Đó là nhận định của ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tại buổi Công bố kết quả Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần 2 và ra mắt Sách trắng được tổ chức vào chiều qua (28/12).
Ông Vương cho rằng sang năm 2018, DN tư nhân vẫn cần ở Chính phủ 2 chữ “hành động” là trên hết. (Ảnh: Hồng Vân)
Theo đó, khi được hỏi về việc các DN tư nhân cần gì ở Chính phủ trong năm 2018, ông Vương cho biết ông khó mà đại diện cho các DN tư nhân phát biểu được vì ông cũng chỉ là một trong những DN tư nhân và là ban tổ chức của VPSF.
“Nhưng theo tôi dự đoán, nếu tiếp tục thực hiện khảo sát thì sang năm 2018, DN tư nhân vẫn cần ở Chính phủ 2 chữ “hành động” là trên hết. Bởi khi Chính phủ là Chính phủ hành động thì những vấn đề khác như kiến tạo, liêm chính,... sẽ được thực hiện theo”, ông Vương nói.
Cụ thể, sau những chỉ đạo của Thủ tướng tại diễn đàn VPSF, các bộ, ngành địa phương đã có nhiều hoạt động triển khai để tháo gỡ khó khăn của khối DN tư nhân.
Theo đó, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký VPSF II cho hay, trước đề xuất của VPSF II về việc dành ưu tiên quyền tiếp cận cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân và đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước, thay đổi cách thức khai thác và cơ cấu nguồn vốn, Chính phủ đã có nhiều biện pháp và thành công cụ thể trong cổ phần hóa DNNN.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Trưởng nhóm Nông nghiệp VPSF cho biết, ngay sau diễn đàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương dự thảo sửa đổi và lấy ý kiến về sửa đổi hoặc ban hành mới Nghị định thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng tích cực và thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập cơ quan xúc tiến thương mại chuyên trách và Quốc hội đã sửa Luật về cơ quan đại diện, thông thoáng hơn với đại diện các bộ kinh tế ở nước ngoài.
Về lĩnh vực du lịch, Bộ Công an đã mở rộng diện du khách được cấp thị thực điện tử lên 46 nước, lãnh thổ thay cho 40 nước trước đây với mức hợp lý hơn.
Về kinh tế số nhiều nội dung được cả nền kinh tế đề cập đã và đang được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực như: ứng dụng kinh tế số vào mọi lĩnh vực kinh tế như thu thuế điện tử, thanh toán điện tử, thực hiện thủ tục hành chính điện tử, thông quan điện tử, giảm giao dịch tiền mặt, ứng dụng số vào quản trị, đào tạo....
Tựu chung, ông Giám cho rằng, đây thực sự là những động thái tích cực, tạo nên một xung lực mạnh mẽ về niềm tin, nỗ lực hợp tác và cùng chung tay thúc đẩy của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Hồng Vân
Tag :doanh nghiệp tư nhân, VPSF, Chính phủ, hành động, khu vực tư nhân
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét