Một trong những tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu, FTSE Russell đã chính thức đưa thị trường Việt Nam vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường Cận biên thành thị trường mới nổi hạng 2.
Cụ thể, báo cáo ra ngày 26/9 của FTSE Russell cho biết có ba thị trường mới được nhà cung cấp chỉ số này đưa vào danh sách xem xét nâng hạng, bao gồm Argentina, Tanzania và Việt Nam.
Đánh giá về hiện tượng trên, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HOSE) cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chí xếp hạng của FTSE Russell đối với thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market), bao gồm môi trường pháp lý, hạ tầng và chất lượng thị trường, hệ thống lưu ký và thanh toán bù trừ.
Qua quá trình rà soát và đánh giá với các quy tắc nghiêm ngặt, Hội đồng Phân hạng thị trường và Hội đồng tư vấn chính sách của FTSE Russell đã chính thức chấp thuận đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng của FTSE Russell.
Để được chính thức nâng hạng, thị trường Việt Nam sẽ cần tiếp tục duy trì và cải thiện tốt hơn các tiêu chí được đề ra và thời gian tối thiểu xem xét là 1 năm.
HOSE khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam được đưa vào danh sách xem xét của FTSE Russell là thành quả của quá trình phát triển không ngừng của nền kinh tế và thị trường vốn Việt Nam hướng tới những thông lệ quốc tế tốt nhất.
"Sự công nhận của tổ chức cung cấp chỉ số uy tín thế giới FTSE Russell sẽ góp phần thay đổi vị thế của thị trường tài chính quốc gia đối với công chúng nhà đầu tư; hứa hẹn sẽ đem tới nhiều tác động tích cực lên khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cải thiện thanh khoản của thị trường, chất lượng của doanh nghiệp niêm yết và là động lực để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý", HOSE nhận định.
Ông Lê Hải Trà, Phụ trách Hội đồng Quản trị HOSE, cho rằng, việc được FTSE ghi nhận là một thông tin tích cực đối với thị trường Việt Nam, dù rằng điều này không đồng nghĩa với việc "được nâng hạng chính thức" và chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.
Tuy nhiên, được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng không đồng nghĩa với việc được nâng hạng chính thức. Theo quy định của FTSE Russell, Việt Nam sẽ còn ở trong danh sách này ít nhất 12 tháng tới cho đến khi chính thức được nâng hạng.
"Điều đó có nghĩa là sẽ chưa có việc phân bổ dòng vốn một cách chính thức của các quỹ đầu tư hoạt động trên cơ sở chỉ số FTSE Emerging. Nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được quan tâm hơn, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường Việt Nam sẽ được đưa vào tầm ngắm và sẽ xuất hiện dòng vốn đón đầu trước khi được nâng hạng chính thức", ông Trà nói.
Ông Trà cũng nhấn mạnh việc thị trường chứng khoán được nâng hạng không đồng nghĩa với dòng vốn ngoại sẽ đổ vào tất cả các doanh nghiệp niêm yết, mà sẽ chỉ đối với một nhóm các công ty đủ điều kiện theo tiêu chí của tổ chức tính toán chỉ số.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng MB (MBS) cho rằng còn quá sớm để ước tính một con số chính xác hay một khoảng cụ thể về dòng vốn được thu hút vào thị trường Việt Nam sau khi được nâng hạng, bởi tỷ trọng của của quốc gia và số cổ phiếu được đưa vào danh mục sẽ phụ thuộc lớn vào giá trị vốn hóa thị trường và thanh khoản tại thời điểm Việt Nam được đưa vào rổ chỉ số.
Bên cạnh đó, quy mô dòng vốn chủ động chảy vào thị trường sẽ phụ thuộc lớn vào độ hấp dẫn của Việt Nam và các thị trường mới nổi tại thời điểm vào rổ.
Giả thiết tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số FTSE các thị trường mới nổi phụ thuộc vào giá trị vốn hóa rổ chỉ số FTSE Vietnam Index, MBS ước tính tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số FTSE Emerging markets Index sẽ vào khoảng 0,3%.
MBS ước tính giá trị dòng vốn thụ động chảy vào thị trường Việt Nam đạt trong khoảng từ 184 triệu USD đến 555 triệu USD. Quan trọng là sau đó các quỹ sẽ tiếp tục đổ thêm vốn vào Việt Nam nhân cơ hội này và tạo nên một triển vọng rất tích cực sau khi được vào danh sách theo dõi.
Về việc thu hút vốn khi được nâng hạng, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định khi Việt Nam lọt vào danh mục thị trường mới nổi, nếu với tỷ trọng bình quân 1% thì riêng các quỹ ETF sẽ phân bổ lại tỷ trọng mua vào ở thị trường Việt Nam khoảng 1,6 tỷ USD.
Theo giả định này thì khi Việt Nam vào danh mục thị trường mới nổi sơ cấp của FTSE thì các ETFs sẽ mua vào 677 triệu USD. Điều này đồng nghĩa thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được một lượng tiền nóng từ các quỹ ETF trong khoảng thời gian trước và sau khi được chính thức xếp hạng.
Nguồn: vneconomy.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét