Nhìn hệ thống nhà màng sản xuất nông sản hiện đại với quy mô hơn 4.000m2, ít ai nghĩ chủ nhân của nó là của một cô gái tuổi còn rất trẻ.
Chỉ trong vòng 4 năm, chị Lê Thị Thắm- Phó Bí thư đoàn xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã lần lượt thử sức mình với nhiều mô hình sản xuất nông sản đem lại giá trị kinh tế cho gia đình và địa phương. Đến nay, các sản phẩm của THT chị Thắm cho thu hoạch 3 vụ/năm (so với 1 vụ truyền thống), trong đó có 1000m2 đất chuyên trồng hoa với gần 4.000 cây hoa ly, 15.000 cây hoa các loại như: cúc, tuy lip, lưu ly…; 3 nhà màng với diện tích 3.000m2 trồng 6.000 cây dưa lưới.
Chị Lê Thị Thắm tổ trưởng tổ hợp tác trồng nấm, hoa, dược liệu thôn Hương Mỹ, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân
Đặc biệt, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao là mô hình mới nhất được Thắm trồng thử nghiệm nhưng đã đưa lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Mỗi năm, THT thu hoạch bình quân gần 30 tấn dưa lưới, 4.000 gốc hoa ly, 30.000 gốc hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa lưu ly… cho thu nhập gần 1.5 tỷ/năm với lợi nhuận bình quân 1 tỷ đồng.
Thế nhưng, để có thành quả này, nữ tổ trưởng Lê Thị Thắm đã vượt rất nhiều khó khăn.
Tốt nghiệp Cao Đẳng, Thắm về quê và làm phó bí thư đoàn xã Xuân Mỹ. Trăn trở với tình hình việc làm của thanh niên xã Xuân Mỹ, sau khi tìm hiểu một số mô hình kinh tế từ tỉnh bạn, Thắm đã vận động thanh niên trong xã xây dựng một mô hình nhà kính để trồng hoa ly và một số loại hoa khác như hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa lưu ly, hoa tuy lip...
Năm 2016, tận dụng các cơ chế chính sách khuyến khích của tỉnh đối với các mô hình kinh tế tập thể, Thắm tiếp tục mạnh thành lập THT Trồng Nấm Hoa Dược liệu thanh niên xã Xuân Mỹ với 7 thành viên. Sau 3 năm vật lộn, Thắm đã “thuần hóa” được giống hoa ly khó tính trồng trên đất Xuân Mỹ đem lại hiệu quả kinh tế.
Chưa hài lòng với kết quả được, đầu năm 2017, Thắm nghiên cứu đầu tư áp dụng các tiến bộ KHKT tiên tiến với hệ thống nhà màng công nghệ cao và hệ thống tưới tự động theo công nghệ của Israel để khắc phục tính mùa vụ do thời tiết. Đồng thời tiếp tục mở rộng mô hình và phát triển thêm ra loại cây mới đó là cây dưa lưới.
Hệ thống nhà màng quy mô rộng 3.000m2 trồng dưa lưới công nghệ cao của Thắm
Để có tiền làm hệ thống nhà màng và mua cây giống, chị Thắm đã cầm sổ đỏ ngôi nhà của mình và mượn cả sổ đỏ người nhà để cầm ngân hàng vay 2 tỷ đồng. “Lúc đầu, ông bà nội ngoại phản đối rất quyết liệt do cả tỉnh chưa ai làm, không biết hiệu quả sao mà mình dám cầm cố hết để làm. Thời gian này gia đình vô cùng khó khăn, nhiều lúc trong nhà không có lấy 1 đồng để đi chợ. Nhưng em quyết thử làm chuột bạch thêm lần này nữa vì em thấy nhiều nơi thấy loại cây này đem lại giá trị kinh tế lớn lại phù hợp với khí hậu của địa phương”, chị Thắm chia sẻ.
Cuối năm 2017, Thắm bắt tay trồng thử nghiêm vụ dưa lưới đầu tiên. Thời gian này, Thắm chỉ sử dụng 1 nhà màng để trồng 2.000 cây dưa lưới giống Israel và 2 nhà màng trồng dưa chuột bao tử. Sau 3 tháng chăm sóc, 2 giống dưa phát triển tốt và đậu quả. Vụ dưa đầu tiên Thắm đã thu được khoảng 2 tấn, lãi ròng khoảng 100 triệu đồng. Nhận thấy, cây dưa lưới đêm lại hiệu quả lớn, vụ tiếp theo, Thắm dành hẳn 3 nhà màng với diện tích 3.000m2 để chuyên trồng loại cây này.
Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, Thắm cho biết: “Cây dưa lưới ưa ánh nắng, càng nắng thì nó càng ngọt. Đặc biệt là giai đoạn thụ phấn, nếu không có nắng thì không đậu quả được. Do đó cần phải tính toán, canh thời gian vô cùng chuẩn. Điều này thì rất phù hợp với khi hậu của mình. Tuy nhiên do nắng nên thường ẩm, sâu bệnh dễ hoạt động, mình trồng rau theo công nghệ cao không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên đòi hỏi cần chăm sóc tỉ mỉ”.
Trong khi nhiều nơi khó khăn trong việc tìm đầu ra cho nông sản thì số dưa lưới tại đây đều được nhập cho các của hàng thực phẩm sạch và các siêu thị tại Thành phố Vinh, Hà Nội, Hải Phòng .
Để đáp ứng yêu cầu ở những thị trường này, đòi hỏi các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn theo quy trình nghiêm ngặt của Vietgap và được các cơ quan chức năng công nhận. “Cứ hết việc cơ quan là vợ chồng em lại dành hết thời gian cho khu nhà màng. Càng tỉ mỉ bao nhiêu thì càng tránh được nhiều rủi ro, bởi chỉ cần 1 cây gặp sâu bệnh không phát hiện kịp sẽ lây rất nhanh qua các cây khác”, Thắm bật mí.
Nhờ áp dụng KHKT vào sản xuất, mô hình THT của chị Thắm cho năng suất cao đem lại lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm
Theo tính toán của chị Thắm, hiện nay, giá dưa trên thị trường giao động từ 50.000 – 70.00/kg. Mỗi năm, dưa cho thu hoặc 3 vụ. Sản lượng trung bình đạt 10,5 tấn/vụ, thu gần 500 triệu đồng. Trừ chi phi sản xuất, lao động thì lợi nhuận thu về hơn 300 triệu đồng mỗi vụ tương đương với gần 1 tỷ/năm.
Ngoài lợi ích kinh tế, THT của chị Lê Thị Thắm còn tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ với mức lương từ 4- 5 triệu đồng/ tháng.
Với những bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo trong sản xuất, chị Lê Thị Thắm là một trong 50 gương mặt tiêu biểu của thanh niên toàn quốc vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của 2018 - giải thưởng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh thanh niên tiêu biểu trong SXKD, chuyển giao tiến bộ KHKT, phát triển ngành nghề...
Phượng Vũ
Tag :quyết định táo bạo của Phó bí thư đoàn xã, Lê Thị Thắm- Phó Bí thư đoàn xã Xuân Mỹ, Lê Thị Thắm trồng nấm
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét