Các nhà máy xăng sinh học đến nay vẫn chưa tái khởi động dù chỉ còn khoảng 4 tháng nữa đến năm 2018.
Cụ thể, với dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước, Petro Vietnam cho biết, sau chuyến khảo sát làm việc của Tổ công tác tại Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước với cổ đông chính của dự án là Công ty Toyo Thái Lan với cổ đông Licogi 16 ngày 19-20/7/2017, PVOil đã phối hợp với chủ đầu tư dự án Bình Phước - OBF rà soát, xây dựng phương án tái khởi động nhà máy với mục tiêu khởi động, vận hành nhà máy từ 1/1/2018 và làm việc với công ty Tùng Lâm rà soát tìm giải pháp tiết giảm giá thành nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
PVOil đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Thẩm định giá Miền Nam (SIVC) thực hiện thẩm định giá trị công ty OBF. Đến nay đã có kết quả thậm định sơ bộ.
PVOil đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) lập phương án thoái vốn tại OBF và các phương án xử lý khác nếu việc thoái vốn không thành công để trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định trước ngày 31/8/2017 theo đúng chỉ đạo.
Petro Vietnam cho biết, theo kế hoạch thì PVOil và OBF phải hoàn thiện phương án khởi động vận hành tại Nhà máy bao gồm các giải pháp tiết giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh do Công ty Tùng Lâm tư vấn, hỗ trợ.
Trên cơ sở đó PVOil làm việc với các cổ đông Toyo Thái Lan, Licogi 16 để xem xét quyết định phương án vận hành lại, báo cáo cấp có thẩm quyền. Tiếp tục triển khai công tác định giá tài sản, xây dựng phương án chuyển nhượng, thoái vốn.
Với dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Petro Vietnam cho biết, nhóm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với đầu mối là Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Sơn tiếp tục nghiên cứu phương án hợp tác theo hướng tái cấu trục và đầu tư để đưa nhà máy vào vận hành.
"PVOil đang triển khai công tác định giá tài sản để làm cơ sở xây dựng phương án và thúc đẩy chuyển nhượng, thoái vốn, báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương”, báo cáo nêu.
Petro Vietnam cho biết, dự án Ethanol Dung Quất cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đối tác để tiếp tục thực hiện dự án.
Hiện chủ đầu tư lên phương án hợp tác với Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành. Đoàn công tác của Tín Thành đã khảo sát làm việc với BSR-BF về phương án hợp tác vận hành nhà máy. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc liên quan đến việc khắc phục hệ thống xử lý nước thải và tỷ lệ chia lợi nhuận. Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục trao đổi với đối tác.
Đối với phương án để Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) nhận lại nhà máy để khởi động vận hành, đồng thời khắc phục hệ thống xử lý nước thải, hiện PTSC đang nghiên cứu tuy nhiên, tập đoàn cho rằng, phương án này sẽ khó khả thi.
Một phương án khác cũng được tính đến là hợp tác với Công ty Tùng Lâm. Theo đó, Tùng Lâm chủ yếu là tư vấn, hỗ trợ chủ đầu tư khởi động lại nhà máy, tư vấn giải pháp tối ưu vận hành, xử lý nước thải.
"Thực chất vẫn là chủ đầu tư tự vận hành và các cổ đông phải góp vốn để vận hành lại, năm 2017 là 27,79 tỷ đồng, năm 2018 là 91,84 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện các cổ đông (BSR, PVOil) vẫn chưa có ý kiến về phương án hợp tác với Công ty Tùng Lâm”, báo cáo của Petro Vietnam cho hay.
Theo quyết định của Thủ tướng, từ 1/1/2018 sẽ chấm dứt bán xăng RON 92, chuyển sang bán xăng sinh học E5 RON 92. Dự báo tiêu thụ xăng E5 RON 92 tiêu thụ trên cả nước ước đạt 5,3 triệu m3, một số người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xăng khoáng RON 95. Xăng E5 được phối trộn theo tỉ lệ 95% xăng khoáng thông thường (xăng RON 92) với 5% nhiên liệu sinh học là ethanol (cồn E100).
Quyết định này được cho là giúp mở đầu ra cho việc tái khởi động các dự án xăng sinh học đang “đắp chiếu”.
Nguồn: vneconomy.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét