“Không phải ai cũng thua”
Hiện nay, Trung Quốc đang phải đối mặt với chiến tranh thương mại với cả Mỹ và EU. Mỹ và EU đều là 2 nhà nhập khẩu lớn của Trung Quốc. Cơ quan phân tích kinh tế Mỹ hồi đầu năm nay cho biết thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc tăng lên 375 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2016. Trong khi đó, chênh lệch thương mại với EU của Trung Quốc cũng lên tới 178 tỷ USD.
Do vậy Trung Quốc buộc phải dịch chuyển đầu tư từ trong nước ra nước ngoài trong đó có Việt Nam để giảm thặng dư thương mại. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi trong quan hệ thương mại, Việt Nam hiện đang là nước nhập khẩu lớn từ Trung Quốc trong khi Mỹ và EU là 2 đối tác nhập khẩu chủ chốt của Việt Nam.
Số liệu thống kê cho thấy, qua gần 6 năm, thặng dư thương mại của Trung Quốc sang Việt Nam khoảng 150 tỷ USD, bình quân khoảng 25 tỷ USD/năm. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với thặng dư thương mại khoảng 32,24 tỷ USD. EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Việt Nam có thặng dư thương mại với EU khoảng 31,8 tỷ USD.
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung không đạt được thỏa thuận. (Nguồn: Daily Express)
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh, có khả năng đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam sẽ gia tăng để thông qua đó giảm thiệt hại của cuộc chiến tranh thương mại và có thể tiếp tục trong thời gian tới. Mặt khác, nâng thuế cao sẽ tạo ra lỗ hổng trong thị trường của Trung Quốc. Đó có thể là cơ hội cho các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam.
Trong một bài viết nhân WEF ASEAN 2018 diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 9 vừa qua, ông Peter Vanham, trưởng bộ phận truyền thông của Mỹ tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018 cho rằng, Việt Nam sẽ hưởng lợi thay vì chịu tổn thương bởi căng thẳng thương mại toàn cầu.
"Chính phủ Mỹ tăng thuế với hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến, nhiều doanh nghiệp đang chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam”, Peter Vanham viết.
Giám đốc Điều hành Ban thư ký APEC Alan Bollard cũng cho rằng, Việt Nam là nước có lợi thế so sánh so với Trung Quốc. Do đó, sau khi có căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc thì nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch sang nước thứ 3, trong đó có Việt Nam.
Cơ hội mới của Việt Nam
Theo báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, với cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc tất yếu sẽ bị ảnh hưởng khi các tập đoàn nước ngoài khó có thể đặt các nhà máy tại Trung Quốc để mở rộng sản xuất như trước đây.
Uỷ ban này cho rằng, Việt Nam với những lợi thế tương đồng với Trung Quốc, thì có thể lại hưởng lợi khi thu hút dòng vốn này.
Đáng lưu ý, chính các doanh nghiệp của Trung Quốc cũng có thể lựa chọn Việt Nam để đầu tư sản xuất nhằm tránh hàng rào thuế quan của Mỹ áp lên sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.
"Với vị trí địa lý gần Trung Quốc, cũng như đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do gần đây (bao gồm cả FTA với Mỹ và EU), mới nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên thái Bình Dương (CPTPP), thì Việt Nam càng trở nên thu hút dòng vốn đầu tư này”, báo cáo chỉ ra những lợi thế của Việt Nam.
Từ năm 2010 trở về trước, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam khá khiêm tốn khi hầu như không có mặt trong top 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi, kể từ năm 2011 trở lại đây, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể khi Trung Quốc thay đổi chính sách sang việc khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để thu lợi từ cổ tức, bù đắp cho những khó khăn ở trong nước.
Dù Việt Nam có nhiều lợi thế như đã ký FTA với Mỹ và EU, vị trí địa lý gần Trung Quốc hay các khu công nghiệp - kinh tế đã hình thành, năng lực của nhà đầu tư công nghiệp, phụ trợ được nâng cao nhưng dòng vốn Trung Quốc vào Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản.
Hiện nay, nhận thức từ các cấp chính quyền Việt Nam vẫn luôn cho rằng Trung Quốc là những nhà đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên, thực tế, Trung Quốc đã đổi mới nhiều, nhất là với các thị trường lớn thì Trung Quốc không thể làm ẩu được.
Giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên chủ động đón bắt làn sóng đầu tư từ Trung Quốc từ mọi lĩnh vực, ngành nghề.
Trong đó, Chính phủ nên khuyến khích các dự án đầu tư của Trung Quốc liên quan tới đầu tư phát triển khoa học, công nghệ hay đầu tư vào các lĩnh vực khởi nghiệp, sáng tạo, các ngành công nghiệp ưu tiên và các dự án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận với thị trường Trung Quốc.
Như TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từng nhận định cần phải: “Tăng cường thu hút đầu tư từ Trung Quốc bằng những dự án đầu tư công nghệ cao và những lĩnh vực tạo giá trị gia tăng lớn”.
An Nhi
Tag :chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cơ hội mới của Việt Nam
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét