Theo thống kê từ Tima, hiện đang có 23.775 đơn vị/ cá nhân cho vay và 2.133.405 người vay trên các nền tảng của mình. Vào tháng 4/2018, Tima cũng đã được Hiệp hội phần mềm Việt Nam (Vinasa) bình chọn là một trong 10 công ty dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm xuất sắc nhất Việt Nam năm 2018.
“Chúng tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư từ các quỹ đầu tư tài chính cũng như các công ty quốc tế lớn trong cùng lĩnh vực ở vòng gọi vốn thứ hai. Tima có thể sẽ nhận thêm khoản đầu tư vòng thứ ba ngay sau khoản đầu tư này, hội đồng quản trị của công ty đang cân nhắc đề xuất từ một số quỹ đầu tư lớn và chúng tôi cũng luôn cởi mở với các quỹ đầu tư mà có thể mang lại các giá trị gia tăng cho Tima với chiến lược tăng trưởng và mở rộng trong dài hạn” - ông Trần Thế Vĩnh, Tổng Giám đốc và Thành viên HĐQT của Tima chia sẻ.
Tima được thành lập năm 2015 và cũng đã nhận được khoản đầu tư vòng thứ nhất (series A) từ các quỹ đầu tư Dunearn Singapore Fund, G Capital năm 2016. Hiện nay Tima là sàn kết nối tài chính và nền tảng cho vay ngang hàng có quy mô nhất tại Việt Nam với các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng.
Theo chia sẻ từ công ty, nguồn vốn đầu tư mới sẽ được sử dụng cho việc tăng trưởng và mở rộng ở 63 tỉnh thành tại Việt Nam, đầu tư nhiều hơn nữa cho các công nghệ và việc tuyển dụng, thu hút nhân tài với sứ mệnh kết nối người vay với bên cho vay một cách nhanh chóng và tiện lợi nhờ các công nghệ tài chính.
Theo hợp đồng đầu tư, ông Witt Gatchell, Giám đốc Đầu tư của Belt Road Capital Management sẽ tham gia HĐQT của Tima. “Chúng tôi rất hứng khởi với khoản đầu tư vào Tima, đây cũng là khoản đầu tư đầu tiên của Belt Road Capital tại thị trường Việt Nam. Với đội ngũ quản lý mạnh và những kết quả nền tảng đã đạt được của Tima trên thị trường, chúng tôi tin chắc rằng công ty đang có cơ hội rất lớn trong việc phát triển và mở rộng", ông Witt chia sẻ.
Mặc dù tăng trưởng theo cấp số nhân trong vài năm qua với dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 47,84 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm 2017 theo số liệu từ Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) và StoxPlus, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam vẫn đang đứng sau các nước khác trong khu vực và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Quỹ Belt Road Capital Management cũng đã công bố khoản đầu tư 4 triệu USD vào Unnitel, nhà cung cấp mạng ảo di động trong khu vực châu Á. Vào tháng 1/2018, BRCM đã đầu tư 1,8 triệu USD vào cổng thông tin bất động sản Digital Classifieds Group tại Úc. Quỹ này cũng đầu tư 7 triệu USD vào Oway, một công ty taxi và du lịch hàng đầu tại Myanmar, trong vòng gọi vốn 14,7 triệu USD của startup này.
Tại buổi họp báo, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tima và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Bảo hiểm VietinBank VBI) cũng đã ký kết hợp tác chiến lược. Tima sử dụng dịch vụ của Bảo hiểm VietinBank để cung cấp cho người vay vốn. Đối với Người vay vốn, khi không may họ gặp phải những rủi ro không lường trước được, Bảo hiểm VietinBank sẽ giúp họ trả nợ cho các khoản vay. Giải pháp của Bảo hiểm VietinBank góp phần gia tăng những giá trị cộng thêm của Tima và giúp cho những người tham gia vững tâm khi sử dụng dịch vụ của Tima.
“Những kết quả bước đầu này là sự nỗ lực và cống hiến của đội ngũ hơn 150 nhân viên Tima trong suốt 3 năm qua đã kiên trì phát triển các công nghệ mới, liên tục nâng cấp sản phẩm học hỏi từ quốc tế và sự ghi nhận của hàng triệu khách hàng, các đối tác, các quỹ đầu tư”, ông Nguyễn Văn Thực, Chủ tịch HĐQT Tima chia sẻ.
Tag :quỹ ngoại đầu tư, fintech Tima
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét