Tại Toạ đàm tham vấn chuyên gia về đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia NIC được CIEM tổ chức sáng nay (31/10) tại Hà Nội, TS Cung đã thẳng thắn đưa ra nhiều thách thức đối với Việt Nam trong việc giữ người tài để phát triển đất nước.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
"Hiện, chúng ta đang phải cạnh tranh với ASEAN, sắp tới chúng ta sẽ phải cạnh tranh với các nước CPTPP, Mỹ, EU về thu hút nhân tài và ý tưởng mới khi tham gia cuộc chơi phẳng, thế giới không khoảng cánh của công nghệ 4.0", TS Cung nói.
Theo ông Cung, tìm được người tài đã khó, giữ họ và phát triển họ còn khó hơn. Ngay ở ASEAN, chúng ta đang phải cạnh tranh với Singapore về việc giữ những người tài, người khởi nghiệp Việt đổ bộ sang nước này để khởi nghiệp.
Ông này cho rằng, nếu người Việt có ý tưởng mới, có tài năng họ mong muốn sang Singapore để nuôi tham vọng, ý tưởng. Ngay tại Việt Nam thôi, người tài cũng cân nhắc việc làm ở Hà Nội, hay TP.HCM để có cơ hội phát triển, hay sang Singapore.
Bàn đến việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang chủ trương xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, đây là nơi tiếp nhận, nuôi dưỡng và bảo vệ các ý tưởng của mọi đối tượng trong xã hội, hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận bằng nguồn vốn xã hội hoá, ông Cung cho rằng, nhân lực là vấn đề nan giải nhất của Việt Nam.
"Nhân lực giỏi có tư duy, cách làm và tầm nhìn 4.0 hiện nay rất thiếu, không chỉ ở Việt Nam mà các nước phát triển như tại thủ phủ công nghiệp của Đức là Munich cũng đau đều khi kiếm tìm nhân lực công nghệ giỏi. Cuộc cạnh tranh về nhân lực tại EU hiện đang gay gắt hơn nhiều", TS Cung thừa nhận.
Ông Cung nói, ở các nước phát triển có nhiều tiền, chế độ và cơ sở làm việc còn khó khăn thì đối với Việt Nam, chúng ta phải xác định mình bị đặt vào bối cảnh khó hơn, cạnh tranh lớn hơn.
"Trong cuộc chơi Cách mạng 4.0, chúng ta không có gì để mất cả, cái mất chính là sự thay đổi và thách thức. Thay đổi tư duy, cách làm và cách nhìn. Thay đổi sẽ khiến tiền sẽ đến, người tài từ khắp nơi cũng sẽ đến với đất nước", TS Cung nói.
Theo các nhà kinh tế, cần nhìn rõ việc Nokia bị đổ vỡ ít lâu sau khi Apple ra đời và nền tảng mã nguồn mở Linux, Android, iOS đang khiến Microsoft khuynh đảo. Chúng ta cũng khiến sự cạnh tranh về quan điểm, cách nhìn và cuộc chiến thực sự của xe công nghệ với taxi truyền thống, sự lên ngôi của Uber.
Theo các chuyên gia tại Toạ đàm, Việt Nam muốn không bị bỏ lại phía sau những thành quả của Cách mạng 4.0 thì tất cả những cái mới cần được tôn trọng và thừa nhận. Nếu chúng ta đi sau, chúng ta cần những con người mới, cách thức tạo ra tiền của và giá trị thặng dư mới cho xã hội.
"Có tiền, chúng ta có thể sẽ thu hút được những người giỏi nhất về làm việc. Nhưng chưa chắc giữ chân được họ. Phải vừa có tiền, vừa có chiến lược và tôn vinh cái mới, cái phát kiến của họ mới giữ được họ ở lại với Việt Nam. Tôi nghĩ, các chuyên gia làm việc tại Thung lũng Silicon (Mỹ), hay Facebook, Microsoft không phải tất cả họ vì tiền, họ làm việc vì danh tiếng của họ được thừa nhận, bảo vệ và tôn vinh", ông Cung cho hay.
Nguyễn Tuyền
Tag :người khởi nghiệp, khởi nghiệp Việt, người giỏi nhất
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét