TKV chuẩn bị thoái vốn nhà nước tại hai Tổng công ty.
Mỏ than Khánh Hòa nằm tại địa bàn xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Đây là mỏ than đa dạng về chủng loại than và đóng góp lớn nhất vào tổng sản lượng khai thác hàng năm của Tổng công ty. Trữ lượng địa chất còn lại của mỏ tính đến hết năm 2016 là 53,5 triệu tấn, hệ số bóc đất trên 10m3/tấn.
Mỏ than Núi Hồng có vị trí tại xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Núi Hồng là mỏ có chất lượng than cao nhất trong số ba mỏ than của VVMI, không những vậy, với điều kiện địa chất thuận lợi, hệ số đất bóc của mỏ rất thấp, chỉ khoảng 1,38 m3/tấn, thấp nhất trong 3 mỏ. Trữ lượng địa chất của mỏ hiện còn khoảng 11,2 triệu tấn than.
Mỏ than Na Dương tọa tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Đây là mỏ có trữ lượng than lớn nhất và hiện cũng đạt công suất khai thác hàng năm lớn nhất trong số các mỏ than của VVMI, khoảng 600 nghìn tấn nguyên khai/năm với sản phẩm chủ yếu là than nâu.
Một trong những thế mạnh lớn nhất và cũng là quan trọng nhất của VVMI đối với hoạt động khai thác than đó là, gần 80% sản lượng than của Tổng công ty được đảm bảo đầu ra bởi các nhà máy xi măng của chính VVMI (Nhà máy xi măng Quán Triều, Nhà máy xi măng La Hiên và Nhà máy xi măng Tân Quang) cùng các nhà máy nhiệt điện lân cận, trong đó mỏ Núi Hồng và Khánh Hòa cung cấp than cho Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn và An Khánh, mỏ than Na Dương được bao tiêu than bởi Nhà máy nhiệt điện Na Dương.
Theo quyết định 403/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 14/3/2016 về việc “Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030”, cả ba nhà máy than của VVMI đều thuộc diện được thăm dò, mở rộng công suất khai thác.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ chủ trương quy hoạch thăm dò, nâng cấp xác định trữ lượng của 2 mỏ than Núi Hồng và Khánh Hòa và nâng công suất khai thác mỏ Na Dương để phục vụ cho nhà máy nhiệt điện Na Dương tăng công suất.
Giai đoạn từ 2021-2030, nếu điều kiện công nghệ và thị trường cho phép, VVMI có thể tiếp tục được cấp phép để đầu tư xây dựng mới dự án khai thác hầm lò đối với phần than phía dưới dự án mỏ lộ thiên Khánh Hòa.
Hiện nay, dự án nâng công suất mỏ Na Dương đã được phê duyệt và VVMI đã chính thức bắt tay triển khai, theo đó, mỏ Na Dương sẽ được đầu tư cải tạo mở rộng để đạt công suất khai thác 1,2 triệu tấn/năm (gấp đôi công suất hiện tại là 600 nghìn tấn/năm).
Dự kiến, sản lượng tiêu thụ than tại mỏ Na Dương sẽ tăng dần cho tới khi đạt tối đa công suất thiết kế vào năm 2020 khi dự án mở rộng nhà máy nhiệt điện Na Dương hoàn thành.
Việc mở rộng quy mô khai thác các mỏ than, trong điều kiện giá than thế giới đang chuyển biến tích cực, và nhu cầu than trong nước được dự báo không ngừng gia tăng trong các năm tới do nhu cầu từ nhiệt điện và nhiều ngành công nghiệp khác, sẽ tạo động lực cho sự phát triển và lớn mạnh của VVMI.
Hiện nay, Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - Công ty Cổ phần là công ty con thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) với tỷ lệ sở hữu của TKV tại Tổng công ty là 98,19%.
Thực hiện theo chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước nói chung cũng như tái cơ cấu TKV nói riêng, TKV sẽ tiến hành thoái bớt vốn tại Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - Công ty Cổ phần để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 65%.
Nhằm giới thiệu cơ hội đầu tư vào Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - Công ty Cổ phần tới đông đảo nhà đầu tư, TKV và Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) sẽ tổ chức một buổi roadshow vào hồi 14:00 ngày 25/9 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) - số 2 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Cũng tại buổi hội thảo này, VCBS và TKV sẽ đồng thời giới thiệu đến nhà đầu tư về Tổng công ty Khoáng sản TKV - Công ty Cổ phần, một đơn vị khác TKV đang thực hiện thoái vốn.
Nguồn: vneconomy.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét