Tỉ số giới tính khi sinh ở VN tăng liên tục từ năm 2006 đến nay. Năm 2017 xấp xỉ 113 bé trai/100 bé gái.
Đây là dấu hiệu rất nguy hiểm và cứ đà này thì theo một dự báo đến khoảng năm 2050, VN "thừa" 2,3 - 4,3 triệu nam giới trưởng thành mà không có số lượng phụ nữ tương ứng để lập gia đình.
Như một vị đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo lắng "trai Việt phải đi nước khác tìm vợ". Và khi đó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội.
Chính phủ đã phê duyệt chương trình giảm chênh lệch giới tính khi sinh, mục tiêu đến năm 2025 là 103-107 bé trai/100 bé gái, tức là quay về chỉ số cân bằng tự nhiên. Một mục tiêu không dễ thực hiện!
Vì sao?
Nhiều phụ nữ VN đang vừa phải làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ, vừa phải đảm nhiệm vai trò kinh tế trong gia đình, trong khi về thể lực phụ nữ lại yếu hơn.
Ở phương Tây do bình đẳng giới thực chất hơn nên nam giới sẵn sàng chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái.
Ở VN chúng ta, không hiếm ông chồng sau giờ làm việc thì ngồi xem tivi và đọc báo, lướt web, lê la quán bia vỉa hè, còn người vợ thì sau giờ làm việc lại tất tả chợ búa, cơm nước, trông con, chưa kể những định kiến xã hội như "việc đàn bà" nếu ông chồng chia sẻ việc nhà với vợ.
Nếu cha mẹ và nhà trường hướng dẫn trẻ ngay khi các cháu còn là những mầm cây về việc phải chia sẻ, phải biết và phải làm việc nhà, bên cạnh việc học tập, phấn đấu trở thành một công dân có ích, bình đẳng giới mới trở nên thực chất.
Ở phương diện khác, nhiệm kỳ có tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất thì cũng chỉ ở mức 30%, những nhiệm kỳ gần đây theo tôi biết con số này khoảng 24-25%.
Còn Malaysia gần chúng ta, người ta quy định "cứng" về tỉ lệ nữ tham gia lãnh đạo và tham gia quốc hội, phấn đấu cho bình đẳng giới quyết liệt hơn.
Trong khi VN mới quy định về nguyên tắc mà chưa quyết liệt về mặt chỉ tiêu.
Chúng tôi đang thực hiện ba giải pháp để nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, cũng như vận động để cha mẹ hiểu rằng trẻ em gái cũng có cơ hội học hành và thành đạt không kém bé trai, tăng cường xử phạt hành vi lựa chọn giới tính thai nhi...
Xã hội VN truyền thống và cả các bậc cha mẹ người Việt đã cho nam giới quá nhiều ưu ái, nhưng họ không hiểu rằng điều đó không đem lại hạnh phúc và thành công cho các bạn nam khi trưởng thành, mà nhiều khi những ưu ái đó lại biến nam giới thành những người ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân.
Câu chuyện thừa bé trai hôm nay và tương lai "nhập khẩu" cô dâu đã rất gần, không còn là chuyện dự đoán, dự báo nữa, mà sẽ là thực tế của chừng 10-20 năm tới.
Lựa chọn để có con trai nối dõi tông đường, nhưng sắp đến lúc con trai không lấy được vợ, không thể có được con thì làm sao nối dõi? Cha mẹ có mong muốn điều đó?
NGUYỄN VĂN TÂN
(phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình)
Nguồn: tuoitre.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét