Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Vũ "nhôm" ôm tiền bỏ trốn; Thầy cúng Vinh Hiển "xù", bỏ cọc Sabeco

Vũ "Nhôm" còn hàng trăm tỷ tại DongA Bank

Theo xác nhận của DongA Bank, hiện Công ty Xây Dựng Bắc Nam 79 đang sở hữu 50 triệu cổ phần, tương ứng 10% vốn điều lệ (giá trị theo mệnh giá là 500 tỷ đồng) của DongABank.

Trong đó, người đại diện phần góp vốn của Công ty Xây Dựng Bắc Nam 79 là ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm", người vừa bị cơ quan An ninh điều tra truy nã vì tội cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước.

 ​Ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ nhôm đã tẩu tán nhiều tài sản trước khi bỏ trốn.

​Ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm" đã tẩu tán nhiều tài sản trước khi bỏ trốn.

Ngoài ra, theo thông tin từ ngân hàng, cá nhân ông Phan Văn Anh Vũ cũng đang sở hữu 2,73% vốn điều lệ, tương đương gần 137 tỷ đồng (theo mệnh giá) vốn góp tại DongABank. Tổng số vốn mà Vũ "nhôm" và Công ty Bắc Nam 79 sở hữu tại DongABank là 637 tỷ đồng.

Mới đây, CTCP Đầu tư và Phát triển Chấn Phong (trước đây là CTCP Nova Bắc Nam 79), doanh nghiệp từng có cổ phần của Vũ “nhôm” cũng đã thực hiện thoái toàn bộ 25 triệu cổ phiếu tương đương 20,1% vốn điều lệ của Seaprodex.

Trịnh Xuân Thanh tham ô tiền tỷ để ...tiêu Tết

Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, bị can giữ vai trò chính trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản”, xảy ra tại PVC hiện chỉ còn chờ ngày ra tòa xét xử trước Tết nguyên đán.

Trịnh Xuân Thanh- Vũ Đức Thuận, 2 bị can giữ vai trò chính trong vụ án được khởi tố

Trịnh Xuân Thanh- Vũ Đức Thuận, 2 bị can giữ vai trò chính trong vụ án được khởi tố

Theo kết luận điều tra, trong quá trình làm Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh đã thống nhất với Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng giám đốc PVC cùng một số thành viên ban lãnh đạo PVC đã nhiều lần yêu cầu cấp dưới rút tiền quỹ để sử dụng.

Trong nội dung kết luận, qua 7 lần rút tiền từ Ban QLDA Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 với tổng số hơn 13 tỷ đồng, Trịnh Xuân Thanh đã chiếm hưởng 4 tỷ đồng; Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) chiếm 800 triệu đồng; Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVC) chiếm hơn 3,6 tỷ đồng; Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh văn phòng PVC) chiếm 400 triệu đồng. Số tiền 1,5 tỷ đồng còn lại Thanh, Thuận, Minh và Hiển chiếm hưởng sử dụng chung.

Thầy cúng Ngô Vinh Hiển "xù", bỏ tiền cọc mua cổ phiếu Sabeco

Sau thời hạn cuối cùng nộp tiền sau khi trúng đấu giá, Bộ Công Thương đã tiến hành chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong danh sách chuyển nhượng không bao gồm 20.000 cổ phiếu mà “thầy cúng” Ngô Vinh Hiển trúng đấu giá.

Tại buổi đấu giá, nhà đầu tư cá nhân là ông Ngô Vinh Hiển đã mua được 20.000 cổ phiếu Sabeco đã đăng ký với mức giá 320.500 đồng/cổ phiếu.

Theo quy định các nhà đầu tư phải đặt cọc và ông Ngô Vinh Hiển đã đặt cọc 641 triệu đồng (10% trên tổng mức giá cổ phần trúng giá 6,41 tỷ đồng). Thời hạn thanh toán số tiền còn lại chậm nhất đến ngày 28/12/2017.

Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhiều câu hỏi đặt ra liệu có phải nhà đầu tư cá nhân này đã chấp nhận bỏ cọc. Bởi tính đến thời điểm này, giá cổ phiếu SAB hiện tại chỉ còn đang dao động quanh mức giá 250.000 đồng/cổ phiếu, tức giảm 22% so với mức giá khởi điểm đấu giá Sabeco.

Mặc dù lượng mua không nhiều, nhưng ông Ngô Vinh Hiển đã làm xôn xao giới đầu tư. Bởi, nếu không có nhà đầu tư Ngô Vinh Hiển “hy sinh” chịu lỗ và đặt mua cổ phần thì cuộc chào giá cạnh tranh lần này đã không thành công. Vì theo quy chế đấu giá cạnh tranh, cuộc chào bán cạnh tranh chỉ đủ điều kiện tổ chức khi có ít nhất 2 nhà đầu tư tham gia. Ngoài ra, khối lượng đặt mua tối thiểu bằng đúng lượng ông Hiển đã mua 20.000 cổ phiếu.

Chia sẻ với báo chí, ông Hiển cho biết mình làm nghề thầy cúng. Ông cũng cho biết thêm, trước khi tham gia đấu giá, ông đã tự xem cho mình và thấy rằng cơ hội thành công rất cao. Ông Hiển kỳ vọng nếu “cô thương” thì cuối năm sẽ có một khoản.

Sếp cũ nộp chục tỷ do thao túng giá cổ phiếu

Mới đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt hành chính 600 triệu đồng đối với bà Đỗ Thị Cẩm Thuý (trú tại Hà Nội) do hành vi thao túng cổ phiếu SPI của Công ty CP Đá Spilít. Đồng thời yêu cầu bà này phải nộp lại hơn 9,28 tỷ đồng số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm.

Tổng số tiền mà bà Đỗ Thị Cẩm Thuỷ phải nộp lên tới 9,88 tỷ đồng, đây là con số kỷ lục trên thị trường chứng khoán về xử phạt hành chính. Tuy vậy, kết quả xác minh của cơ quan công an cho thấy, vẫn chưa đủ căn cứ để khởi tố bà Đỗ Thị Cẩm Thuý về tội thao túng chứng khoán theo điều 181c Bộ Luật Hình sự.

Trước diễn biến bất lợi của cổ phiếu, ban lãnh đạo SPI đã kịp thời soạn thảo văn bản công bố thông tin tới cổ đông. Theo đó, SPI khẳng định, bà Đỗ Thị Cẩm Thúy, từng giữ chức danh là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần SPI. Tuy nhiên, bà này đã từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT công ty kể từ ngày 9/2/2015. “Các hoạt động kinh doanh của công ty không còn liên quan tới bà Thúy tính tới thời điểm này”, SPI cho hay.

Dính "dớp" Khaisilk, đại gia mất ngàn tỷ

Cổ phiếu HBC của Công ty Tập đoàn Xây dựng hòa Bình của ông Lê Viết Hải đã giảm thêm 6% trong phiên 27/12 xuống 44.000 đồng/cp - mức thấp nhất trong 6 tháng qua.

Trước đó, cổ phiếu HBC đã rớt một mạch từ đỉnh cao 65 ngàn đồng hồi giữa tháng 10 sau khi dính tin đồn bị Khaisilk xù nợ ngàn tỷ. Cú sốc này đã khiến vốn hóa của gần 130 triệu cổ phiếu HBC bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng.

Chính bản thân ông Lê Viết Hải cũng đã đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu HBC (tương đương khoảng 100 tỷ đồng) trong khoảng thời gian từ 1/12-29/12/2017 để “đỡ giá”. Tuy nhiên, kết quả của đợt mua này chưa được công bố tới các nhà đầu tư. Vụ mua bán thành công sẽ giúp ông Hải tăng sở hữu lên hơn 21,4 triệu đơn vị, tương đương 16,5% vốn HBC.

Tổng giám đốc đề xuất mua tàu cũ Trung Quốc về lại vị trí cũ

Ngày 29/12, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, Hội đồng quản trị đơn vị vừa có quyết định bổ nhiệm có thời hạn đối với ông Nguyễn Viết Hiệp làm tổng giám đốc công ty kể từ ngày 1/1/2018.

Ông Nguyễn Viết Hiệp nguyên là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội. Tháng 2/2016, sau vụ mua 160 toa xe cũ của Cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc), ông Đinh La Thăng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cách chức ông Hiệp. Sau đó, ông Hiệp được cho thôi chức và được điều động về làm trưởng ban kế hoạch và kinh doanh của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Tỷ phú Việt năm thứ 7 vững ngôi đầu

Người dẫn đầu danh sách năm nay vẫn là Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng khi đang sở hữu gần 120.000 tỷ đồng, bỏ xa người đứng vị trí thứ 2 và chiếm gần 1/3 tổng tài sản của Top 100. Đây là năm thứ 7 liên tiếp ông Phạm Nhật Vượng giữ vững vị trí đứng đầu trên bảng xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng bao gồm 27,4% cổ phiếu tại VIC sở hữu trực tiếp và lượng sở hữu gián tiếp qua Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Nam do ông Vượng nắm quyền kiểm soát. Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam được thành lập từ tháng 11/2007, hiện đang sở hữu hơn 880 triệu cổ phiếu VIC và ông Phạm Nhật Vượng hiện đang sở hữu 92,88% vốn điều lệ công ty này.

Còn theo xếp hạng của tạp chí Forbes (Mỹ), tính đến hết ngày 29/12/2017, ông Vượng đang đứng ở vị trí người giàu thứ 501 trên thế giới với tổng tài sản trị giá 4,3 tỷ USD

Thế Hưng (tổng hợp)

Tag :Trịnh Xuân Thanh, Sabeco, thao túng giá cổ phiếu, Vũ nhôm, Khaisilk, tỷ phú USD


Nguồn: dantri.com.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates