Các chuyên gia cho rằng thị trường đang khó ổn định ngay lập tức và nhà đầu tư nên đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng.
Tuần lễ biến động rất mạnh vừa qua cũng khiến các chuyên gia "sứt mẻ". Hành động chung là hạ thấp tỷ trọng cổ phiếu và tranh thủ đảo danh mục nhằm hạ giá vốn.
Các chuyên gia nhận định thị trường biến động quá lớn và tổn thương không nhỏ, do vậy cần thời gian để cân bằng. Nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch hoặc chỉ tham gia với tỷ trọng thấp để cân bằng tâm lý là chính.
Đánh giá về những tác động từ bên ngoài lên thị trường chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia đều cho rằng những tác động đó đã bị khuếch đại lên, trong khi ảnh hưởng thực tế không đáng lo ngại như vậy. Những phản ứng mạnh tuần qua chỉ là những biến động ngắn hạn.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thị trường đã có một tuần thật sự hoảng loạn và hỗn loạn. Lý do thì đã có quá nhiều ý kiến đưa ra, nhưng yếu tố cường độ lại ít được nhắc tới. Tại sao thị trường lại sụt giảm với biên độ lớn liên tục như vậy trên toàn cầu nếu chỉ là chốt lời bình thường?
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Nhà đầu tư vừa trải qua một cơn ác mộng trên thị trường chứng khoán tuần vừa qua, thị trường đã bốc hơi 14 tỷ USD. Toàn bộ thành quả từ đầu năm 2018 bị xóa sạch, thậm chí có những nhà đầu tư còn chưa kịp hưởng thành quả, còn lớp nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường thậm chí còn bị sốc nặng. Nguyên nhân thì đã có quá nhiều ý kiến được đưa ra, tuy nhiên vì sao đợt sụt giảm này cường độ lại lớn và liên tục như vậy? Đó có thể là cuộc chơi của dòng tiền nóng, vì tiền nóng vào nhanh nên ra cũng nhanh.
Chúng ta biết rằng các ngân hàng trung ương trên toàn cầu trước đó đã thực hiện các gói QE (nới lỏng định lượng) để hỗ trợ nền kinh tế. Nay kinh tế toàn cầu đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ, các ngân hàng trung ương có xu hướng đẩy mạnh chính sách tiền tệ thắt chặt.
Lãi suất sẽ phải tăng lên, có nghĩa là tiền sẽ được hút về. Lãi suất tăng đẩy lợi suất trái phiếu tăng cao và kích hoạt lên làn sóng bán tháo rộng khắp thị trường cổ phiếu. Điều này đã khiến nhà đầu tư rơi vào tâm lý hoảng loạn, không còn nghĩ đây là một sự điều chỉnh bình thường.
Còn ở thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng tiền vào thị trường từ các nhà đầu tư nước ngoài và dòng tiền nội. Trong khi dòng tiền ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng thì dòng tiền nội có xu hướng đầu cơ ngắn hạn. Đây chính là nguyên nhân khiến thị trường sụt giảm với biên độ lớn và liên tục trong tuần vừa qua.
Dòng tiền nội đã bị hút vào kênh chứng khoán từ: tiền gửi tiết kiệm, vàng, ngoại tệ và cả bất động sản. Vì vậy, khi thị trường xoay chiều, một lượng tiền không nhỏ với mong muốn kiếm lời nhanh chóng đã bị rút ra kéo theo sự bán tháo hàng loạt trong những ngày qua, chúng ta phải chấp nhận rằng dòng tiền nội này vào nhanh và rút ra cũng nhanh không kém.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần qua chủ yếu xuất phát từ những lo ngại liên quan đến việc FED có thể đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất khi lạm phát của Mỹ có khả năng sớm chạm mức mục tiêu 2%. Không chỉ FED, nhiều ngân hàng trung ương khác cũng phát đi tín hiệu sẽ chấm dứt giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ, khiến tỷ suất trái phiếu tăng vọt, gây lo ngại cho giới đầu tư chứng khoán toàn cầu.
Ngoài ra, tâm lý hoảng loạn cũng bao trùm khi nhà đầu tư toàn cầu lo ngại thị trường có khả năng đạt đỉnh sau chuỗi thời gian tăng điểm mạnh.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tham gia mạnh mẽ của khối ngoại khi trung bình khối này tham gia từ 15% - 25% giá trị giao dịch. Do đó, khi thị trường bản địa của họ bị bán tháo liên tục thì họ cũng có những hành động tương tự trên thị trường Việt nam.
Cụ thể tuần qua, giá trị giao dịch của khối ngoại chủ yếu là bán ròng sau một thời gian dài mua ròng. Tâm lý lo sợ về khả năng FED sẽ tăng lãi suất từ 3-4 lần năm 2018 gây tâm lý lo ngại về tỷ giá.
Thêm nữa, kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2017 đã hé lộ nên thông tin hỗ trợ cho thị trường đi lên đang bị thiếu vắng. Thị trường do đó bị bán mạnh.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Phiên giao dịch cuối tuần dường như không đến mức tồi tệ bằng phiên ngày 6/2. Anh chị đánh giá cơ hội ngắn hạn như thế nào trong khi chỉ còn 2 phiên nữa là nghỉ Tết. Nhà đầu tư lúc này nên làm gì?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Cá nhân tôi đang kỳ vọng vào khả năng thị trường sẽ có sự hồi phục tăng điểm trở lại trong ngắn hạn.
Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao có thể tranh thủ các nhịp giảm điểm của thị trường để thực hiện mua trading với tỷ trọng trung bình nhằm tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Đối với các nhà đầu tư đang giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, có thể áp dụng chiến thuật mua trước bán sau để hạ giá vốn bình quân cho các vị thế trong danh mục.
Mặc dù thị trường được kỳ vọng sẽ có sự hồi phục tuy nhiên đà tăng nhiều khả năng sẽ có sự phân hóa mạnh. Dòng tiền được dự báo sẽ tập trung chủ đạo ở nhóm cổ phiếu cơ bản và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2018 như ngân hàng, chứng khoán…
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ giao dịch trong hai phiên trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ. Khoảng thời gian này cũng là khoảng thời gian trũng thông tin do đó diễn biến giao dịch sẽ giằng co với thanh khoản thấp nhiều khả năng diễn ra.
Nếu ngưỡng tâm lý duy trì trên 1.000 điểm nhà đầu tư có thể tham gia giải ngân một phần nhỏ danh mục nhằm mục đích cân bằng tâm lý.
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Tuy lượng hàng T về và bị ảnh hưởng bởi cơn ác mộng của thị trường toàn cầu trở lại nhưng kết quả cuối ngày cũng không đến mức tệ. Thị trường còn hai phiên nữa là nghỉ tết, sau một tuần hoảng loạn.
Tôi cho rằng: 1) về mặt tâm lý chưa ổn định thậm chí nhiều nhà đầu tư mới còn chưa hết sốc, mức tổn thương trên cổ phiếu là rất lớn.
2) về mặt kỹ thuật thì thị trường đã mất trend nên cơ hội hồi phục trở nên khó khăn và cần thời gian để hàn gắn vết thương.
3) về dòng tiền, dòng tiền sẽ dè dặt vào thị trường sau đợt thảm sát vừa qua, tâm lý chờ đợi sóng yên biển lặng cả trong và ngoài nước sẽ chiếm đa số. Hơn nữa hai phiên giao dịch tham vài phần trăm để phải lo lắng thị trường thế giới biến động thế nào trong dịp nghỉ tết thì cũng ít người lựa chọn.
Vì vậy, việc tham gia vào thị trường lúc này rất mệt mỏi, nếu nhà đầu tư đã đưa tài khoản về tiền mặt có thể cân nhắc giải ngân đối với các cổ phiếu có triển vọng khả quan sau khi đã giảm tương đối trong tuần vừa qua.
Nếu nhà đầu tư đang có danh mục thì cũng có thể cơ cấu lại danh mục hoặc giữ nguyên danh mục nếu mức tổn thất vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tránh xa những biến động ngắn hạn sẽ giúp nhà đầu tư vững tâm hơn trước những sóng gió của thị trường.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thị trường Việt Nam hiện tại đang chịu ảnh hưởng lớn từ biến động trên thế giới. Đây là sự liên kết rất lâu rồi mới lặp lại. Điều gì khiến sự liên kết này lại đột nhiên được quan tâm ở thời điểm này. Liệu các thay đổi chính sách có tác động đến thị trường trong nước ở mức độ đáng lo ngại như vậy?
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN Index đã tăng quá nhanh và quá mạnh đặc biệt từ đầu năm 2018. Cụ thể, VN-Index đã tăng từ 995 điểm lên 1.115 điểm trong vòng hơn 3 tuần giao dịch với thanh khoản tăng cao. Khối ngoại cũng tham gia rất tích cực khoảng 15-20% giá trị giao dịch. Tuy nhiên khi thị trường chứng khoán thế giới lao dốc tạo áp lực lớn lên thị trường trong nước vốn đã suy yếu từ tuần trước kéo theo hoạt động bán tháo đồng loạt và các chỉ số giảm sâu.
Việc giảm điểm lần này của VN-Index cũng do lo ngại từ hiệu ứng tiêu cực từ thị trường Mỹ khi lo ngại FED sớm tăng lãi suất, kéo theo sự lo ngại về tỷ giá. Thêm nữa lo ngại về việc sớm thắt chặt margin cũng đã khiến hoạt động chốt lời diễn ra đồng loạt.
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Đã rất lâu rồi nhà đầu tư trong nước mới được sống lại những ngày ăn ngủ với chứng khoán thế giới như trong tuần vừa qua. VN-Index đã thăng hoa trong năm 2017 nhờ dòng vốn ngoại và kịch bản này vẫn tiếp diễn trong hơn 1 tháng đầu năm 2018. Vì vậy động thái của thị trường thế giới đột nhiên được quan tâm ở thời điểm này, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài được thị trường quan tâm đặc biệt.
Thị trường thế giới đang rơi vào vòng xoáy đỏ lửa, thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Cụ thể, thị trường chứng khoán Mỹ giảm là do lo ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ mà cụ thể hơn là động thái có thể tăng lãi suất của Fed. Trong khi việc Fed tăng lãi suất là vì nền kinh tế đã tốt hơn không cần những can thiệp hỗ trợ, có nghĩa là nền kinh tế toàn cầu đang ở vị thế rất tốt. Do vậy, xét về dài hạn thì thị trường đang trở nên tốt hơn.
Ngoài ra những lo ngại về những chính sách hút dòng tiền về nước Mỹ thì thực thế vốn ngoại đang đổ vào Việt Nam ở cả kênh đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Việt Nam đang nằm trong Top 5 các thị trường cận biên đang thu hút dòng tiền thế giới tìm đến.
Tóm lại, các thay đổi chính sách chưa tác động đến thị trường trong nước đáng lo ngại như vậy.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Triển vọng tăng trưởng của thị trường trong trung-dài hạn vẫn được đánh giá tích cực. Các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường như biến động mạnh của thị trường chứng khoán toàn cầu, thay đổi quy chế sử dụng margin hay áp lức chốt lời mạnh của nhà đầu tư sau giai đoạn các cổ phiếu tăng trưởng nóng chỉ là những yếu tố tác động mang tính ngắn hạn và không ở mức độ đáng lo ngại đối với triển vọng của thị trường trong trung dài hạn.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Nếu phải chỉ ra lo ngại lớn nhất của anh chị trong ngắn hạn sau kỳ nghỉ Tết thì anh chị quan tâm nhất điều gì?
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Khó có thể đánh giá mức tác động của yếu tố nội tại hay yếu tố ngoại trong đợt hoảng loạn vừa qua. Tuy nhiên chắc chắn là không có sự đổ vỡ nào từ yếu tố nội tại.
Nếu phải lo ngại trong ngắn hạn sau kỳ nghỉ tết có thể có 2 yếu tố cần theo dõi chặt chẽ: 1) Dòng vốn nước ngoài có còn tiếp tục đổ vào thị trường nữa hay bị rút ra và 2) tỷ giá USD/VND.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Với tôi đó là biến động khó lường của thị trường tài chính thế giới cũng như việc Ủy ban chứng khoán chuẩn bị thay đổi quy chế sử dụng margin mới đối với thị trường.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Vòng xoáy bắt đáy – cắt lỗ - bắt đáy liên tục diễn ra trong tuần. Anh chị hành động như thế nào?
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Dòng tiền bắt đáy xuất hiện ở những phiên giảm điểm mạnh trong tuần đã giúp cho VN-Index giữ được ngưỡng tâm lý 1.000 điểm.
Tuy nhiên dòng tiền vào thị trường vẫn duy trì đà giảm cho thấy cơ hội thị trường chưa rõ ràng do đó nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch. Thị trường cần tích lũy, mua bán cân bằng trước khi muốn chinh phục những ngưỡng cao tiếp theo.
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Như đã nhận định ở trên, trong ngắn hạn thị trường đang bị tổn thương và cần thời gian để phục hồi. Phiên giao dịch cuối tuần cho tín hiệu lạc quan ngay cả khi thị trường vẫn giảm hơn 19 điểm. Vì vậy có cơ sở để kỳ vọng thị trường sẽ sớm ổn định trở lại, dù triển vọng tăng ngay là thấp. Chúng ta đang ở trong một vòng luẩn quẩn, bắt đáy – cắt lỗ - bắt đáy.
Do danh mục không sử dụng margin nên tôi đã thực hiện hạ tỷ trọng, mức tổn thất là đáng kể trong đợi thảm sát vừa qua nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, hiện tỷ trọng cổ phiếu của danh mục tôi đang duy trì là 50%.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tuần qua, tôi đã thực hiện bán giảm tỷ trọng phần danh mục ngắn hạn của mình, qua đó đưa tỷ trọng danh mục tổng về mức cân bằng 50% cổ phiếu (trong đó, phần danh mục trung hạn vẫn chiếm 30%).
Nguồn: vneconomy.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét