Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Phí “sân, đường” có lạm thu?

Phí “sân, đường” có lạm thu? - Ảnh 1.

Chuyện vào đậu xe trong sân bay phải trả phí là đương nhiên. Nhưng chạy ra - chạy vào một đoạn đường ngắn cũng phải trả phí "sân, đường" là chưa ổn. Băn khoăn là bởi mỗi địa phương chỉ có một sân bay. Không đến đó và chịu trả phí thì chẳng cách nào lên được máy bay. 

Rồi tất cả các sân bay đều là "con cái" của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) - doanh nghiệp cổ phần hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con, do Nhà nước nắm cổ phần chi phối và đang quản lý 22 sân bay trong cả nước. 

Nhưng trong số này nhiều sân bay không có lãi, nên phải choàng gánh. Liệu có tránh khỏi tình trạng nặng tay thu ở nơi nhiều tiềm năng để bù cho nơi còn khó khăn? Có tình trạng này, liệu mức phí "sân, đường" và thời gian thu có hợp lý cho người sử dụng sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài?

Trong khi đó, Luật hàng không lại trao cho doanh nghiệp quyền được ấn định những loại phí phi hàng không, không chịu ràng buộc chặt như Luật phí - lệ phí. 

Thống kê gần đây cho thấy doanh thu của các sân bay về dịch vụ phi hàng không (bến bãi, giữ xe...), tức loại phí không chịu quản lý của Bộ Tài chính, luôn có tốc độ tăng ấn tượng, 20 - 30%/năm tùy loại. Đó là con số đáng suy nghĩ.

Bài học từ việc đặt các trạm BOT trên đường giao thông cho thấy ngay cả khi nhiều cơ quan cùng tham gia, trong đó có hội đồng nhân dân địa phương, vậy mà mức thu và cách thu khi áp dụng vào thực tế ở nhiều nơi vẫn bị phản ứng.

Xã hội tôn trọng quyền ấn định giá, phí của doanh nghiệp, nhưng với những loại độc quyền, ảnh hưởng đến số đông thì cần phải hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Sự hài hòa đó luôn phải tính đến những thay đổi của ngành hàng không. Đó là ACV sẽ có thêm cổ đông khi bán thêm cổ phần, dịch vụ hàng không tăng trưởng nóng kéo theo nguồn thu đa dạng hơn, các sân bay khác cũng phải biết kiếm tiền và thoát ra khỏi thua lỗ... 

Rồi ACV phải chịu áp lực về vốn vay, phải choàng gánh cho sân bay vắng khách, tìm kiếm lợi nhuận để có mức lãi cao hơn cho cổ đông... Những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến việc tính toán nguồn thu có lợi cho doanh nghiệp, nhưng bất lợi cho xã hội.

Vì thế, việc giám sát các khoản thu mang tính độc quyền để công bằng với người tiêu dùng là cần phải làm. Đừng để như ở sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ đoạn đường ngắn trước sân bay nhưng đem lại cho doanh nghiệp vài chục tỉ đồng/năm - thuộc loại siêu lợi nhuận.


Nguồn: tuoitre.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates