Giao diện mua sắm của Wish.
Ứng dụng mua sắm Wish mang đến cho người dùng những sản phẩm có giá “siêu rẻ” nhờ lấy hàng trực tiếp từ nhà sản xuất tại Trung Quốc.
Hồi tháng 5, startup có trụ sở tại San Francisco này nhận được 500 triệu USD vốn đầu tư, nâng giá trị lên 3,5 tỷ USD, theo Pitchbook. Chưa đầy 6 tháng sau, giá trị của startup này đã tăng gần gấp đôi.
Giá trị của Wish tăng nhanh chóng cho thấy các nhà đầu tư tin rằng ứng dụng này có thể cạnh tranh với các gã thương mại điện tử khổng lồ như Amazon và Alibaba.
Wish được thành lập bởi Peter Szulczewski - cựu kỹ sư phần mềm tại Google, vào năm 2010. Từ đó đến nay, startup này đã huy động được tổng cộng 1,25 tỷ USD, chưa bao gồm vòng gọi vốn mới nhất.
Wish giới thiệu các mặt hàng như kính râm hay đồng hồ đeo tay với giá 1 USD, miếng dán tường giá 6 USD và áo len nam giá chỉ 8 USD. Nhiều mặt hàng như đồ chơi, rổ đựng, đồ dùng nhà vệ sinh chỉ có giá 1 - 2 USD, tương đương với phí vận chuyển. Một số món hàng khác như mặt dây chuyền, đồ chơi nhựa và son môi thậm chí còn được quảng cáo là “miễn phí” và chỉ tính tiền vận chuyển. Wish thu 15% doanh số hàng bán của các đơn vị bán hàng thứ 3 trên ứng dụng.
Để có thể mua hàng với mức giá “siêu rẻ” này, người dùng phải chờ 2 – 4 tuần vì hàng được chuyển từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khách hàng dường như không mấy để tâm tới việc này. Đến nay, Wish cho biết có khoảng 300 triệu người dùng.
Hãng nghiên cứu di động Sensor Tower cho biết lượng người dùng của Wish tăng gần 50% trong nửa đầu năm 2017 và gần 2/3 số đó là nữ giới.
Theo Pitchbook, Wish hiện vẫn chưa sinh lời, nhưng trong một bài phỏng vấn hiếm hoi với Strictly VC, Szykczewski cho biết doanh thu của startup này lên đến hàng tỷ USD.
“Chúng tôi hiện là công ty thương mại điện tử lớn thứ 6 trên thế giới và đang tiến tới vị trí số 1”, Wish cho biết trên website của mình.
Giải thích cho việc tấn công thị trường thương mại điện tử theo mô hình này, Szulczewski nói: “một nửa vô hình’ của nước Mỹ - những người phải vật lộn để đủ tiền mua hàng trên Amazon và các hãng bán lẻ khác - Hãy đến với Wish.
“Nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon nói rằng: ‘Tôi chẳng biết ai mua sắm trên Wish cả’”, Szulczewski nói tại một hội thảo hồi tháng 12 năm ngoái. “Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, bạn cũng từng nghe câu tương tự ‘tôi chẳng biết ai ủng hộ ông Trump cả’”.
Năm 2010, Szulczewski thành lập Context Logic - công ty mẹ của Wish – startup quảng cáo trực tuyến sử dụng công nghệ máy học với tham vọng cạnh tranh Google AdWords.
Trên ứng dụng của mình, Wish yêu cầu người dùng lập danh sách những món hàng yêu thích và sử dụng công nghệ máy học để tạo ra trải nghiệm mua sắm phù hợp với khách hàng.
Hiện tại, ứng dụng này đang tự quảng bá trên mạng xã hội. Theo hãng phân tích ứng dụng Sensor Tower, trong quý 2/2017, Wish là hãng quảng cáo trên ứng dụng lớn thứ 2 trên Facebook, thứ 6 trên Google và nằm trong top 4 trên Pinterest.
Một đăng tải năm 2015 của trang tin công nghệ Recode cho biết Wish chi khoảng 100 triệu USD/năm chỉ cho quảng cáo trên Facebook.
Theo Forbes, Amazon được cho từng đưa ra đề nghị mua lại Wish với giá 10 tỷ USD bằng tiền mặt nhưng Szulczewski sau đó xác nhận từ chối đề nghị này.
Szulczewski nói với tờ Recode rằng anh có những tham vọng lớn hơn với công ty của mình và nhấn mạnh rằng tùy vào việc Amazon hoặc Alibaba thành công đến đâu ở Ấn Độ, Wish sẽ trở thành sàn thương mại điện tử có doanh thu “nghìn tỷ USD/năm “.
Vòng gọi vốn hồi tháng 5/2017 của Wish dẫn đầu là China Everbright, DST Global và Formation 8 Partners. Còn vòng gọi vốn mới nhất được cho là gồm quỹ đầu tư Wellington Asset Management của Canada và các nhà đầu tư hiện tại.
Nguồn: vneconomy.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét