Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

Người Việt có thu nhập bình quân hơn 2.500 USD/năm

Nợ công giảm, GDP tăng

Lãnh đạo Chính phủ cho biết, các chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác được điều hành linh hoạt, kịp thời, giữ vững sự ổn định của tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, tín dụng trong nước. Thị trường chứng khoán - kênh huy động vốn của doanh nghiệp (DN), tiếp tục khởi sắc và đã được quốc tế đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi.

“Nợ công giảm từ 64,8% cuối năm 2015 xuống còn khoảng 61,4% năm 2018, thời gian trả nợ được kéo dài.” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh và cho biết các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm và cải thiện tích cực so năm 2017.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Trong bối cảnh xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng và tác động của căng thẳng thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu tiếp tục góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế với đà tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc kỷ lục năm 2017, ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2%, vượt mục tiêu Quốc hội giao (7-8%).

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 6,98%, cả năm dự báo triển vọng có thể đạt cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 6,7%. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 đạt 5,5 triệu tỷ đồng (tương đương 240,5 tỷ USD), gấp 1,33 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so năm 2015.”.

Tăng trưởng kinh tế dịch chuyển dần sang chiều sâu, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng được nâng lên. Đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016-2018 ước đạt 42,18% (giai đoạn 2011-2015 đạt 33,58%), năng suất lao động duy trì nhịp độ tăng 5,62%, cao hơn mức tăng của các nước ASEAN và vượt mục tiêu bình quân 5 năm được Quốc hội giao.

Trong khi đó, Nghị quyết của Đại hội Đảng XII yêu cầu Chính phủ và Quốc hội thực hiện, đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm; GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD;

Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38 - 40%.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, cả nước đang thực hiện hiệu quả và dự báo sẽ thành công “mục tiêu kép” là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc; củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội...

Triển vọng kinh tế, nâng hạng tín nhiệm Việt Nam

Theo Phó Thủ tướng, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 sẽ là 6,8%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiếp tục dự báo khoảng 6,9%; Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ “BB-” lên “BB” với triển vọng ổn định; Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng bậc xếp hạng trái phiếu Chính phủ Việt Nam dài hạn bằng ngoại tế và khoản vay không được bảo đảm lên mức Ba3 từ mức B1 và thay đổi triển vọng kinh tế từ “Tích cực” sang “Ổn định”.

Kinh tế Việt Nam năm 2018 được các tổ chức quốc tế dự báo có nhiều triển vọng tích cực (ảnh: VNF)

Kinh tế Việt Nam năm 2018 được các tổ chức quốc tế dự báo có nhiều triển vọng tích cực (ảnh: VNF)

Phó Thủ tướng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp những thách thức từ bên ngoài. Sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất (Mỹ đã tăng lãi suất ba lần trong năm 2018 và dự kiến từ giờ đến cuối năm sẽ tăng thêm một lần nữa), xu hướng tăng giá dầu thô và việc thực hiện lộ trình giá thị trường với điện, dịch vụ giáo dục, y tế...

Tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế được nâng lên nhưng khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hoá DNNN, thoái vốn ở nhiều bộ, ngành và địa phương còn chậm. Tình hình SXKD nhiều lĩnh vực còn khó khăn, năng lực hiệu quả hoạt động của DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa còn hạn chế. Cải cách hành chính (CCHC), nhất là thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, chưa cải cách thực chất. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới…

Theo đánh giá chung, Việt Nam đã kiểm soát tốt lạm phát, ổn định vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung chỉ đạo phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực mới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tốc độ tăng trưởng đạt cao hơn giai đoạn 2010 - 2015, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, bền vững hơn; quy mô nền kinh tế tăng mạnh.

Phó Thủ tướng cho hay, trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2018 Việt Nam sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt. Với kết quả đạt được của năm bản lề 2018, tình hình đất nước trên các lĩnh vực trong ba năm 2016 - 2018 phát triển đúng hướng, chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành và vượt các mục tiêu kế hoạch không chỉ cho năm 2018 mà còn cho cả nhiệm kỳ; không chủ quan, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; kiên định thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô…

Châu Như Quỳnh

Tag :Thu nhập bình quân, GDP, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, kiểm soát lạm phát, triển vọng kinh tế Việt Nam 2018


Nguồn: dantri.com.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates