


Nguồn: vneconomy.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates