Dự kiến, siêu dự án "thành phố thông minh" tại phía Bắc Hà Nội (đoạn hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp) sẽ rộng 310ha.
Theo thông tin trên tờ Nikkei, Chính phủ Nhật và hơn 20 doanh nghiệp nước này cùng Việt Nam sẽ hợp tác đầu tư xây dựng dự án "thành phố thông minh" tại phía Bắc Hà Nội, hoàn thành trước năm 2023.
Dự kiến, dự án sẽ rộng 310ha, cách trung tâm Hà Nội 15 phút lái xe với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến như xe buýt tự hành và nhà máy điện năng lượng tái tạo…
Được định giá gần 4 nghìn tỷ yên (37,3 tỷ USD), đây là dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Nhật tính tới hiện tại. Nguồn vốn bao gồm từ vốn các doanh nghiệp tự huy động, ODA và vốn hỗ trợ từ Chính phủ.
Nikkei đánh giá dự án "thành phố thông minh" này phù hợp với chính sách của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đó là nhằm mục đích nhân rộng mô hình "đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao" tại các nước đang phát triển.
Tập đoàn Sumitomo, công ty sản xuất máy móc công nghệ nặng Mitsubishi Heavy Industries và đơn vị vận hành tàu điện ngầm Tokyo Metro là ba trong số các doanh nghiệp Nhật Bản góp mặt trong dự án.
Nikkei cũng cho hay, Tập đoàn Sumitomo đã đi đến ký kết thương vụ hợp tác với Công ty bất động sản BRG Group của Việt Nam. Công ty kiến trúc Nikken Sekkei của Nhật sẽ chịu trách nhiệm thiết kế thành phố.
Giai đoạn I có thể bắt đầu sớm nhất vào tháng 10 năm nay, dự kiến có 7.000 căn hộ chung cư và hạng mục thương mại sẽ được hoàn thành trong năm 2019.
Thông tin về một "siêu" thành phố thông minh trước đó cũng được Tập đoàn BRG đưa ra trước đó. Cụ thể, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản, thỏa thuận hợp tác phát triển dự án đô thị Nhật Tân - Nội Bài đã được ký kết giữa Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhằm mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, tại phía Bắc Hà Nội (đoạn hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp), thuộc đồ án quy hoạch hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài.
Tuy nhiên, theo thông tin Tập đoàn BRG thì tổng giá trị dự án thành phố thông minh là hơn 4 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị đầu tư dự án thành phố thông minh báo Nhật đưa ra lên tới 37,3 tỷ USD. Sự chênh lệch này có thể do tính tổng các chi phí xây dựng nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng… của nhiều doanh nghiệp gộp lại.
Theo tìm hiểu, Tập đoàn BRG vốn là một doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tập trung chủ đạo vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng và sân golf… Đây cũng chính là chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho toàn bộ diện tích 2080 ha hai bên trục tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài từ năm 2011.
Trong khi đó phía Nhật Bạn, Tập đoàn Sumitomo là một trong những doanh nghiệp Nhật đang có nguồn vốn đầu tư khá lớn ở Việt Nam. Hồi tháng 9/2017, Tập đoàn Sumitomo đã khởi công Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc. Đây là dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp thứ 3 của Tập đoàn Sumitomo tại Việt Nam, sau Khu công nghiệp Thăng Long I (Hà Nội) và Thăng Long II tại tỉnh Hưng Yên.
Nguyễn Khánh
Tag :thành phố thông minh, siêu dự án, đầu tư hạ tầng
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét