Một góc của quán cà phê tại TP.HCM vừa thư giãn vừa làm việc - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Ngày 24-7 vừa qua, Nhật Bản bắt đầu ngày làm việc từ xa (telework) đầu tiên, cũng là một phần chiến dịch khuyến khích các công ty và tổ chức trên toàn quốc cho phép nhân viên không cần đến văn phòng để làm việc.
Chiến dịch khuyến khích người dân làm việc tại nhà là mũi tên của Nhật Bản nhắm vào hai mục đích: giảm tải giao thông tại các thành phố lớn và thay đổi lối làm việc quá mức của người dân.
Ý thức làm việc “đồng biến” với hiệu quả công việc
Rất nhiều bạn đọc bày tỏ ý kiến sau khi Tuổi Trẻ đăng bài báo “Nhật Bản làm việc từ xa, còn chúng ta?”.
Đa số bạn đọc cho rằng mô hình làm việc từ xa chỉ mang lại hiệu quả với một số lĩnh vực liên quan đến sáng tạo và phải làm việc thường xuyên trên máy tính như kiến trúc, đồ họa, lập trình, bán hàng... Bên cạnh đó ý thức làm việc của cán bộ, nhân viên vẫn là điều quan trọng nhất trong mô hình làm việc từ xa này.
Bạn đọc Trần Thanh Trực chia sẻ, với tính tự giác của người Việt chưa cao thì không thể áp dụng phương pháp làm việc từ xa như Nhật Bản. Ở nước ta, ý thức đổ rác đúng nơi quy định, phân loại rác, ưu tiên vỉa hè cho người đi bộ còn chưa làm được thì khó mà áp dụng ngay những phương pháp này.
Cùng ý kiến, anh Quốc Tuấn nói: “Để có thể làm việc từ xa, chúng ta cần có những con người ý thức làm việc tốt”. Anh Khánh chia sẻ: “Tôi đã từng làm việc từ xa, phương pháp này rất hiệu quả nhưng đòi hỏi tính tự giác phải cao, phải biết tự trọng, ý thức trách nhiệm với công việc...”
Xu hướng của thế giới
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trên thế giới, mô hình làm việc từ xa được một số quốc gia áp dụng từ rất lâu như Mĩ, Ấn Độ, Indonesia….Nhân viên tại đây chỉ cần hoàn thành công việc được giao theo đúng thời hạn mà không cần đến văn phòng làm việc.
Chẳng hạn như một số công ty thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin ở Mỹ đã cho nhân viên làm việc ở nhà vào một số ngày trong tuần. Chính vì nhân viên làm việc với ý thức cao, động cơ rõ ràng, đặc biệt là niềm đam mê nên họ có thể làm cả ngày lẫn đêm.
Ở Việt Nam, mô hình làm việc này không phải mới, nhưng chưa được phổ biến nhiều. Trong tương lai, nước ta cũng cần quan tâm nhiều hơn vì đây sẽ là xu hướng của thế giới.
TS Huỳnh Thế Du lưu ý: “Việt Nam không nên áp dụng mô hình làm việc từ xa một cách đại trà ngay từ đầu mà điều quan trọng là khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, cơ quan làm việc từ xa khi phù hợp với tính chất công việc, cách quản lý, thái độ của nhân viên... Khi mô hình làm việc từ xa có sự đồng thuận trong xã hội thì mới áp dụng đại trà”.
“Phương pháp làm việc vượt không gian”
Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. Theo ông, làm việc từ xa sẽ không quan tâm về không gian nhưng vẫn không mất đi tính ràng buộc về thời gian. Tức là làm ở đâu không quan trọng, quan trọng là hiệu quả, cũng như việc nộp sản phẩm đúng hạn và phải đạt yêu cầu…
Ông Hiếu cho biết, đến thời điểm hiện tại thì hầu hết các công ty, doanh nghiệp, cơ quan vẫn theo hình thức làm việc truyền thống (có văn phòng làm việc, bộ phận quản lý, mọi người đến làm việc và về đúng giờ theo quy định....).
Nếu áp dụng phương pháp làm việc mới với không gian rộng mở, chế độ làm việc tương đối lỏng lẻo tức là không có quy định giờ giấc rõ ràng, không gian cụ thể trong khi tinh thần tự giác làm việc, tính kỉ luật của cán bộ nhân viên, người lao động Việt Nam chưa cao thì rất khó mang lại hiệu quả.
Cùng quan điểm, ông Du nói: “Khi làm việc từ xa thì người chủ không quản lý được thái độ làm việc của nhân viên mình. Trong khi đó tôi thấy cán bộ, nhân viên, người lao động ở nước ta chưa có ý thức tự nguyện và làm việc chưa đủ mức say mê”.
Để mô hình làm việc từ xa mang lại những tác động tích cực thì phải “hội tụ” đủ hai điều kiện sau: Thứ nhất, người quản lý phải kiểm soát được kết quả làm việc của nhân viên dựa trên hiệu quả công việc. Thứ hai, ý thức làm việc của nhân viên. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> TS Huỳnh Thế Du
Đang tải audio...
>> Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu
Đang tải audio...
Nguồn: tuoitre.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét