Ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Petrolimex: Sự khác biệt là sau cổ phần hóa, Petrolimex công khai, minh bạch hơn/ Ảnh: GT
Khác biệt lớn giữa trước và sau cổ phần hóa
Thưa ông, điểm khác biệt lớn nhất giữa một Petrolimex trước cổ phần hóa (CPH) và Petrolimex sau cổ phần hóa là gì?
-Đó là sự minh bạch hóa, lành mạnh hóa toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ khi cổ phần hóa cuối năm 2011, chúng tôi đã có sự chuyển đổi rất nhanh về quản trị. Ngoài việc thực hiện đúng theo Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các văn bản, quy định liên quan, Tập đoàn đã xây dựng và ban hành khoảng trên 70 quy định, quy chế quản trị nội bộ để tạo sự minh bạch hóa, lành mạnh hóa trong tất cả các hoạt động của Công ty, đồng thời cũng tiếp cận học hỏi và áp dụng mô hình quản trị theo chuẩn mực quốc tế từ các Tập đoàn, Công ty lớn trên thế giới.
Những năm qua, chúng tôi cũng đã chủ động mời các Công ty tư vấn nước ngoài tham gia tư vấn trong nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạt động quản lý, kinh doanh của Tập đoàn . Cũng nhờ đó, Petrolimex đã đạt được những kết quả kinh doanh rất đáng khích lệ, nhất là từ năm 2015 trở lại đây.
Ông có thể lấy ví dụ không?
-Trước khi CPH, vẫn có những hoạt động đầu tư do không được tính toán một cách kỹ càng, cân đối xác định đầy đủ mục tiêu, hiệu quả nên hiệu suất đầu tư chưa cao như kỳ vọng mong muốn đặt ra. Nhưng khi đã trở thành Công ty cổ phần đại chúng, đặc biệt khi đã niêm yết công khai trên sàn chứng khoán, thì mọi quyết định đầu tư lớn của Tập đoàn đều được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, đặt mục tiêu lợi nhuận và hiệu quả lên hàng đầu và phải được giải trình rõ ràng, minh bạch, được sự đồng thuận của Đại hội đồng cổ đông. Vì thế cho nên ngay cả những dự án đã có quyết định đầu tư mà cổ đông cho rằng cần xem xét lại thì ban lãnh đạo Tập đoàn cũng cân nhắc, tính toán kỹ khi triển khai thực hiện.
Hiện nay có luồng ý kiến: Giữ cổ phần nhà nước chi phối tại DN nhưng cũng có ý kiến giảm dưới tỷ lệ chi phối (51%). Ban lãnh đạo Petrolimex có chủ trương như thế nào?
-Lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Petrolimex đã được nêu rõ tại Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó trong năm 2018, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ từ 75,86% xuống còn 51%.
Thực hiện chỉ đạo trên, của Thủ tướng, Tập đoàn cũng đã thành lập các nhóm công tác chuyên biệt để phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, đánh giá các phương án và cách thức triển khai thực hiện. Trên cơ sở phân tích thị trường, đánh giá kết quả thực tế từ các đợt thoái vốn Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng Công ty thời gian qua, Petrolimex đã đề xuất với Bộ Công Thương giãn tiến độ thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trong năm 2018 sang giai đoạn 2019-2020. Do tỷ lệ giảm lần này tương đối lớn (chiếm 24% vốn điều lệ) nên cần phải có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, chọn thời điểm thuận lợi để đảm bảo thành công và mang lại hiệu quả cao nhất cho Nhà nước cũng như hình ảnh của doanh nghiệp.
Việc nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư ngoại như vậy sẽ giải quyết vấn đề gì, thưa ông?
-Hiện tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho nhà đầu tư nước ngoài tại Petrolimex đang là 20% (trong đó đối tác chiến lược là JXTG đang nắm 8%). Các cổ đông ngoại khác trên thị trường đang nắm giữ khoảng gần 3%, như vậy room nước ngoài hiện còn lại ở mức 9%.
Với kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước lên tới 24% vốn điều lệ đòi hỏi phải có một lượng cầu đủ lớn trên thị trường để hấp thụ, mà thực tế trong những năm qua cho thấy, dòng vốn từ các nhà đầu tư ngoại vẫn luôn được đánh giá rất quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế cũng như việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chính vì lý do đó, để đảm bảo thành công cho việc giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Petrolimex xuống còn 51%, Tập đoàn đã đề xuất với Bộ Công Thương trình Chính phủ cho phép nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại Petrolimex lên tới tối đa 49%.
Petrolimex có còn "độc quyền"?
Mấy năm nay, trên báo chí hay mạng xã hội, vẫn thấy luồng ý kiến khá phổ biến cho rằng Petrolimex vẫn là doanh nghiệp độc quyền, được hưởng những đặc quyền, đặc lợi trong kinh doanh. Ông có nghĩ là nhận xét này đến nay còn đúng không?
-Từ trước đến nay, có rất nhiều người nhầm lẫn về khái niệm độc quyền trong cạnh tranh tại Việt Nam, cụ thể trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, họ cho rằng doanh nghiệp như Petrolimex chiếm thị phần lớn nhất cả nước thì đồng nghĩa với việc có sự độc quyền trong kinh doanh.
Thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu thay thế cho Nghị định 84 đã tạo điều kiện cho bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng tham gia thị trường xăng dầu và người tiêu dùng cũng dễ giám sát, đánh gía hoạt động của các doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Thanh: "Chúng tôi sẽ có nhiều xây xăng theo mô hình hiện đại, tiện ích như nhiều nước trên thế giới"
Còn chuyện tăng, giảm giá xăng dầu thì Petrolimex cũng như các doanh nghiệp đầu mối khác đều chỉ được phép tăng, giảm trong biên độ do Nghị định 83 quy định, trên mức đó là do Bộ Công Thương quyết định. Ngay cả khâu nhập khẩu thì hiện nay có tới 29 doanh nghiệp được nhập xăng dầu và bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng được điều kiện kinh doanh do Bộ Công Thương đưa ra đều có thể tham gia nhập khẩu xăng dầu cũng như phân phối xăng dầu trong nước.
Để có thể xóa bỏ cách nhìn nhận chưa sát thực này, chúng tôi sẽ phải tăng cường đối thoại, quảng bá chủ trương, chính sách Nhà nước đã có, cụ thể có thể thông qua các cơ quan thông tấn báo chí để giúp người dân có một cái nhìn toàn diện hơn về thị trường xăng dầu cũng như việc cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp trên thị trường.
Hiện nay tuy đã có nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu nhưng những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất vẫn là các DNNN đã cổ phần như Petrolimex, PV Oil...Người dân dường như muốn thị trường được tự do hơn để có nhiều DN tham gia kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, thậm chí có thể chấp nhận cả nhà đầu tư nước ngoài. Petrolimex có sẵn sàng khi thị trường xăng dầu được mở cửa như vậy?
-Chúng tôi cũng mong muốn có những công ty mới làm ăn bài bản, chuyên nghiệp tham gia thị trường và Petrolimex sẵn sàng để cạnh tranh một cách lành mạnh. Vừa rồi chúng ta thấy Công ty Idemitsi Q8- một doanh nghiệp 100% vốn FDI của Nhật mới mở 3 cây xăng thôi nhưng ngay từ cây xăng đầu tiên (Khu công nghiệp Thăng Long I-Hà Nội) họ đã tạo ra hiệu ứng, lan tỏa trong xã hội rất cao về cung cách, văn hóa phục vụ mới mẻ, chuyên nghiệp.
Nhưng chúng tôi cũng luôn tự tin rằng, Petrolimex cũng sẽ phải làm tốt, thậm chí tốt hơn như vậy. Chúng tôi cũng không ngừng nghiên cứu để cải thiện chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ ở mức cao nhất, tốt nhất, và cũng đang cố gắng sớm áp dụng các mô hình kinh doanh xăng dầu hiện đại, văn minh, tiện ích ở nhiều nước cho hệ thống của Petrolimex.
Hiện nay, ở nhiều nước, có nhiều cây xăng phục vụ tự động, bán tự động, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích và giá cả thay đổi hàng ngày nhưng cách phục vụ của họ vẫn rất chuyên nghiệp, bài bản. Petrolimex hiện có hơn 2.500 cửa hàng trực thuộc và gần 3.000 đại lý và tổng đại lý. Trong tương lai, Petrolimex cũng sẽ tiếp tục nâng cấp, đầu tư mới những cửa hàng khang trang, hiện đại hơn kết hợp với các cửa hàng dịch vụ tiện ích, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, để khách hàng có thể vào đó nạp nhiên liệu và , nghỉ ngơi, mua sắm, sử dụng các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Petrolimex đã và đang có nhiều thay đổi nhưng có lẽ những thay đổi đó hiện tại còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng. Với tiềm lực hiện có và quyết tâm đổi mới, phát triển của Petrolimex, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, cùng sự hỗ trợ từ kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ của đối tác chiến lược JXTG – Tập đoàn năng lượng số 1 của Nhật Bản - hệ thống cửa hàng xăng dầu của Petrolimex sẽ có những biến chuyển mạnh mẽ, phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng trong cả nước.
Xin trân trọng cám ơn ông vì buổi trao đổi này
Mạnh Quân (thực hiện)
Tag :tập đoàn Petrolimex, Chủ tịch Petrolimex, Ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Petrolimex
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét