Theo chuyên gia, khách hàng cũng nên phân tán rủi ro, tránh gửi tiền vào một chỗ.
Nên phân tán rủi ro, tránh gửi tiền vào một chỗ
Nhiều vụ khách hàng gửi tiền vào ngân hàng bị mất gần đây khiến nhiều người băn khoăn và đặt câu hỏi: Làm sao để biết tiền mình gửi vào ngân hàng bị mất và nếu chẳng may bị mất thì phải làm thể nào?
Tại buổi tọa đàm "Làm sao để tiền gửi ở ngân hàng được an toàn?" do Trí thức trẻ tổ chức chiều 27/2, TS. Đặng Anh Tuấn - Viện phó Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, ông không đồng tình khi nhiều ý kiến cho rằng hoạt động của ngân hàng hiện nay có quá nhiều rủi ro và sai sót.
"Theo tôi đánh giá, nhìn chung quy trình hoạt động, nghiệp vụ, quy định của các ngân hàng hiện nay thực ra là tốt, chặt chẽ. Những vụ án xảy ra cũng một phần là do khách hàng không cẩn thận như thực hiện ký khống, ủy quyền, phần nữa là do chi nhánh ngân hàng thực hiện sai quy trình nghiệp vụ. Những nhân viên ngân hàng có lòng tham sẽ sử dụng kẽ hở đó để lợi dụng chiếm đoạt tài sản của người khác", ông Tuấn nói.
Để hạn chế sai sót, vị chuyên gia này cho rằng ngân hàng cần tăng cường kiểm soát nội bộ, công khai quy trình nghiệp vụ cho khách hàng để họ hiểu rõ. Đồng thời, khách hàng cũng cần sáng suốt để giám sát tiền gửi của mình, cần hiểu và biết cách thực hiện đúng quy trình giao dịch với ngân hàng, như vậy sẽ hạn chế được các rủi ro xảy ra.
"Ngoài ra, khách hàng mà không có kiến thức chuyên sâu về quản lý tiền thì có thể hỏi ý kiến hoặc thuê các chuyên gia quản lý tài chính", ông Tuấn nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng hiện nay đang quá tập trung rủi ro trong một chỗ, gửi tiền quá nhiều ở một ngân hàng, nếu xảy ra rủi ro thì mất hết. Do đó, khách hàng cũng nên phân tán rủi ro, tránh gửi tiền vào một chỗ.
Ông Tuấn cũng cho rằng nếu xảy ra sự việc mất tiền, nếu có kết luận cán bộ cố tình lừa cả ngân hàng và khách hàng thì trước tiên ngân hàng có thể trả luôn tiền cho khách hàng và sau đó kiện cán bộ, nhân viên thực hiện hành vi lừa đảo đó.
"Về nguyên tắc, quản lý nhân viên ngân hàng là trách nhiệm của ngân hàng chứ không phải của người gửi tiền. Tuy nhiên, người gửi tiền cũng cần có trách nhiệm kiểm tra, giám sát đối với tiền gửi của mình và cùng với ngân hàng để ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra", ông Tuấn nói.
Tại tọa đàm, Luật sư Chu Mạnh Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cũng nêu quan điểm về cách xử lý của Eximbank trong vụ khách hàng mất 245 tỷ đồng vừa qua.
"Tôi cho rằng, việc ngân hàng chờ phán quyết của tòa án là không sai, đó là quyền của họ. Nhưng xét về góc độ kinh tế, uy tín thì bằng điều tra của ngân hàng, nếu họ nhận thấy lỗi từ phía nhân viên ngân hàng, thì họ nên bồi thường cho khách hàng để đảm bảo uy tín của mình. Tuy nhiên, thực tế, các ngân hàng hiện nay thường chờ phán quyết của tòa án mới xử lý vụ việc", ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã nguyên Phó giám đốc EximBank trong vụ lừa đảo này. Tuy nhiên, nếu chờ bắt được kẻ bị truy nã, đưa ra điều tra xét xử mới đưa ra quyết định trả hay không trả tiền cho khách hàng thì không biết đến bao giờ. Trên thực tiễn, để đi đến thỏa thuận chốt thời hạn toán bồi thường cho người gửi tiền rất khó.
"Tôi cho rằng nên tách riêng phân dân sự và hình sự trong vụ án. Nếu xác định rõ khách hàng không liên quan đến bị cáo thì nên bồi thường cho khách hàng trước để bảo vệ uy tín, danh tiếng của ngân hàng. Còn khi điều tra xong phần hình sự thì đưa ra phán quyết cuối cùng", ông Cường nói.
Làm sao để biết mình bị mất tiền?
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, trong 2017, tổng tài sản hệ thống tín dụng bao gồm ngân hàng và phi ngân hàng là 9 triệu tỷ. Trong đó, tiền gửi bao gồm người dân và doanh nghiệp và định chế tài chính khác ở mức khoảng 7 triệu tỷ và với số tiền như thế ngân hàng mới có thể cho vay và dư nợ cuối năm 2017 là 6,5 triệu tỷ.
Số liệu ước tính, trong số 7 triệu tỷ huy động vốn dân cử khoảng 60%, tổ chức 40%. Tiền gửi dân cư chiếm 60% của 7 triệu tỷ khoảng 4,2 triệu tỷ.
"Tiền gửi từ dân cư đảm bảo ngân hàng có lượng tiền ổn định cho vay. Đây là nguồn tiền ổn định không thể thiếu của bất kỳ ngân hàng nào. Hệ thống ngân hàng là một kênh đầu tư, người dân có thể hưởng mức sinh lời lãi suất hàng năm. Khi tạo ra lượng tiền tích kiệm người dân mới có thu nhập thêm để tiêu dùng", ông Lực nói.
Để quản lý tiền trong tài khoản mình còn hay đã mất theo ông Lực khá dễ. Bởi với trình độ công nghệ thông tin hiện nay đa số ngân hàng đều sử dụng dịch vụ SMS mỗi lần chuyển tiền thanh toán hay gửi tiền thì hệ thống SMS sẽ cập nhật trên hệ thống thanh toán đó.
"Chúng tôi kiến nghị người dân nên sử dụng dịch vụ này. Hoặc sử dụng internet banking nếu thường xuyên làm trên máy tính. Ngoài ra có thể yêu cầu ngân hàng gửi sao kê tài khoản, nhìn vào đó có thể biết ngay trong 1 tháng vừa qua cái nào đúng là mình giao dịch. Thông thường, các ngân hàng sẽ gửi sao kê qua email", ông Lực nói.
Để đảm bảo an toàn khi đem tiền đi gửi ngân hàng, TS. Đặng Anh Tuấn - Viện phó Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cho biết khách hàng nên chọn ngân hàng nào mà để khi cần là có thể rút tiền ra nhanh chóng và an toàn cả gốc và lãi; chọn ngân hàng mà bạn cảm thấy yên tâm khi gửi tiền vào đó, chọn ngân hàng có uy tín, có lịch sử quản lý ngân hàng an toàn, không có các vụ tranh chấp, sai phạm về quản lý tiền gửi.
Nguyễn Khánh
Tag :lãi suất huy động, gửi ngân hàng, EximBank, gửi tiền ngân hàng
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét