Tăng thuế bảo vệ môi trường để nhằm tăng thu ngân sách!
Thưa ông, ngay đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo không tăng thuế, phí đối với các mặt hàng thiết yếu do nhà nước quản lý. Nhưng sau đó, Bộ Tài chính lại đề xuất tăng thuế BVMT với xăng, dầu và một số mặt hàng khác từ tháng 7.2018. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất của Bộ Tài chính trong bối cảnh hiện nay?
- Trước tiên, về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng tăng giá hàng hoá không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, từ Mỹ tới châu Âu. Tất cả đều nhận thấy giá cả đang tăng trở lại cùng với đà phục hồi của kinh tế.
Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia có độ mở tương đối lớn. Vậy nên, vviệc giá hàng hóa thế giới tăng sẽ dẫn tới mặt bằng giá chung được nâng lên là rất đáng kể. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, VND có thể mất giá so với USD nếu FED có sự điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản.
Nói như vậy để thấy bản thân giá cả hàng hóa tính bằng đồng USD đã tăng rồi, đồng tiền của chúng ta hoàn toàn có thể bị mất giá theo USD nữa, khiến giá cả các mặt hàng trong nước chịu ảnh hưởng theo.
Một đặc điểm khác của kinh tế Việt Nam là tiền tệ mở rộng ở mức tương đối trong 2 năm qua, điều này nhiều khi sẽ không tác động tới giá cả ở thời điểm hiện tại, mà cộng dồn, tạo ảnh hưởng về sau.
Những yếu tố đó sẽ tạo nguy cơ về lạm phát năm 2018 cao hơn so với mức Quốc hội, Chính phủ đặt ra là 4%. Chính vì vậy, Thủ tướng đã có những lưu ý với các Bộ, ngành về mặt điều hành giá cả để tránh những cú sốc cho nền kinh tế.
Nói như vậy để thấy giá cả trong nước vốn đã chịu áp lực tăng giá, nếu giờ lại có sự điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu theo hướng tăng một cách dồn dập: giá điện, giá xăng dầu… sẽ giống như việc chúng ta “châm ngòi”, tạo mồi dẫn gây ra lạm phát giá cả. Chỉ cần kích thích một chút thôi, nhưng cũng đủ để tạo ra cú đẩy đối với mặt bằng giá cả.
Còn về đề xuất tăng thuế BVMT với xăng, dầu và một số mặt hàng khác của Bộ Tài chính, Bộ phụ trách quản lý thu – chi NSNN. Nếu nhìn vào tất cả các tờ trình của Bộ Tài chính, sẽ thấy việc tăng thuế BVMT là để bù đắp phần thuế xuất nhập khẩu bị cắt giảm.
Có thể hiểu đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường nhằm mục đích bù đắp nguồn cho ngân sách thay vì sử dụng tiền đó cho mục đích bảo vệ môi trường?
- Bản chất của thuế BVMT ở Việt Nam không phải là khoản thuế sau khi thu về, sẽ được dùng để chi tiêu trong một lĩnh vực, hay cho một mục đích cụ thể nào đó. Nó sẽ hòa chung vào NSNN để sử dụng chi cho các hoạt động khác. Chi cho bảo vệ môi trường chỉ là một đầu mục nhỏ trong đó. Trên danh nghĩa là thu thuế BVMT, nhưng thực ra nó có thể là thuế để bù đắp cho việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu.
"Những giải trình Bộ đưa ra khi đề xuất tăng thuế BVMT không thuyết phục. Nếu thẳng thắn thừa nhận do NSNN bị giảm do nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu bị cắt giảm, dẫn tới phải tăng các sắc thuế khác có lẽ sẽ hợp lý và thuyết phục hơn", TS. Đinh Minh Tuấn.
Về tác động tới nền kinh tế, nếu so sánh tổng thể việc cắt giảm sắc thuế này, tăng sắc thuế kia thì sẽ không có tác động. Ví dụ như với mặt hàng xăng, dầu, khi chúng ta cắt giảm phần thuế nhập khẩu xăng, dầu từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay các nước trong khu vực ASEAN rồi tăng thuế BVMT để bù vào thì sẽ không tạo ra ảnh hưởng.
Song khi Bộ Tài chính thực hiện việc tăng thu NSNN thông qua thuế BVMT sẽ khiến dư luận nhầm lẫn thông điệp về bảo vệ môi trường. Vì số tiền thu về không dùng nhiều cho mục đích bảo vệ môi trường, mà dùng cho hoạt động chi khác. Trong các báo cáo của mình, Bộ Tài chính không giải trình được điều này.
Bộ Tài chính tính toán, tổng số thu thuế BVMT dự kiến khoảng 57.312 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỷ đồng/năm. Bên cạnh việc tăng thu cho NSNN, điều này ngược lại sẽ tạo tác động thế nào tới hoạt động của các thành phần kinh tế và chi tiêu của các hộ gia đình, thưa ông?
- Thuế đối với mặt hàng xăng, dầu gần như là một sắc thuế bắt buộc tính trên đầu người bởi hầu hết gia đình đều phải sử dụng các phương tiện giao thông phục vụ nhu cầu đi lại. Vậy nên, nó là tác động trực tiếp, không ai có thể tránh được. Số tiền tăng thu 15.684,2 tỷ đồng/năm chính là số tiền do người dân, doanh nghiệp bỏ ra.
Tăng thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ tác động trực tiếp tới người nghèo (Ảnh: IT)
Điều này không khác việc chúng ta tăng giá điện. Cả hai đều tạo phản ứng dây chuyền để gây tăng giá thành của hàng loạt hàng hóa khác. Tất cả sẽ cộng hưởng, kích thích nguy cơ lạm phát đã có sẵn.
Việc tăng thuế BVMT lên 4.000đ với xăng, dầu có nghĩa chúng ta là nâng mặt bằng giá chung. Đối tượng chịu ảnh hưởng trước tiên là các doanh nghiệp vận tải. Sau khi chịu ảnh hưởng, các doanh nghiệp vận tải đương nhiên sẽ không chấp nhận bị giảm doanh thu, lợi nhuận. Họ sẽ có biện pháp để thu số chi phí tăng lên do tăng thuế từ các đối tượng sử dụng dịch vụ vận tải.
Điều này tiếp tục dẫn tới các đối tượng sử dụng dịch vụ vận tải phải cắt giảm ngân sách chi tiêu của mình, hoặc cắt giảm chi tiêu khác đề bù đắp cho sự tăng giá dịch vụ vận tải. Đây là một phản ứng dây chuyền khi chịu tác động của tăng giá.
Tất cả doanh nghiệp đều nhìn thấy viễn cảnh này, chỉ có điều những loại hình, đối tượng doanh nghiệp khác nhau sẽ có cách điều chỉnh khác nhau để san sẻ, đẩy khoản chi phí tăng lên này cho những đối tượng khác cùng gánh chịu. Doanh nghiệp nào không thực hiện được sẽ chịu ảnh hưởng, mất phí nhiều hơn.
Bộ Tài chính không nhắc tới tác động của việc tăng thuế BVMT đối với các doanh nghiệp trong Báo cáo đánh giá tác động có thể là một khiếm khuyết trong quá trình tìm hiểu, đánh giá tác động của Bộ bởi ai cũng biết việc này sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu doanh nghiệp
Người nghèo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn người giàu
Các chuyên gia từng chỉ ra rằng người nghèo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn người giàu khi tăng thuế suất thuế GTGT (VAT). Vậy đối với trường hợp tăng thuế BVTM với xăng, dầu thì sao?
Thực tế khó để đánh giá chính tác tác động của việc tăng thuế đối với người nghèo và người giàu. Việc đánh giá sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của người tính toán, đánh giá.
Trong trường hợp tăng thuế suất thuế GTGT (VAT). Nếu ở thời điểm hiện tại, tính toán một cách tương đối thì người nghèo sẽ chịu thiệt nhiều hơn so với người giàu khi thuế suất tương đối lên thu nhập của người nghèo cao hơn người giàu. Nói cách khác là thuế VAT ở Việt Nam đang có tính lũy thoái rất cao và so với tỷ phần thu nhập thì người giàu đang phải nộp thuế ít hơn so với người nghèo.
TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế (Ảnh: Hoàng Thắng)
Ví dụ, người giàu mất thêm 160.000 đồng/tháng để nộp cho phần tăng thêm của thuế suất thuế GTGT nhưng thu nhập của họ là hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Còn người nghèo chỉ mất thêm 26.000 đồng/tháng để nộp cho phần tăng thêm của thuế suất thuế GTGT nhưng thu nhập của họ chỉ vỏn vẹn vài triệu đồng thì mức độ ảnh hưởng người nghèo phải phải chịu vẫn lớn hơn.
Còn trường hợp tăng thuế BVMT với xăng, dầu và một số mặt hàng khác lại rất khác. Các sắc thuế áp với xăng dầu là loại thuế đánh vào mặt hàng thiết yếu, gần như mang tính chất bắt buộc như tôi đã giải thích phía trên.
Trong trường hợp nâng thuế BVMT với xăng dầu người nghèo cũng khó có khả năng tiết kiệm được hay mong chờ được hưởng lợi ích lâu dài. Bởi bản thân họ nhiều khi còn có nhu cầu di chuyển, vận chuyển nhiều hơn so với người giàu để có một mức thu nhập cao hơn.
Cũng chính bởi xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu nên người dân không thể không sử dụng chúng, không thể lựa chọn dịch chuyển từ sử dụng xa xỉ phẩm sang hàng hóa bình thường như trường hợp của nhiều hàng hóa khác.
Không những về mặt tuyệt đối, mà ở mặt tương đối và nhìn về lâu dài, người nghèo vẫn chịu thiệt nhiều hơn các đối tượng có thu nhập cao hơn. Đó là lý thuyết chung đối với các sắc thuế áp dụng cho những mặt hàng thiết yếu.
Việc tăng thuế BVMT theo Bộ tài chính là nhằm tăng thu ngân sách, nhưng lại đẩy gánh nặng lên vai người tiêu dùng, người dân. Cách làm này có vẻ như không hợp lý. Vì Nhà nước tham gia các hiệp định thương mại tự do, để cắt giảm thuế để có lợi cho doanh nghiệp, nhưng lại đặt trách nhiệm thu ngân sách lên vai người dân. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Đây là một ý đúng. Không chỉ nước ta mà hầu hết các nước đều như vậy. Chính phủ sẽ tìm những nguồn thu mà họ dễ thu. Xăng dầu là hàng hóa mang tính bắt buộc nên đương nhiên là một trong những nguồn thu dễ dàng nhất.
Nguồn: Bộ Tài chính
Bất kì hàng hóa thiết yếu nào cũng có thể tăng thu thông qua những lý do như bảo vệ môi trường. Ví dụ có thể đánh thuế với việc tiêu thụ điện với lý do bảo vệ môi trường bởi năng lượng điện được tạo ra từ than đá, khí tự nhiên, thủy điện.
Thuế bảo vệ môi trường không phải ngân sách riêng mà hòa chung vào tổng thể ngân sách nên nó chỉ là một lí do để cơ quan nhà nước thu và việc thu rất dễ. Ai mua xăng, trả tiền thì trạm xăng dầu sẽ thu hộ cho nhà nước. Đó là xu hướng của nhà nước.
Còn vấn đề cân đối ngân sách nằm ở việc phải giảm được chi, nhất là chi thường xuyên. Nhưng đây là một việc rất khó, trừ khi Chính phủ thực hiện cực kỳ quyết liệt. Còn nếu làm nửa vời, cố gắng cân bằng giữa các phe nhóm thì không có cách nào giảm chi cả. Bởi ai cũng cần chi tiêu, năm nay tiêu 1 đồng thì năm sau phải tiêu 1,2 đồng, rất khó giảm xuống.
Khi không cắt giảm được số chi và các khoản chi, bắt buộc phải tăng thu để cân đối ngân sách. Ở đây có một câu chuyện là anh không giảm chi được thì phải tăng thu, tăng thu không được thì buộc phải tăng vay. Nhưng vay nhiều thì lại vướng trần nợ công của Quốc hội, Chính phủ hiện tại cũng đang tìm cách mở rộng mẫu số - tăng GDP để giảm trần nợ công.
Về câu chuyện tăng thu, đương nhiên phải tìm phương án dễ nhất. Ở đây có hai sắc thuế có thể giúp tăng thu là tăng thuế GTGT và tăng thuế xăng, dầu.
Dù việc tăng thuế GTGT thời gian qua bị dư luận phản ứng khá mạnh nhưng tôi vẫn cho rằng đây là cách tăng thu hợp lý hơn cả. Tác động của việc tăng thuế GTGT cũng ít tác động tới người nghèo hơn so với tăng thuế xăng, dầu.
Tôi đồng ý với Bộ Tài chính và World Bank ở quan điểm cần phải dịch chuyển dần sang thu thuế GTGT bởi đây là nguồn thu thuế dễ dàng và công bằng hơn.
Không nên để người dân hiểu sai ý nghĩa của thuế BVMT
Theo Bộ tài chính, hiện thuế BVMT với xăng, dầu đang chiếm đa số trong tổng thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường (khoảng 93%) nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay của Việt Nam vẫn đang ở mức báo động. Điều đấy phần nào cho thấy số tiền thu từ thuế từ dân để bảo vệ môi trường chưa được sử dụng hiệu quả. Vì vậy, người dân hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi liệu việc tăng thuế lên 4.000 đồng/lít có giúp cho Việt Nam bảo vệ môi trường tốt hơn?
- Đây là một trong những lý do tôi không đồng tình với việc tăng thuế BVMT vì nó làm sai lệch thông điệp về bảo vệ môi trường. Đã phần thuế đó là thuế bảo vệ môi trường thì phải dùng số tiền đó cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Một phương án bảo vệ môi trường là dùng thuế để điều tiết hành vi tiêu dùng, dịch chuyển mọi người sang sử dụng những hàng hóa ít tác động tới môi trường hơn. Trong dự thảo có nêu một số sản phẩm, hàng hóa điển hình như túi nilon, dung dịch HCFC. Đó là những hàng hóa mà ta có thể áp dụng chính sách thuế khiến giá cả của chúng tăng, từ đó người tiêu dùng sẽ ít sử dụng những hàng hóa này.
Và ý nghĩa chính không phải là tăng thu cho ngân sách, mà là để người dân hạn chế tiêu dùng những hàng hóa này. Đó là một cách giúp bảo vệ môi trường.
Một cách khác là dùng phần thuế thu ngân sách liên quan tới môi trường để đầu tư, tái tạo môi trường như tăng biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí, nạo vét làm sạch kênh rạch, xử lý rác thải… Khi sử dụng tiền thuế BVMT đúng với mục đích, ý nghĩa của nó, cơ quan quản lý sẽ nhận được sự đồng thuận từ người dân.
Nếu thu thông qua thuế BVMT để bù đắp ngân sách, trong khi chất lượng môi trường không được cải thiện thì mọi thứ dễ trở nên sáo rỗng, tạo thông điệp sai. Bản thân tôi không đồng tình với cách thức này.
Nếu thu với danh nghĩa bảo vệ môi trường thì không chỉ xăng, mà điện, gạo và một số mặt hàng khác cũng có thể chịu thuế bảo vệ môi trường.
Trong khi nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng Bộ Tài Chính chỉ cần đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, đưa doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán để bán vốn nhà nước là có được một nguồn thu lớn, ví dụ như trường hợp bán cổ phần Sabeco, Vinamilk vừa rồi.
Hay như chính sách thuế phí liên quan đến doanh nghiệp trong nước cần cải thiện, giảm bớt để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Đây mới là nguồn thu bền vững cho ngân sách, nhưng điều này Bộ Tài chính đang thực hiện chưa hiệu quả. Ông bình luận gì về ý kiến này?
- Đây là một hướng đi mang tính lâu dài. Nhà nước tạo môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp phát triển, cải cách, cổ phần hóa các DNNN để tạo động lực mới cho phát triển sẽ giúp cho nguồn thu ngân sách nhiều hơn.
Việc bán cổ phần DNNN sẽ mang về một số tiền lớn, không chỉ bù đắp thiếu hụt NSNN mà còn có tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dịch vụ, đồng thời giảm áp lực thu NSNN. Điều này hoàn toàn đúng định hướng của Chính phủ.
Nhưng có một xu hướng ở các nước phát triển là họ rất minh bạch, rõ ràng trong việc dùng nguồn thu gì chi cho mục tiêu gì. Nếu anh dùng phần thu của cái này để chi cho cái kia nhưng sau đó không chi được như kế hoạch hoặc chi không hiệu quả thì phải giảm thu xuống.
Ở nhiều nước họ thu phí xăng dầu, nhưng sau đó không chi cho bảo vệ môi trường mà chi cho giáo dục, y tế. Nhưng họ rất rất rõ ràng trong vấn đề thu – chi ngân sách, ở đây là dùng nguồn thu này để bù đắp cho vấn đề kia.
Có những khoản thu đặc thù mà phải dùng những sắc thuế, phí đặc thù để bù đắp. Những khoản đó phải có sự minh bạch, có thể giám sát để biết nó được sử dụng đúng mục đích, chứ không phải dùng chung cho tất cả các mục đích.
Nếu không làm như vậy sẽ dẫn tới tất cả các nguồn thu hòa vào chung trong tổng thể NSNN, dẫn tới tình trạng tù mù trong câu chuyện chi hay nói cách khác là chi không đúng mục đích. Lúc này, những khoản thu về cũng dễ trở thành những khoản thu không kiểm soát đúng đối tượng. Điều này tạo một ngân sách không được minh bạch.
Ví dụ, khi thu thuế xăng, dầu, có thể người nghèo không phải là đối tượng chính sách ảnh hướng tới khi thu nhưng lại là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn.
Xin cám ơn ông!
Số liệu được Bộ Tài chính công bố trước đây cho thấy, trong tổng số 42.300 tỷ thuế bảo vệ môi trường thu được năm 2016, ngân sách đã chi khoảng 12.290 tỷ đồng, đạt 1% tổng chi ngân sách.
Giai đoạn 2012-2016, thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường đã tăng gấp 4 lần, từ 11.160 tỷ đồng lên 41.924 tỷ đồng. Có nghĩa, trong 4 năm, số thu đã tăng thêm 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi ngân sách cho bảo vệ môi trường năm 2012 là 9.000 tỷ, thì năm 2016 cũng chỉ dừng ở mức 12.290 tỷ, tăng hơn 3.000 tỷ đồng.
Theo Hoàng Thắng
Dân Việt
Tag :thuế bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường, thu ngân sách, tăng lãi suất cơ bản
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét