Giá mía tiếp tục giảm sâu, tiêu thụ chậm…nông dân điêu đứng
Niên vụ 2017 - 2018, Phú Yên có gần 26.000ha mía, tập trung tại 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân. Hiện nay đã gần cuối vụ ép nhưng tốc độ thu mua mía cho nông dân rất chậm. Hầu hết diện tích mía đều đã vượt thời kỳ thu hoạch từ 1 đến 2 tháng. Với giá mía thấp (770.000 đồng/tấn với chữ đường 10CCS); giá nhân công lại cao cộng thêm chi phí khác nên nông dân đều rơi vào cảnh thua lỗ.
Mía thu hoạch xong nhưng vẫn phải “nằm phơi” chờ nhà máy
Khó khăn của người trồng mía
Ông Đinh Văn Hoạt ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) trồng 5ha mía nhưng hiện nhà máy mới thu mua được 1ha, số mía còn lại đứng đám đang khô lá.
“Nguyên nhân là do giá đường xuống thấp nên nhà máy chỉ ép cầm chừng, còn nông dân chúng tôi thì như ngồi trên đống lửa, vì để mía khô lá thì trữ đường giảm rồi còn phải tốn thêm hàng chục triệu tiền nước tưới nữa…” ông Hoạt giải bày.
Giá mía thấp, nhưng giá nhân công vận chuyển cao, nên hầu như người trồng mía Phú Yên đều thua lỗ
Còn theo ông Nguyễn Minh Lộc, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa cho biết: Thực tế giá mía hiện nay, nếu nông dân chính thức ký hợp đồng bao tiêu với nhà máy mới được 770.000 đồng/tấn, còn không ký kết chỉ được 720.000 đồng/tấn. Đây là giá mà mía phải đạt 10CCS, còn xuống 1CCS thì trừ đi 10%, bên cạnh đó thì 10 tấn mía nông dân cũng bị nhà máy trừ mất gần 1 tấn gọi là tạp chất. Nói chung trừ các khoản thì giá mía hiện nay chỉ tầm 650.000 đồng/tấn, với giá mía này thì đến 90% nông dân trồng mía là thua lỗ.
Với giá mía hiện tại thì 90% nông dân trồng mía đều thua lỗ
Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Niên vụ mía này nông dân hết sức khó khăn. Nhà máy vào vụ ép trễ hơn 1 tháng, nên có ruộng mía đúng ra thu hoạch trong tháng 2 nhưng đến nay vẫn còn đứng đám. Đến nay tiến độ thu mua nhà máy đạt 65% số diện tích mía toàn huyện.
Theo nhận định thì trong tình hình hiện nay đã hội nhập thì giá mía cũng sẽ ngang với thế giới. UBND huyện đã chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn tìm cách giảm diện tích mía, nhất là diện tích năng suất kém để chuyển sang cây trồng khác…” ông Phụng nói.
Thay đổi tập tục canh tác
Trước khó khăn của ngành mía đường, muốn vượt qua khó khăn thì người nông dân cần phải tự cứu chính mình với sự giúp sức của chính quyền tỉnh nhà. Trong đó chú trọng đến việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn và cơ giới hóa đồng ruộng.
Hầu hết các diện tích mía quá hạn thu hoạch ở Phú Yên đều rơi vào tính trạng khô lá, mất chữ đường
Ông Đoàn Khắc Miên, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa là một trong những người nông dân có tâm huyết với cây mía. Ông luôn ao ước có những cánh đồng lớn để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Ông Miên chia sẻ: Hiện nay đang vấp nhất là khâu thu hoạch, riêng khâu này đã chiếm hơn 40% giá thành của cây mía, còn lại 60% là công cán chăm sóc, phân bón, tưới tiêu…trong vòng 10 tháng thì thua lỗ là đúng.
Gia đình tôi có 10 ha mía, đã áp dụng triệt để mọi máy móc có thể, hệ thống tưới cũng hiện đại nhất ở đây thì mới có năng suất đạt hơn 100 tấn/ha nhưng mùa này cũng ngang vốn thì người dân trồng không đầu tư làm gì có lãi. Mong muốn của tôi là nhà nước cùng người dân đồng thuận xây dựng cho được cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa sản xuất thì may ra mới đọ với họ được. Chứ trồng kiểu này mà giá thấp thì càng làm càng thua lỗ…” ông Miên nói.
Tình trạng mía khai thác "nằm phơi" chờ nhà máy rất phổ biến ở huyện Sơn Hòa, Phú Yên
Với cơ sở hồ chứa nước Suối Vực với dung tích 10,5 triệu m3 nước, UBND tỉnh Phú Yên đã làm việc với nhà máy đường KCP cũng như các đơn vị tư vấn để thiết kế lại đồng ruộng, tuyến mương tại huyện Sơn Hòa. Dự kiến tại 2 xã là Sơn Nguyên và Suối Bạc sẽ hình thành một cánh đồng mía lớn với diện tích khoảng 1.000 ha.
Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Đến nay kế hoạch này đã thống nhất và đề nghị nhà máy đường KCP hỗ trợ ngân sách cùng với địa phương để thực hiện. Huyện và các xã Sơn Nguyên, Suối Bạc họp dân để thực hiện một cánh đồng lớn không còn manh mún. Thâm canh cây mía là để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu. Với xu thế hiện nay thì phải có cánh đồng mẫu lớn để áp dụng cơ giới hóa và xây dựng chuỗi giá trị cho cây mía.
Với 10 tấn mía, thì nhà máy trừ hết gần 1 tấn là tạp chất
Khi chính quyền đã có chủ trương, nông dân đồng thuận thì nhà máy cũng sẵn sàng đóng góp kinh phí để thực hiện việc trồng mía có tưới trên cánh đồng lớn.
Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam khẳng định: Khi có sự đồng thuận của người dân, KCP sẽ tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Phú Yên và huyện Sơn Hòa để thực hiện cam kết của mình trước đây là trồng mía trong điều kiện có tưới ở hồ Suối Vực.
Trung Thi
Tag :nông dân trồng mía, thu mua mía, giá mía thấp, cánh đồng lớn, nông dân điêu đứng
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét