Xăng dầu sẽ chưa tăng thuế như đề xuất của Chính phủ.
Chưa quyết tăng
Tại phiên họp thứ 25 ngày 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của UBTVQH về biểu thuế bảo vệ môi trường.
Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng đối với xăng, dầu có ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4% và để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Do đó, cơ quan này kiến nghị cần cân nhắc việc tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng.
Theo kế hoạch trước đó, dự kiến việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong ngày hôm nay 12/7. Tuy nhiên, với quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, xăng dầu sẽ chưa tăng thuế như đề xuất của Chính phủ.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho hay, để bảo đảm tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường và làm căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết, Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn một số nội dung như: tác động đến nền kinh tế, doanh nghiệp, đời sống người dân, công tác tuyên truyền, phản ứng của dư luận xã hội, việc sử dụng nguồn tăng thu...
Về tăng thuế với xăng, có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, trong điều kiện hiện nay, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4% và để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, đề nghị cân nhắc việc này.
Trước đó, tại tờ trình dự án nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ đề nghị xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít; Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít; Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg, tăng 1.100 đồng/kg; Dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.700 đồng/lít.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với những mặt hàng như: than antraxit, than nâu, than mỡ, than đá khác; dung dịch HCFC; túi ni lông...
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, với phương án điều chỉnh nêu trên sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2018 là khoảng 0,11-0,15%. Tuy nhiên, việc tăng thuế sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường. Đồng thời, sẽ góp phần tăng thu ngân sách khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm, từ đó sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.
Từng vấp phải phản ứng từ dư luận
Đề xuất của Chính phủ trước đó đã vấp phải phản ứng từ phía một số bộ ngành, giới chuyên gia và dư luận.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 ngày 9/7, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cũng cho biết, xăng dầu là đầu vào của các mặt hàng khác trong sản xuất kinh doanh và cả tiêu dùng nên cần xem xét về việc tăng thuế loại mặt hàng này.
"Bộ Công Thương sẽ đề nghị Chính phủ trước hết không đưa việc tăng thuế 1.000 đồng này vào giá xăng dầu. Còn nếu có, phải có lộ trình hết sức cụ thể chứ không thể tăng ngay một lúc 1.000 đồng, như thế sẽ có tác động rất lớn", Thứ trưởng cho biết.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng cho rằng, đề xuất tăng thuế với mặt hàng xăng dầu cần được xem xét, tính toán cẩn trọng do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh thuế cũng cần được cân nhắc trong bối cảnh Nhà nước đang khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học (E5, E10) thay thế các loại xăng không chì, đồng thời đảm bảo giá xăng dầu trong nước không biến động lớn gây ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng.
Mới đây, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê cho rằng, nếu tới đây, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tăng kịch trần như đề xuất của Chính phủ sẽ tạo thêm sức ép lên mặt bằng giá cả, CPI sẽ bị tác động tăng thêm 0,27%-0,29%.
"Cùng với các yếu tố khó lường khác, tăng giá xăng tạo áp lực rất lớn với lạm phát. Chính phủ và các bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI", bà Ngọc lưu ý.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng buộc phải điều chỉnh giá xăng trong nước, để hạn chế áp lực tăng giá xăng dầu, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kiến nghị chưa áp thuế môi trường kịch trần đối với xăng dầu.
Dưới góc độ chuyên gia, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, ngay cả khi thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chưa tăng kịch trần mà chỉ tăng một phần thì vẫn có tác động đến tăng giá xăng, kéo theo tăng giá cước vận tải và hàng loạt mặt hàng tiêu dùng khác.
"Tôi muốn lưu ý yếu tố giá trên thị trường đã biến động tăng nhiều tháng qua. Kìm giữ CPI trong nửa đầu năm đã khó thì nửa cuối năm còn khó hơn", ông nói.
Phương Dung
Tag :xăng dầu, thuế môi trường, giá xăng dầu, CPI, thuế bảo vệ môi trường
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét