Cổ đông ngoại lớn nhất trong danh sách là Tenacious Bulldog Holdings Limited, sở hữu 23,5% cổ phần của VNG. Tenacious Bulldog Holdings Limited có trụ sở đặt tại Offshore Incorpotations Centre, British Virgin Islands - nơi được mệnh danh là thiên đường thuế.
Cùng đặt trụ sở tại địa chỉ này còn một cổ đông khác là Prosperous Prince Enterprises Limited, sở hữu 5,6% vốn của VNG. Tổng sở hữu của hai cổ đông này chiếm 29% vốn điều lệ VNG.
Cổ đông ngoại lớn thứ hai là Gamevest PTE, sở hữu 8,14% cổ phần VNG, trụ sở của Gamevest PTE đặt tại Singapore. Cổ đông GS Treasure Sarl, trụ sở tại Luxembourg, sở hữu 3,5% cổ phần của VNG.
Ngoài ra, còn có 4 cổ đông ngoại là cá nhân. Trong đó, đứng đầu là ông Shen Hao với sở hữu 1,74%. Theo báo cáo thường niên của VNG, ông Shen Hao, quốc tịch Trung Quốc, hiện là Phó tổng giám đốc tài chính của VNG. Trước đó, ông từng làm Giám đốc phụ trách M&A của Tập đoàn Tencent (Trung Quốc).
Ông Thomas Loc Herron địa chỉ Mỹ nắm 0,06% cổ phần VNG, hiện đang giữ chức vụ Giám đốc phát triển doanh nghiệp.
Hai người còn lại là Julie Thien Nga Lam, quốc tịch Canada, nắm 1,46% cổ phần VNG và Liu C Christopher quốc tịch Việt Nam nắm 0,05% cổ phần. Trong đó, bà Julie Thien Nga Lam là vợ của ông Don Di Lam, người đồng sáng lập và hiện là Giám đốc điều hành tập đoàn quản lý quỹ VinaCapital.
Trước khi danh sách cổ đông ngoại được công bố, cách đây ít năm từng xuất hiện thông tin Tencent - một trong những tập đoàn đứng đầu Trung Quốc về hệ sinh thái Internet, đã thâu tóm thành công cổ phần VNG.
Năm 2008, hãng công nghệ này cho biết đã đầu tư vào một công ty game trực tuyến của Việt Nam với việc mua 20,02% cổ phần (theo báo cáo cổ đông của Tencent năm 2008). Tiếp đó, năm 2011, công ty này công bố trong báo cáo cổ đông năm 2011 rằng đang có vốn tại một công ty game trực tuyến chưa niêm yết ở Đông Nam Á với tỉ lệ sở hữu năm 2010 là 30,02%, năm 2011 là 31,25%.
Báo cáo này không chỉ đích danh VNG nhưng theo những dữ kiện và con số doanh thu thì nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định đó là VNG.
Khi đó, VNG đã phát đi một thông cáo báo chí khẳng định mình là công ty Việt Nam. Thông cáo cũng khẳng định VNG hoạt động theo pháp luật Việt Nam và đối tác nước ngoài cũng không thể sở hữu quá 49% cổ phần. Tuy nhiên, VNG cũng không phủ nhận Tencent đã mua cổ phần VNG.
Hiện, các cổ đông trong nước không được đề cập trong thay đổi đăng ký kinh doanh mới nhất của VNG. Theo các tài liệu được công bố của VNG, cuối năm 2017, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Lê Hồng Minh nắm giữ 13,31% vốn điều lệ. Phó tổng giám đốc Vương Quang Khải nắm giữ 1,2% vốn điều lệ.
Theo báo cáo mới được công bố của Công ty Cổ phần VNG cho thấy, 6 tháng năm 2018, VNG ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ 2.065 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận sau thuế VNG đạt 244 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết ngày 30/6/2018, tổng tài sản của VNG đạt 4.364 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản của VNG tập trung ở tiền gửi ngân hàng với tổng cộng 2.462 tỷ đồng, trong đó 291 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, 590 tỷ đồng tiền gửi không quá 3 tháng và 1.580 tỷ đồng là tiền gửi kỳ hạn từ trên 3 tháng tới dưới 1 năm.
Nguồn: vneconomy.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét