Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Chưa được cấp phép, “tân binh” xe công nghệ vẫn rầm rộ quảng bá dịch vụ?

Cập nhật thông tin từ Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công thương, tính đến ngày 25/9, Cổng thông tin này đã niêm yết danh sách 59 doanh nghiệp đã được cấp phép ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Theo đó, không có Go-Viet - một tân binh mới trong thị trường dịch vụ xe công nghệ.

Trong khi đó, thực tế ghi nhận tại 2 thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội, Go-Viet đang rầm rộ tiếp thị người tiêu dùng với những mức giá dịch vụ rất “yêu thương”…

Dịch vụ đặt xe Go-Viet đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi gây sốc để cạnh tranh

Dịch vụ đặt xe Go-Viet đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi gây "sốc" để cạnh tranh

Khi phân tích thực tế này, ở góc độ chuyên môn TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng chia sẻ: “Nếu Go-Viet hoạt động dưới hình thức một hình thức doanh nghiệp mà chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh là vi phạm luật pháp. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc yêu cầu doanh nghiệp vi phạm giải trình, kèm theo xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp ngưng hoạt động đến khi có giấy phép kinh doanh. Nếu đơn vị cố tình vi phạm, cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền buộc đóng cửa doanh nghiệp”.

Thực tế ghi nhận, xe công nghệ ngày càng phổ biến kéo theo nhiều doanh nghiệp ra đời tạo nên sự cạnh tranh ngày càng sôi động thậm chí là khốc liệt. Song, dù cạnh tranh thế nào vẫn cần phải ngoài việc hướng lợi ích cho người tiêu dùng thì môi trường cạnh tranh cần phải chính danh, có nghĩa là hoạt động cạnh tranh cần được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. “Nếu cạnh tranh “ngoài khuôn khổ” thì cần có những chế tài cụ thể để kiểm soát, xử lý nghiêm những đơn vị không chấp hành đúng quy định” - TS Hiếu đề xuất.

Dưới góc nhìn của luật pháp, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: “Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử của Chính phủ việc cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi chưa đăng ký hoặc chưa được cấp phép là một trong các hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử theo điểm d Khoản 1 Điều 4 Nghị định 52. Tổ chức vi phạm tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185.

Cụ thể tại Điều 81: Hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động) phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử mà không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 6-12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, 3 và Điểm a, b, c và d Khoản 4. Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b, c, đ và e Khoản 4 Điều này.

Ngoài việc chưa có giấy phép kinh doanh mà ngang nhiên triển khai rầm rộ như khuyến mãi khủng (giá cước chỉ 1.000 đồng/cuốc xe, áp dụng cho các cuốc xe Go-Bike dưới 6km tại TP. Hà Nội) và cách khuyến mãi bất chấp các giới hạn cho phép, của doanh nghiệp này được coi là vi phạm về Luật cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng với các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực.

Go-Viet tham gia thị trường xe ôm công nghệ nhưng vẫn còn vướng giấy phép

Go-Viet tham gia thị trường xe ôm công nghệ nhưng vẫn còn vướng giấy phép

Cũng theo luật sư Hùng, Luật Thương mại cũng có quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại của các thương nhân theo quy định tại điều 100 Luật Thương mại 2005: “Điều 100. Các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại: Khuyến mại cho hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng...”.

Ngoài ra, theo NĐ 37/2006/NĐ-CP về mức giảm giá tối đa đối với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại như sau: “Mức giảm giá tối đa đối với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hoá, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại”.

Như vậy, nếu cá nhân, tổ chức thực hiện khuyến mại trên 50% giá trị hàng hóa so với mức giá trước khi khuyến mại thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt như sau: Phạt tiền từ 20.000.000-30.000.000 đồng đối với thương nhân thực hiện khuyến mại bằng hình thức giảm giá có mức giảm giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ vượt quá mức giảm giá tối đa được phép đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại theo quy định. Với quy định này nếu doanh nghiệp nào triển khai khuyến mãi cuốc xe trên 50% là vi phạm quy định, cần xử lý nghiêm - vị luật sư này “chốt lại” quan điểm của mình.

Trong khi chưa được Bộ Công thương cấp phép ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mà Go-Viet vẫn quảng bá hoạt động rầm rộ, với nhiều chương trình khuyến mãi gây “sốc”. Liên quan đến vấn đề này, PV Dân trí đã liên hệ với Go-Viet và đơn vị này cho biết sẽ có câu trả lời.

Minh Anh – Quốc Anh

Tag :xe ôm công nghệ, giấy phép kinh doanh, Bộ Công Thương, thương mại điện tử, giá dịch vụ


Nguồn: dantri.com.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates