Diễn biến xoay chiều chóng mặt phiên chiều nay làm thay đổi đáng kể diễn biến thị trường. Từ chỗ kéo lên tưởng như phục hồi tốt, thị trường lại bị thả rơi tự do nửa cuối phiên.
Theo "thông lệ" thị trường lại có được một nhịp phục hồi đầu phiên chiều. VN-Index một lần nữa được kéo xanh lên gần 1089 điểm. Tưởng như sẽ có một nhịp phục hồi mạnh, nhưng bất ngờ đồng loạt các cổ phiếu cắm đầu giảm.
VN-Index có một nhịp rơi cực nhanh và mạnh. Chỉ số từ gần 1089 điểm rơi xuống 1074 điểm. Đồng loạt blue-chips giảm đã tạo nên cú rơi này. Mức giảm được duy trì đến tận thời điểm đóng cửa và không có đột biến nào thay đổi tình trạng tồi tệ đó.
VN-Index đóng cửa giảm 1,02% so với tham chiếu, VN30-Index giảm 1,04%. Bất ngờ nhất có lẽ là ngay trong rổ VN30 cũng có tới 19 cổ phiếu giảm mạnh hơn chỉ số. Có những mã rơi sâu như MSN giảm 1,68%, VNM giảm 1,08%, BID giảm 1,6%, GAS giảm 5,36%, HPG giảm 1,83%, MWG giảm 3,25%, PLX giảm 2,76%, SAB giảm 1,33%, VJC giảm 2,01%...
Việc thị trường rơi mạnh thực tế không phải do ảnh hưởng của cổ phiếu dầu khí. Cổ phiếu lớn nhất của nhóm này là GAS đóng cửa giảm 5,36% và đúng là chiều nay GAS có nhịp giảm từ 109.900 đồng xuống 106.000 đồng. Tuy nhiên ảnh hưởng của GAS cũng có giới hạn. Trong VN-Index cổ phiếu này khiến chỉ số mất 0,26% còn trong VN30-Index chỉ mất 0,1%.
Mức giảm rất mạnh ở các chỉ số chủ yếu đến từ số đông các blue-chips sụt giảm sâu. Rổ Vn30 có 19/21 cổ phiếu giảm trên 1%. Toàn sàn HSX có tới 143/199 cổ phiếu giảm trên 1%.
Chỉ riêng nhóm ngân hàng với các đại diện: VPB giảm 2,23%, HDB giảm 3,64%, BID giảm 1,6%, STB giảm 1,23% cũng đã tác động lớn. VNM, SAB, GAS là các cổ phiếu cực lớn trong chỉ số này, đều giảm rất sâu. Đối với VN30-Index thì VJC, HPG, MSN, VNM, MWG tác động hàng đầu.
Nhịp sụt giảm nhanh và mạnh chiều nay đã không kết thúc bằng diễn biến phục hồi nào rõ rệt. VN-Index đóng cửa tại 1076,03 điểm trong khi đáy thấp nhất hôm nay là 1074,27 điểm. VN30-Index thậm chí còn chênh lệch chưa tới 1 điểm.
Thanh khoản phiên chiều kể cả khi có đợt lao dốc mạnh cũng không lớn. Hai sàn chỉ khớp được 2.430 tỷ đồng. CTG là cổ phiếu dẫn dắt duy nhất đáng chú ý khi cố gắng chống đỡ lực xả cực mạnh. Đóng cửa CTG vẫn tăng 2,87% và giao dịch kỷ lục 518,3 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử tính theo giá trị.
Khối ngoại phiên này đã quay lại mua ròng khá tốt. Tổng giá trị mua bao gồm cả thỏa thuận cổ phiếu là 948,5 tỷ đồng, bán ra 788,3 tỷ đồng.
Trên sàn khớp lệnh khối này cũng mua ròng tốt. Tổng giá trị mua đạt 701,5 tỷ đồng, bán ra 545 tỷ đồng. HPG và CTD là hai mã bị xả ròng đáng kể nhất, với -86,9 tỷ và -25 tỷ đồng.
Phía mua có VIC 99,1 tỷ, VRE 29,1 tỷ, VNM 25,9 tỷ, DXG 22,8 tỷ, MSN 21,6 tỷ, DPM 15,4 tỷ, GAS 14,1 tỷ, PVD 13,3 tỷ, VCB 13,2 tỷ.
Nguồn: vneconomy.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét