Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Người muốn lắng nghe và thích lời nói thẳng

Dân Trí xin trích đăng những đánh giá về cách thức điều hành và dấu ấn Thủ tướng Phan Văn Khải từ chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thủ tướng Phan Văn Khải khi tham Hoa Kỳ

Thủ tướng Phan Văn Khải khi tham Hoa Kỳ

Thưa bà, rất nhiều chuyên gia đánh giá cao tính chuyên nghiệp trong cách thức điều hành và kết quả kinh tế dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải đứng đầu Chính phủ, vậy theo bà những nhận định đó có xác đáng?

- Việt Nam sau đổi mới đến nay, các con số thống kê chính thức giai đoạn ông Phan Văn Khải lãnh đạo kinh tế tăng trưởng cao và ổn định. Nguyên Thủ tướng là người được đào tạo bài bản và cầu thị nên trong chính sách phát triển của mình ông tỏ ra rất chuyên nghiệp, với tầm nhìn dài hạn.

Thành công của Thủ tướng Khải có nhiều lý do, đầu tiên là kế thừa tư tưởng từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thời kỳ trước đó ông làm Phó Thủ tướng, phụ trách kinh tế, nhất là sau nhiệm kỳ thứ 2, ông Kiệt đã chủ động để cho ông Khải làm việc nhiều hơn về kinh tế của mình.

Thực hiện tiếp theo tinh thần cải cách của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề ra, ông Khải đã rất thành công sau này.

Dấu ấn đầu tiên đối với tôi về ông Khải là ban hành được Luật Doanh nghiệp năm 1999, đây là Luật Doanh nghiệp đầu tiên của nước ta mà người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Số doanh nghiệp đã phát triển mạnh sau những năm đầu tiên, góp phần giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng tài chính và khu vực. Nhờ Luật Doanh nghiệp, khu vực dân doanh đã bù đắp được sụt giảm đầu tư nước ngoài, điều đó cho thấy khu vực doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể thay thế được FDI để làm động lực phát triển đất nước.

Tinh thần này được Thủ tướng Phan Văn Khải coi là động lực xuyên suốt trong nhiệm kỳ công tác của mình. Trong quá trình thực hiện Luật doanh nghiệp, ông là người rất quan tâm đến nông nghiệp nên đã cho sửa đổi các Luật đất đai, Luật Tổ chức tín dụng, luật về thuế....

Từ năm 1997 đến 2006, khi Thủ tướng Phan Văn Khải tại vị, nhiều chuyển biến lớn của đời sống kinh tế Việt Nam diễn ra, đặc biệt là vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế đã từng bước được xây dựng và thiết lập, bà nghĩ sao về quan điểm hội nhập của Chính phủ dưới lúc bấy giờ?

- Thời kỳ Thủ tướng Khải, tôi thấy rõ chủ trương thúc đẩy hội nhập quốc tế. Cố Thủ tướng Kiệt có công đưa Việt Nam tham gia ASEAN và Khu vực mậu dịch tự do AFTA, thời kỳ của Thủ tướng Khải thì hoàn tất được Hiệp định Thương mại song phương BTA với Mỹ.

Hiệp định này hoàn tất năm 2001, bước chuyển mới trong hội nhập quốc tế, bởi Hiệp định này là trên các nguyên tắc của WTO, từ đây giúp Việt Nam tăng tốc gia nhập với WTO hơn.

Rất nhiều người nhắc đến vai trò của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng dưới thời ông Khải. Nhiều người cho rằng, ông Khải đưa vai trò của Ban Nghiên cứu như là một bộ máy riêng để bàn thảo, nghiên cứu chính sách và góp ý trực tiếp cho Thủ tướng?

- Ở Ban Nghiên cứu, Thủ tướng luôn khuyến khích chúng tôi có cách làm mới, đề xuất Thủ tướng nên làm cái này, không nên làm cái kia. Vấn đề này được Thủ tướng rất coi trọng, việc dùng ý kiến ngược, phản biện trong điều hành chính sách của Thủ tướng Khải tương tự như ngày xưa các vua dùng "gián quan" - can gián vào các quyết định không thuận với ý vua, chú, triều đình.

Thủ tướng Khải khi tiếp xúc các nơi điềm đạm, rất chú trọng lắng nghe, khuyến khích nói thẳng, nói thật. Nhiều khi trong Ban Nghiên cứu, chúng tôi nói thẳng quá nhiều vấn đề, Thủ tướng chỉ ngồi "thừ" ra, đầy đăm chiêu, suy nghĩ nhưng không hề phản ứng gay gắt.

Lắng nghe xong, Thủ tướng thường yêu cầu anh em tìm giải pháp mà không hề định kiến với những người nói thẳng, nên trong Ban Nghiên cứu anh em chúng tôi cũng không ngại chuyện nói thẳng với ông. Một số nơi, khi tiếp xúc thì họ nói thẳng nhưng ông vẫn tiếp tục nghe, chứ không có định kiến về trái ý của mình.

Dưới thời của Thủ tướng Phan Văn Khải, các cơ chế lập ra các tập đoàn, Tổng công ty kinh doanh đa ngành, đa nghề đã manh nha song chưa đi vào các Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng nhìn nhận vấn đề này ra sao?

- Thủ tướng rất quan tâm đến cải cách doanh nghiệp Nhà nước phát triển chứ không chỉ là nhân số cơ học để làm to lên. Khi chúng tôi tiếp xúc vấn đề này, Thủ tướng luôn lưu ý mô hình nào thì cũng phải cải cách, cạnh tranh.

Chính vì thế, dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, rất ít các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước được nâng lên thành tập đoàn.

Thủ tướng chỉ chấp thuận cho công ty mẹ con, và chỉ chấp nhận cho Constrexim của Bộ Xây dựng làm thí điểm, thí điểm cho đầu tư mẹ con và chú trọng vào ngành dệt.

Tôi lấy ví dụ khi các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước muốn đầu tư đa ngành nghề, họ sử dụng các chiêu lobby mạnh. Tuy nhiên Thủ tướng rất thận trọng; ban đầu ông chỉ chấp nhận cho thí điểm mô hình công ty mẹ con trong một số doanh nghiệp Nhà nước.

Được đánh giá là người lãnh đạo khá chuyên nghiệp, sát với doanh nghiệp tư nhân, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Khải đã lưu ý đến phát triển tư nhân và đối thoại với doanh nghiệp, xây dựng Chính phủ lắng nghe, cầu thị?

- Khi lên làm Thủ tướng, điều đầu tiên của ông Khải là lên gặp mặt các doanh nghiệp ở 11 Lê Hồng Phong. Cuộc gặp mặt của Thủ tướng Khải thường xuyên hơn và sau đó ông tuyên bố hằng năm đều phải có cuộc gặp mặt thường kỳ diễn ra để doanh nghiệp nêu ý kiến. Tại đó, ông yêu cầu các Bộ trưởng ở đó giải pháp, yêu cầu bộ này phải làm bộ kia phải làm ngay.

Thủ tướng giao cho Ban Nghiên cứu, sau khi nghe đối thoại phải ghi lại, biên soạn thành Chỉ thị của Thủ tướng. Thủ tướng gọi đó là cuộc đối thoại 2 bên cùng nói chuyện với nhau chứ không phải gặp để chỉ đạo cái nọ, cái kia, điều này khiến doanh nghiệp yên tâm.

Ở cuối nhiệm kỳ thứ 2, khi còn khoảng 1 năm nữa mới hết nhiệm kỳ Thủ tướng, song ông Phan Văn Khải đã xin thôi chức vụ Thủ tướng, đồng thời xin lỗi Quốc hội và nhân dân về sự cố xảy ra ở vụ án PMU18, người ta vẫn có góc nhìn và đánh giá khác nhau, vậy quan điểm của bà thì sao?

- Tôi nghĩ lời xin lỗi của Thủ tướng trước Quốc hội, nhân dân là lời xin lỗi rất chân thành, trước đó ông rất trăn trở vì tham nhũng, lãng phí đã xảy ra.

Thủ tướng trăn trở về tăng trưởng cao, nhưng hiệu quả tăng trưởng thấp. Ông muốn thay đổi mô hình kinh tế của Việt Nam nhưng đến cuối nhiệm kỳ không chuyển biến được nhiều.

Thủ tướng quyết định rút sớm 1 năm là bối cảnh Đại hội Đảng họp xong gần nửa năm mới bầu Quốc hội, nửa năm sau mới thành lập Chính phủ mới. Như vậy, tròn 1 năm trời Thủ tướng còn đương nhiệm thì không phải Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng nữa.

Còn người kế tiếp làm Thủ tướng thì là Uỷ viên Bộ Chính trị, tuy nhiên, nhiệm kỳ người cũ vẫn còn, Thủ tướng mới chưa được bầu.

Chính vì vậy, Thủ tướng Phan Văn Khải từ nhiệm do để thuận lợi cho người lãnh đạo phía sau thuận lợi cả về phía Đảng lẫn về Chính phủ chính thức làm việc ngay. Vì vậy, Thủ tướng chính thức rút khỏi vị trí Thủ tướng trước 1 năm, tức là khi Đại hội Đảng diễn ra, ông được thôi vị trí ở Đảng thì cũng thôi vị trí ở Chính phủ.

Tôi nghĩ cách tiếp cận đó là đúng, nếu tham quyền cố vị, vẫn có thể ngồi tiếp 1 năm nữa, như vậy sẽ gây khó khăn cho người mới, làm hạn chế lãnh đạo. Đây là việc tốt, việc dũng cảm mà không phải ai cũng làm được.

Xin trân trọng cảm ơn chuyên gia!

Nguyễn Tuyền
(Thực hiện)

Tag :nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, chuyên gia kinh tế, kinh tế tăng trưởng


Nguồn: dantri.com.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates