Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Nhà đầu tư Trung Quốc làm bao nhiêu dự án nhiệt điện ở Việt Nam?

3 dự án nhiệt điện BOT có vốn Trung Quốc

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay có 19 dự án nhiệt điện BOT của các nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc...

Trong 19 dự án nhiệt điện BOT hiện nay, có 3 dự án có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc với cổ phần chiếm chi phối. Đó là dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Vũng Áng 2 và Vĩnh Tân 3.

 Hiện có 19 dự án nhiệt điện BOT.

Hiện có 19 dự án nhiệt điện BOT.

Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 - Bình Thuận do Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc chiếm 55% vốn, công ty điện lực quốc tế Trung Quốc (CPIH) 40% và 5% còn lại là Tổng công ty Điện lực (Vinacomin).

Dự án khởi công tháng 6/2015. Kế hoạch vận hành thương mại tổ máy số 1 vào ngày 16/12/2018 và tổ máy số 2 vào tháng 6/2019. Đến nay, tiến độ dự án vẫn đang đúng cam kết. Theo báo cáo của công ty này, Tổ máy số 1 dự kiến sẽ vận hành thương mại vào tháng 7/2018 (vượt tiến độ 5 tháng).

Dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 do One Energy Hồng Kong chiếm 48,45% vốn; còn lại là vốn của Lilama và Ree. Hiện chủ đầu tư đang xin chuyển đổi OneEnergy trở thành nhà đầu tư duy nhất của dự án.

Tháng 1/2017, Bộ Công Thương và chủ đầu tư đã ký thỏa thuận đầu tư của dự án. Tuy nhiên, thỏa thuận đầu tư chưa có hiệu lực do chưa giải quyết xong nội dung liên quan đến Công thức thanh toán chấm dứt sớm. Hiện hợp đồng mua bán điện đã được EVN và chủ đầu tư ký tắt.

Ngày 23/4/2018, chủ đầu tư đã có văn bản kèm các tài liệu liên quan gửi Bộ Công Thương đề nghị chấp thuận cho OneEnergy trở thành nhà đầu tư duy nhất của dự án. Sau khi xem xét, ngày 25/5/2018, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có công văn gửi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan làm cơ sở báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Dự án dự kiến vận hành thương mại Tổ máy số 1 vào quý IV năm 2023, vận hành thương mại tổ máy số 2 vào quý II năm 2024.

Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 - Bình Thuận do Công ty OneEnergy chiếm 55% vốn, EVN 29% và Tập đoàn Thái Bình Dương 16%. Tổng công suất dự án là 1.980 MW. Dự án dự kiến vận hành thương mại vào quý III năm 2023 và tổ máy số 2 vào quý I năm 2024 và tổ máy số 3 vào quý II năm 2024.

Một dự án khác có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc nhưng không chiếm cổ phần chi phối là nhiệt điện Mông Dương 2. Dự án do liên danh nhà đầu tư Mỹ - Hàn - Trung làm chủ đầu tư, trong đó nhà đầu tư Mỹ chiếm cổ phần chi phối. Nhà đầu tư Trung Quốc là công ty CIC chỉ chiếm 19%. Tổ máy số 1 của dự án đã vận hành vào tháng 3/2015. Tổ máy số 2 và toàn bộ nhà máy vận hành thương mại vào tháng 4/2015.

  Phát triển các dự án nhiệt điện đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Tuấn Kiệt

Phát triển các dự án nhiệt điện đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Tuấn Kiệt

Nhiều dự án đề xuất nhà đầu tư Trung Quốc

Mới đây, như VietNamNet đưa tin, Bộ Công Thương đã có văn bản xin ý kiến các bộ ngành về việc chuyển giao chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện Long Phú III từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sang cho nhà đầu tư Trung Quốc.

Theo Bộ Công Thương, nếu được Thủ tướng đồng ý về chủ trương chuyển giao dự án Long Phú III của PVN sang cho đối tác khác, đã có một nhà đầu tư và một liên danh nhà đầu tư bày tỏ nguyện vọng được đầu tư vào dự án này. Đó là Công ty TNHH lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG).

Bộ Công Thương cho hay, đây là 1 trong 2 công ty lưới điện nhà nước tại Trung Quốc, cung cấp điện cho 5 tỉnh phía Nam của Trung Quốc. Đây cũng là công ty có hợp tác điện lực với Việt Nam, tính đến tháng 9/2017 đã cung cấp tổng sản lượng khoảng 33,4 tỷ kWh điện cho Việt Nam .

Một liên danh nhà đầu tư khác cũng có DN Trung Quốc nhắm tới dự án này là liên danh Công ty Năng lượng Quốc tế Triết Giang và Công ty đầu tư và tư vấn điện lực Hồng Kong - Trung Quốc, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1, Công ty cổ phần Win Energy.

Mới đây, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 cho liên danh Tập đoàn Geleximco - Công ty TNHH Hong Kong United (HUI) thay cho Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam (TKV). Đây chỉ là một trong số nhiều dự án nhiệt điện mà liên danh nhà đầu tư này nhắm đến.

Không góp mặt với tư cách chủ đầu tư, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã trúng thầu các dự án nhiệt điện ở Việt Nam. Đơn cử như nhà thầu KAIDI. Gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2004, KAIDI đã lần lượt trúng thầu các dự án như: Dự án Nhà máy điện Thăng Long 2x300MW, Nhà máy điện Hải Dương 2x600MW và dự án Nhà máy nhiệt điện bảo vệ môi trường Cẩm Phả 3, dự án Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê.

Tình hình 19 dự án nhiệt điện BOT:

3 dự án đã vào vận hành là Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 và Mông Dương 2

2 dự án đã khởi công xây dựng là Vĩnh Tân 1 và Hải Dương

1 dự án đã thu xếp xong tài chính và chuẩn bị khởi công xây dựng là Duyên Hải 2

1 dự án đã ký chính thức hợp đồng BOT và đang triển khai thu xếp tài chính Nghi Sơn 2

2 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đang hoàn thiện bộ Hợp đồng BOT là Nam Định 1 và Vân Phong 1.

1 dự án đã ký thỏa thuận đầu tư và đang tiếp tục hoàn thiện bộ Hợp đồng BOT để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là Vũng Áng 2

2 dự án chuẩn bị kết thúc đàm phán là Vĩnh Tân 3 và Sông Hậu 2

6 dự án đang triển khai giai đoạn đầu là Long Phú 2, Quảng Trị, Vũng Áng 3, Dung Quất 2, Sơn Mỹ 1 và Quỳnh Lập 2

Theo: Lương Bằng

Vietnamnet

Tag :nhà đầu tư Trung Quốc, Dự án nhiệt điện, Nhiệt điện Vĩnh Tân, nhiệt điện vĩnh tân 1


Nguồn: dantri.com.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates