Ông Mạnh khẳng định, ngày 30/9, Chính phủ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nhằm xây dựng một cơ quan thay mặt Nhà nước đứng ra giám sát, cảnh báo và kênh thông tin về hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty (7 tập đoàn, 12 tổng công ty và doanh nghiệp lớn).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh.
Thứ trưởng Mạnh cho rằng, nhiều năm qua, chúng ta có tình trạng các Bộ chuyên ngành vừa ban hành chính sách và duy trì các doanh nghiệp hoạt động nên khi ban hành chính sách không tách biệt được chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý doanh nghiệp dẫn đến chính sách hưởng lợi cho doanh nghiệp bộ ngành.
"Việc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước lập ra sẽ thực hiện tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý doanh nghiệp ở các Bộ, ngành.
Trả lời câu hỏi: Ngày 29/9, Chính phủ có ban hành Nghị định 131 để xây dựng các hành lang pháp lý cho Ủy ban. Vấn đề lớn nhất Ủy ban hoạt động như nào?, Thứ trưởng Mạnh nói: "Ở đây Ủy ban sẽ thay mặt Nhà nước để giám sát vốn, chỉ tập trung vào giám sát hiệu quả hoạt động, giám sát nguy cơ thất thoát hay không nếu có sẽ can thiệp".
Ông Mạnh khẳng định: Chính phủ có thông điệp rõ ràng, chỉ đạo xây dựng Ủy ban thành cơ quan chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng chuyên môn, chứ không phải cơ quan hành chính. Trong các quy định thiết kế chuyên môn, đưa nội dung làm sao phải giám sát vốn tại các cơ quan Nhà nước là nhiệm vụ thường xuyên.
"Ủy ban lập ra nhằm hướng đến sự giám sát thường xuyên, giám sát tài sản Nhà nước, giám sát các chính sách của các Bộ xem có tình trạng "sân trước sân sau" - (chính sách phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, ngành - PV), nếu có, Ủy ban vào cuộc giải quyết", Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nói.
Bên cạnh đó, theo ông Mạnh: Ủy ban này cũng gắn trách nhiệm bảo tồn tài sản Nhà nước với cá nhân cụ thể là người đứng vai trò đại diện vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp - (thường là các Bộ trưởng, trưởng ngành -PV). Chỉ khi nào gắn sự bảo tồn vốn, tài sản của Nhà nước với trách nhiệm cá nhân, vấn đề quản lý vốn Nhà nước mới hiệu quả.
Thứ trưởng Mạnh khẳng định: Lâu nay, việc thiếu sự công khai hóa, thiếu tường minh là vấn đề của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Ủy ban sẽ xây dựng lộ trình để làm rõ vấn đề này, đưa ra các ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý giám sát thường xuyên các thông tin của doanh nghiệp, nhưng không cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Nguyễn Tuyền
Tag :Siêu ủy ban, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, 19 tập đoàn, 5 triệu tỷ đồng
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét