Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Bán Sabeco, Vinamilk… không có gì hối tiếc!

GDP ngoạn mục nhưng sản xuất nội địa vẫn còn… yếu

Kinh tế Việt Nam 2017 không phải chỉ tăng trưởng 6,7% như mục tiêu đề ra, mà ước đạt mức 6,81%. Cùng với bước tăng trưởng ngoạn mục này, nhiều kỷ lục khác cũng đã được thiết lập, đưa nền kinh tế đạt được kỳ tích trong năm 2017. Ông nhận định như thế nào về những kết quả này?

Với những khó khăn hiện hữu của nền kinh tế như nợ công cao, nợ xấu chưa được xử lý thực chất, cổ phần hóa doanh nghiệp nước ngoài (DNNN) còn ì ạch, đầu tư công chậm chạp và dàn trải…, hồi đầu năm rất nhiều chuyên gia và các tổ chức nước ngoài đã nhận định mục tiêu 6,7% cho năm 2017 là rất khó. Tuy nhiên với những kết quả đạt được trong năm 2017 và GDP đã vượt qua 6,7% cho thấy nền kinh tế đã có những thay đổi tích cực.

Tôi cho rằng, cái được, điểm sáng của năm 2017 đó là thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, cũng như việc đẩy mạnh xuất khẩu được những thế mạnh của Việt Nam như nông sản, xuất khẩu rau quả lập kỷ lục, vượt qua cả dầu thô. Bên cạnh đó là sự phục hồi rất mạnh của ngành bất động sản, xây dựng…

Tuy nhiên, một trong những quan tâm hàng đầu của chúng ta là sản xuất nội địa thì chưa đúng kỳ vọng, như khu vực doanh nghiệp nhỏ vừa, những ngành quan trọng có giá trị gia tăng lớn vẫn còn nhiều khó khăn.

 Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển.

Nỗ lực của Chính phủ kiến tạo, với những cải cách mạnh mẽ về gở bỏ nhiều quy định, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng đã được thực hiện; tuy nhiên vẫn còn chậm đi vào cuộc sống; các doanh nghiệp SME tăng mạnh về số lượng, nhưng hiệu quả kinh doanh chưa cao và chúng ta vẫn dựa vào doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp lớn trong nước.

Rất tiếc, những doanh nghiệp lớn đó vẫn chưa thực sự có sức cạnh tranh tranh quốc tế. Cụ thể với 88 thương hiệu quốc gia được công bố thì thấy thành tích của họ chủ yếu vẫn là phát triển trong nội địa, chưa vươn ra thế giới. Thậm chí một số doanh nghiệp, sự phát triển của họ còn gây mâu thuẫn trong tăng trưởng như ngành thép.

Chính phủ rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Vậy theo ông lý do vì sao doanh nghiệp còn chậm cạnh tranh phát triển, chưa được như kỳ vọng?

Mặc dù có cải thiện ở cấp Chính phủ trong việc hoạch định chính sách; song triển khai về địa phương thì vẫn có một số nơi môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng. Doanh nghiệp đang đối đầu với vấn nạn hàng gian hàng giả, và chi phí logistics, lãi suất ngân hàng ở Việt Nam quá cao; chưa kể, tiếp cận đất đai, vốn của họ đều gặp khó. Những doanh nghiệp lớn có nguồn lực lớn thì có thể vượt qua, nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đó là cả vấn đề.

Nếu phân tích kỹ sẽ thấy môi trường của chúng ta vẫn thuận lợi cho doanh nghiệp lớn phát triển chứ chưa thật sự ưu ái doanh nghiệp nhỏ như mong muốn của Chính phủ. Trong quá trình phát triển, không chỉ năng lực mà môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng là yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp có thể lớn được.

Cũng phải kể tới một nguyên nhân sâu xa khác đó là người làm ăn thực chất đối đầu với nhiều khó khăn, kể cả khoản thu thuế phí khá cao, trong khi đó, những người có tiền không làm ăn mà chọn mua bất động sản rồi đợi thời gian tăng giá để hưởng lợi lại ưu thế hơn do thuế phí thấp. Chúng ta không nói chuyện này sai hay đúng nhưng đó là minh chứng cấu trúc nền kinh tế có vấn đề, cần phải được giải quyết càng sớm càng tốt, sao cho người có năng lực sáng tạo, chấp nhận rủi ro kinh doanh phải có thu lợi cao hơn những người đầu tư thụ động như mua đất chờ tăng giá. Thuế, phí liên quan tới bất động sản ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với thế giới.

Điều này là những người có tích lũy tài sản hưởng lợi. Họ có 2-3 ngôi nhà cho thuê thôi là cuộc sống đủ dư dả. Ở Mỹ không có chuyện như vậy đâu, nếu anh có tích lũy bất động sản thì anh phải nộp thuế, để tiền dư ra cũng không nhiều. Vậy điều gì xảy ra khi người giàu, người có tiền dồn vốn lại mua đất như vậy? Điều này sẽ tạo nên sự mất cân đối. Ngành kinh doanh bất động sản phân lô bán nền mới phát triển còn các ngành sản xuất khác như sản xuất tiêu dùng thì èo uột … Câu chuyện này chúng ta phải giải quyết nếu muốn phát triển kinh tế nội địa mạnh và phải nhìn rộng hơn chứ không phải chỉ riêng năm 2017 hay 2018.

3 việc cần làm ngay, làm mạnh trong 2018

Năm 2018, kinh tế Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức gì? Theo ông, đâu là những việc quan trọng cần làm ngay, làm mạnh trong năm 2018?

Theo nhìn nhận của tôi, mặc dù cũng có nhiều thách thức nhưng năm 2018 sẽ có nhiều thuận lợi hơn 2017.

Năm 2018, cần tiếp tục làm mạnh việc cổ phần hóa DNNN. Bán doanh nghiệp để phục vụ doanh nghiệp. Biến những nguồn vốn thu về tiếp tục trở thành tài sản vững bền của nhà nước đó là hạ tầng sản xuất kinh doanh. Tài sản nhà nước, đó không phải là Vinamilk hay Sabeco… Nó là cảng hàng không quốc tế Long Thành, là các con đường huyết mạch nối các khu vực sản xuất kinh tế, là các cảng biển sân bay.

Đó mới là tài sản quốc gia cần phải đầu tư đúng mức, tạo hiệu quả chung cho nền kinh tế, từ doanh nghiệp cho đến người tiêu dùng. Khi làm hạ tầng tốt, chúng ta không cần thu tiền trực tiếp từ doanh nghiệp nhưng khi doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt, kinh doanh khấm khá lên thì nguồn thuế thu về là cực kỳ lớn. Bán DNNN lấy tiền phục vụ cơ sở hạ tầng đó là biến từ kinh doanh rủi ro thành tài sản bền vững.

Thứ hai, phải dùng cơ chế thị trường trong lãi suất ngân hàng. Ngân hàng nhất định phải chẻ nhỏ vốn cho các doanh nghiệp vay, không dồn vốn cho vay vào doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp lớn họ có khả năng tự huy động vốn bằng nhiều cách. Còn nếu cứ dồn vốn cho doanh nghiệp lớn thì doanh nghiệp vừa và nhỏ không còn vốn mà vay được..

Cái thứ ba theo tôi cần phải làm mạnh hơn trong 2018 là việc đánh hàng gian, hàng giả, hàng lậu... Phải giao nhiệm vụ, quy trách nhiệm cho chủ tịch tỉnh, nếu địa phương có hàng gian, hàng giả là phải có trách nhiệm. Cấp trên phát hiện cấp dưới phải chịu. Phải làm được như thế thị trường mới có được sản phẩm tốt và cạnh tranh.

Có 2 việc để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, hiện nay nhà nước mới đang chú trọng đẩy mạnh một việc đó là rà soát văn bản pháp quy, giảm điều kiện thủ tục. Còn vế thứ 2 là quán triệt không để hàng giả hàng nhái, hàng lậu để những sản phẩm này không còn đất cạnh tranh với hàng trong nước thì nhiều địa phương vẫn chưa tập trung quyết liệt.

Phải làm được song song cả hai thì mới tạo được môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp làm tốt nhưng bị hàng nhái, hàng giả phá hoại thì sao tốt được… Tôi cho rằng 2018 làm được tốt 3 việc trên thì môi trường sẽ được khai thông rất nhiều.

Ông có đề cập tới việc cổ phần hoá, ông có nhận định như thế nào về thương vụ lịch sử Sabeco vừa qua. Trong việc bán vốn tại các doanh nghiệp lớn, thương hiệu như Vinamilk, Sabeco… người ta thường nhắc đến thương hiệu quả quốc gia. Việc một thương hiệu bia lớn hay một hãng sữa lớn trong nước bị công ty nước ngoài thâu tóm có phải là một vấn đề đáng lo lắng? Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

Việc bán vốn nhà nước, đối với một số doanh nghiệp không phải sản xuất hàng hóa mà thuộc về vị thế, vị trí, nắm về hạ tầng hoặc những ngành nghề mang tính độc quyền thì hết sức cẩn thận. Còn đối những công ty hàng tiêu dùng như Sabeco, Vinamilk… thì tôi cho rằng nên để thoải mái. Tất nhiên, một công ty Việt bị một nhà đầu tư nước ngoài mua cũng tạo ra tâm tư. Từ nay uống bia Sài Gòn sẽ không còn là dùng sản phẩm của ông chủ người Việt, mà của người Thái. Từ đó suy diễn tiếp sẽ lần lượt các công ty nhà nước khác, cộng thêm việc người Thái mua BigC, Metro...

Nhưng, những cảm xúc, thậm chí nhận định kinh tế đó sẽ làm sai lệch về sự phát triển quốc gia hiện đại, bao gồm kinh tế thị trường cạnh tranh, phát triển sáng tạo, năng lực quốc gia...

Thứ nhất, Vinamilk, Sabeco, Habeco… không phải các công ty đầu ngành, có giá trị cốt lõi, có năng lực liên kết và lan tỏa cho sức mạnh kinh tế trong nền kinh tế hiện đại Việt Nam cần phải có và phát triển. Đó chỉ là những công ty tiêu dùng, với bia, thậm chí nên hạn chế tiêu dùng. Với sữa, việc bán Vinamilk sẽ mở ra thời kỳ mới, nhà nước không còn ưu ái cho một ngành thiết yếu vốn cần sản phẩm rẻ, công ty ít lời càng tốt để người dân tiêu dùng nhiều hơn.

Không phủ nhận Sabeco làm tốt việc cạnh tranh, nhưng phải nói thêm, đó là cạnh tranh “độc quyền tương đối”. Nghĩa là Nhà nước đã dựng “hàng rào kỹ thuật và thuế tiêu thụ đặc biệt” để các hãng bia nước ngoài không thể vào Việt Nam bán bia giá rẻ và cạnh tranh trực tiếp với Sabeco. Lẽ ra, Việt Nam nên có nhiều công ty sản xuất loại rượu nhẹ kiểu Sake của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vì rượu sử dụng gạo là ưu thế Việt Nam, không phải nhập lúa mạch và hoa houblon (hoa bia) mất ngoại tệ như sản xuất bia. Việt Nam đã có các loại gạo nếp, nếu xử lý độ ngọt sẽ có những thức uống độ cồn nhẹ như Sake, đúng kiểu châu Á nhưng mang phong cách Việt. Nhưng chính sách của ta xem sản xuất rượu như kẻ thù, một mặt đè nén sản xuất rượu, đã tạo ra nạn rượu giả, rượu lậu, còn tiêu thụ bia thì “có số má” trên thế giới.

“Đưa tiễn” Sabeco không có gì hối tiếc, hãy cho thị trường tự do cạnh tranh giữa các loại bia, rượu, còn nhà nước thu thuế đầy đủ, thậm chí tăng thuế để hạn chế càng tốt. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hãng rượu tư nhân Việt sáng tạo ra các loại rượu từ trái cây, Sake cho đến “nếp cái hoa vàng” chính hiệu. Sản phẩm nào sản xuất từ gạo trong nước đều chào đón, sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn xuất khẩu càng tốt hơn. Như ở Australia, dù là trùm bia, nhưng vẫn có cô gái gốc Việt tạo ra bia trái cây và thành công vang dội, với giá trị triệu đô la Mỹ.

Về sữa, bên cạnh lợi nhuận khổng lồ của Vinamilk, các sản phẩm sữa cho trẻ em ở Việt Nam có giá quá cao. Giá sữa tươi châu Âu rẻ hơn Việt Nam 50 - 100%, thậm chí chất lượng còn tốt hơn nhiều. Hãy nhìn sang Ấn Độ, họ có chính sách sữa tươi giá rẻ cho trẻ em, để phát triển thế hệ tương lai. Do đó, việc Nhà nước thoái vốn khỏi Vinamilk có thể giúp thị trường sữa tươi cạnh tranh hơn, giá rẻ hơn, để trẻ Việt Nam cải thiện chiều cao, cân nặng…

Tôi rất ngạc nhiên có những chuyên gia tâm huyết lo lắng khi nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm các công ty tiêu dùng nội địa - những công ty lãi khủng từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thay vào đó, hãy lo lắng nếu bán một cảng biển, vì cảng biển là hạ tầng phục vụ chung cho nền kinh tế, rất cần nhà nước hỗ trợ (tiếc thay chúng ta đang làm ngược lại vì phí cảng quá cao); hãy lo lắng khi nhà đầu tư nước ngoài vào với công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường…

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Khánh (thực hiện)

Tag :Đinh Thế Hiển, kinh tế Việt Nam, Vinamilk, Sabeco


Nguồn: dantri.com.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates