Không được cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 19/2017/TT-NHNN, tiếp tục sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN, quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, Thông tư số 19 sửa đổi, bổ sung một số giới hạn, tỷ lệ phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng (TCTD): Giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp; tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
Sửa đổi quy định về giới hạn cấp tín dụng và giới hạn góp vốn, mua cổ phần thực hiện theo quy định của Luật các TCTD và Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD.
Từ 1/1/2018, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo giới hạn mới (ảnh minh họa).
Sửa đổi, bổ sung cách xác định và lộ trình điều chỉnh tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.
Sửa đổi, bổ sung cấu phần và cách xác định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu: cấu phần vốn tự có, hệ số rủi ro của một số khoản phải đòi.
Sửa đổi, bổ sung cách xác định tỷ lệ khả năng chỉ trả: sửa đổi, bổ sung một số nguyên tắc xác định dòng tiền ra, dòng tiền vào.
Đặc biệt, tại thông tư này, các trường hợp tổ chức tín dụng không được cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu được quy định chi tiết hơn nữa.
Đó là trường hợp tài sản bảo đảm là cổ phiếu của tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng; tài sản bảo đảm là cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành mà khách hàng vay để mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó.
Đáng chú ý, thông tư mới cũng nêu rõ các tổ chức tín dụng không được cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của tổ chức tín dụng. Điều này đồng nghĩa với việc, để mua cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư phải có "tiền tươi", chứ không được dùng vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
Điều chỉnh giới hạn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/2/2018, riêng đối với các quy định tại Điều 17 Thông tư 36 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 19, được áp dụng để xác định và tuân thủ tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn kể từ ngày 1/1/2018.
Cụ thể, theo Thông tư 19 vừa ban hành, từ 1/1/2018, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo giới hạn mới.
Từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/12/2018, tỷ lệ áp dụng đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 45%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%. Từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ trên đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục giảm xuống 40%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng vẫn 90%.
Trên thực tế, việc giới hạn sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn được đặt ra từ cuối năm 2015. Và với những quy định tại Thông tư 19, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh lại nguồn vốn cho vay của các ngân hàng nhằm hạn chế tình trạng xáo trộn đối với cân đối vốn của các tổ chức tín dụng.
An Hạ
banner_chan-bai
Tag :Thông tư số 19, giới hạn vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn, Ngân hàng Nhà nước
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét