Tại bãi tro xỉ một nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL - Ảnh: VÂN TRƯỜNG |
Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường” do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì tổ chức ngày 29-8.
Chi phí chưa được tính vào giá điện...
Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 cho biết đang đứng trước nguy cơ đóng cửa do chưa tìm được nguồn xử lý tro xỉ.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc nhà máy Mông Dương 1, thông tin với công suất 1.080 MW, mỗi năm nhà máy tiêu thụ 3 triệu tấn than, thải ra tới 1 triệu m3 tro xỉ/năm.
Dù đã tìm mọi biện pháp để tái sử dụng tro xỉ, nhưng nhà máy mới tiêu thụ được 400.000 tấn xỉ đáy, còn 600.000 tấn tro bay chưa có đơn vị nào sử dụng.
Bãi xỉ của Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 có dung tích là 2,25 triệu m3, nay đã sử dụng khoảng 1,8 triệu m3.
Chỉ khoảng tám tháng nữa thôi là nhà máy có thể phải đóng cửa vì hết chỗ chứa tro xỉ, ông Thành cho rằng việc này sẽ làm lãng phí 37.000 tỉ đồng đầu tư của Nhà nước.
Đặc biệt, ông Thành cho biết việc sử dụng tro xỉ phải có kinh phí để xử lý nhưng theo quy định về xác định giá điện, chi phí này chưa đưa vào. Vì vậy, ông Thành đề nghị phải xem xét báo cáo Chính phủ đưa chi phí này vào xác định giá điện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Bộ Công thương cho biết hiện nay mới bàn giải pháp để tiêu thụ tro xỉ, còn đưa chi phí xử lý tro xỉ vào giá thành đúng là chưa được bàn đến.
Tới đây, vị này giả thiết: nếu tro xỉ được đưa ra thị trường tiêu thụ với giá tốt, khoản chi phí này không cần phải tính vào giá điện.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nhiều chi phí khác liên quan đến bảo vệ môi trường có khả năng được tính vào giá điện.
Ông Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Kỹ thuật nhiệt Việt Nam, cho biết theo QCVN 22:2009 của Bộ Tài nguyên - Môi trường về khối lượng chất thải vào môi trường không khí, các nhà máy nhiệt điện than phải đầu tư, lắp đặt thêm hệ thống xử lý.
Điều này dẫn đến chuyện mỗi nhà máy nhiệt điện phải tăng đầu tư lên hàng nghìn tỉ đồng, làm cho giá thành sản xuất điện tăng thêm 70-80 đồng/kWh.
Chưa kể thời gian phải dừng sản xuất điện để cải tạo, nâng cấp làm giảm doanh số khoảng 3.000 tỉ đồng cho mỗi nhà máy có công suất khoảng 1.200 MW...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một số nhà máy nhiệt điện xác nhận đang phải đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị theo yêu cầu mà quy chuẩn đặt ra.
Chẳng hạn, nhiệt điện Phả Lại cho biết để lắp đặt đồng bộ, tổng mức đầu tư là khoảng 3.000 tỉ đồng.
Theo quy định, toàn bộ chi phí này sẽ được hạch toán vào giá thành sản xuất điện và hiện một số nhà máy đã đàm phán với EVN để thống nhất chủ trương tăng giá.
Lượng tro xỉ các nhà máy nhiệt điện trong quy hoạch sẽ thải ra Nguồn: Viện Vật liệu xây dựng - Đồ họa: T.Đ. |
Áp lực lớn từ chất thải nhiệt điện
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay tổng lượng tro xỉ, thạch cao chỉ tiêu thụ được hơn 30% (tương đương 5 triệu tấn) trên tổng lượng thải ra hằng năm.
Tiến sĩ Đào Danh Tùng, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng do chính sách trước đây không bắt buộc xử lý, đưa vào sử dụng tro xỉ, thạch cao. Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro xỉ cũng còn thiếu.
“Dự kiến, nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro xỉ thải ra không được xử lý thì đến năm 2018 lượng tro xỉ sẽ đạt 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn, tạo ra những thách thức cho đất nước phải sử dụng diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác, nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế” - ông Tùng bày tỏ lo ngại.
Loại bỏ nhà máy cũ không đạt chuẩn...
Theo đại diện Bộ Tài nguyên - môi trường, việc khởi động lò ở nhiều nhà máy nhiệt điện hiện đang sử dụng dầu FO nên hệ thống lọc bụi tĩnh điện không sử dụng được, dẫn tới quá trình khởi động kéo dài từ 12-24 giờ, toàn bộ khói thải đều xả thẳng ra môi trường mà không được xử lý.
Đại diện bộ này cho rằng theo quy định của Bộ luật hình sự sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2018 có quy định về tội phạm môi trường và các nhà máy nhiệt điện than đều nằm trong khung bị “điều chỉnh”.
Do đó, nếu không xử lý tốt, không kiểm soát và lượng phát thải ra môi trường vượt quá mức quy định thì sẽ xử lý theo quy định.
Theo ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), hiện Việt Nam có 21 nhà máy nhiệt điện than nhưng phần lớn đều là công nghệ sắp đến hạn đóng cửa.
Lượng chất thải rắn là tro xỉ thải ra môi trường được xác định là chất thải rắn thông thường. Tuy nhiên, ông Lượng công nhận theo quy chuẩn về ngưỡng chất thải nguy hại, tro bay của các nhà máy nhiệt điện than thuộc đối tượng “có khả năng” là chất thải nguy hại nên tạo hiệu ứng “tâm lý” trong ứng xử của cơ quan quản lý, người dân với tro xỉ nhiệt điện.
Ông Lượng đề nghị để kiểm soát các nhà máy nhiệt điện than, cần loại bỏ các nhà máy công nghệ cũ không đáp ứng điều kiện môi trường, đồng thời, các nhà máy phải cải tạo công trình bảo vệ môi trường, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, quan trắc tự động.
Đặc biệt trong thời gian tới, theo ông Lượng, việc phê duyệt đầu tư xây dựng các nhà máy sẽ hướng tới áp dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện tối đa hiệu suất năng lượng, giảm thiểu tối đa lượng khí thải và chất thải rắn phát sinh.
Nhiều nhiệt điện vi phạm quy định Theo đại diện Bộ Tài nguyên - môi trường, trong năm qua đơn vị này đã thanh tra, kiểm tra 9 nhà máy nhiệt điện than. Có tới 6/9 nhà máy vi phạm các vấn đề liên quan đến môi trường, trong đó 3 nhà máy vi phạm về thủ tục môi trường và 3 nhà máy vi phạm trong xả thải vượt quy định. Không chỉ nan giải về vấn đề xử lý tro xỉ, do các quy định liên quan chưa được ban hành, mà công nghệ đốt lò hiện ở các nhà máy đang bộc lộ nhiều bất cập. |
Nguồn: tuoitre.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét