Giá đất đang được "thổi" lên
Hòa Lạc được cho là một trong những điểm nóng về bất động sản ở Hà Nội, nơi nhiều khu công nghiệp và các dự án trọng điểm quốc giá như Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội... Cách đây vài năm, khu vực này vô cùng nhộn nhịp với hàng loạt các trung tâm môi giới nhà đất và cả chục “cò đất”.
Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã chính thức thông qua “siêu đô thị” vệ tinh Hòa Lạc, với quy mô nghiên cứu quy hoạch khoảng 17.274 ha và quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 600.000 người. Theo đó, đô thị Hòa Lạc là đô thị vệ tinh lớn nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, có vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển của Thủ đô.
Đất Thạch Thất đang tăng nóng
Ngay khi thông tin quy hoạch được công bố, giới đầu cơ đã săn lùng mua đất chờ thời. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, diện đất tái định cư được nhiều người quan tâm nhất.
Tại thời điểm chưa làm thủ tục bốc thăm chọn thửa, giá đất chỉ giao dịch ở mức 2,5-3 triệu/m2 do lo ngại rủi ro. Tuy nhiên, sau khi đã có số thửa, chuyển nhượng được công nhận hợp pháp, giá đất tái định cư đã tăng lên 4-5 lần. Tại các xã Phú Cát, Thạch Hoà (Thạch Thất), khoảng 1 tháng nay, giá đất cũng được “thổi” lên từ 10-14 triệu đồng/m2.
Anh Hải, một nhân viên môi giới tư vấn, cho hay, một lô đất đẹp trên 100m2 đang có giá khoảng 20-23 triệu đồng/m2. Theo anh Hải, chỉ một thời gian ngắn nữa, giá đất có thể lên tới 30 triệu đồng/m2 nếu không mua sẽ thấy hối tiếc.
Ngoài đất tái định cư, tại Hòa Lạc diện đất thổ cư và đất kinh tế (đất chè) cũng được nhà đầu tư rất quan tâm. Đây là phân khúc dành cho những đối tượng đầu tư với khoản tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, tùy vào vị trí mà được định giá từ 2-2,5 triệu/m2. Nhiều lô đất bao gồm cả thổ cư và đất vườn với diện tích hàng nghìn m2. Giới đại gia săn lùng phân khúc này để làm trang trại, biệt thự nghỉ dưỡng.
Nhiều khu vực giá đất tăng 4-5 lần
Đối với đất chè, về mặt hành chính đây thuộc diện đất nông trường quản lý, việc mua bán phải có chứng nhận của nông trường, việc mua bán về thủ tục có phần phức tạp hơn so với đất thổ cư lâu năm.
Theo nhiều cò đất ở xã Phú Cát - Quốc Oai - Hà Nội thì đất chè giá rẻ hơn một nửa so với đất thổ cư lâu năm. Người muốn sở hữu thường lăn tăn về thủ tục chuyển nhượng do nông trường chứng nhận. Tuy nhiên, theo các cò đất thì người mua yên tâm, sau khi mua có thể xây được nhà kiên cố. “Ở đây rất nhiều người về mua đất chè, rồi bỏ vài tỷ đồng xây biệt thự nhà vườn”, một cò đất giấu tên, chia sẻ.
Cảnh báo rủi ro
Thực tế, có nhiều dự án trong và ngoài nước kỳ vọng vào đô thị Hòa Lạc nhưng còn khó khăn trong khâu GPMB. Lần này, với sự thông qua của HĐND TP, sẽ có cơ chế GPMB thích hợp. Đây còn là sức hút lớn với các DN nước ngoài đầu tư vào Hòa Lạc.
Đầu năm 2000, giá đất tăng lên 10-12 triệu đồng/mét mặt đường. Sau đó, đầu năm 2001, giá lên 20-25 triệu đồng/mét mặt đường. Đỉnh điểm của đợt sốt giá là vào năm 2002 khi dự án Láng - Hòa Lạc có thông tin sẽ khởi công, giá lên tới 55 triệu đồng/m mặt đường. Năm 2008, nhiều nhà đầu tư dính vào vụ mua đất nằm trong quy hoạch mở đường.
Nhà đầu tư cần quan tâm tới pháp lý
Lý giải về việc giá đất tăng cao, ông Nguyễn Quang Quỳnh, giám đốc một sàn giao dịch ở Mỹ Đình, cho rằng, việc các dự án khu vực Khu công nghệ cao Hòa Lạc phải đẩy nhanh tiến độ có thể cũng là nguyên nhân kích giá đất khu vực xung quanh nóng lên. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng ở một số vị trí hiện nay ở Hà Nội có tình trạng “ sốt đất ” giả tạo do giới đầu cơ cố tình “thổi giá” và những ai mua sau cùng sẽ là người phải chịu hậu quả,...
“Giờ khách hàng và nhà đầu tư đều tỏ ra thận trọng. Họ dò hỏi rất kỹ về quy hoạch, thủ tục pháp lý, giấy tờ của lô đất... ”, ông Quỳnh chia sẻ.
Ông Quỳnh lấy dẫn chứng, tại xã Thạch Hòa, Dự án đô thị thông minh Phú Cát City được chào bán đất liền kề đã khá lâu, tuy nhiên lượng người mua không đáng kể do dự án gần như nằm im nhiều năm nay, duy nhất chỉ hạ tầng cây xanh được xây dựng khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, chưa một căn biệt thự nào được khởi công, nên nhà đầu tư có phần e ngại.
Theo Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, TP. Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000, vừa được HĐND TP. Hà Nội thông qua, phạm vi đô thị Hòa Lạc thuộc địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và Thị xã Sơn Tây. Phía Bắc giáp trục Hồ Tây - Ba Vì (theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô). Phía Đông giáp đê hữu sông Tích. Phía Tây và Nam giáp ranh giới tỉnh Hòa Bình.
Đô thị Hòa Lạc được phân thành 2 vùng đặc trưng, vùng phát triển đô thị và vùng vành đai xanh. Trong đó vùng phát triển đô thị bao gồm khu công nghệ cao Hòa Lạc (1.600ha), khu Đại học Quốc gia Hà Nội (1.000ha) và khu đô thị mới Đông Xuân - Tiến Xuân (1.250ha).
Theo Duy Anh - Tuấn Linh
VietnamNet
Tag :giới đầu cơ, đầu cơ bất động sản
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét