Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đầu tư mạnh vào thị trường bảo hiểm Việt Nam và tạo nên lực đẩy cho thị trường phát triển nhanh trong giai đoạn 2015-2018.
Nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh đầu tư vào bảo hiểm Việt Nam
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, tính đến thời điểm hiện nay, thị trường bảo hiểm có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Việt Nam hiện cũng có một chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Mặt khác, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành bảo hiểm cũng ngày càng cao. Cụ thể, năm 2018, tổng tài sản ước đạt 390.717 tỷ đồng, tăng bình quân 18%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 là 16%.
Tổng số tiền đầu tư vào lĩnh vực này ước đạt 324.644 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 19%/năm. Tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 247.500 tỷ đồng, tăng trưởng 21%/năm. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 82.584 tỷ đồng, tăng trưởng 13%/năm.
Cũng theo số liệu từ Bộ Tài chính, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 151.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 23%/năm, hàng tháng. các doanh nghiệp bảo hiểm chi bồi thường trung bình khoảng 2.500 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trong những năm gần đây thị trường bảo hiểm Việt Nam nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sau các Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Nếu như trước năm 2015, doanh thu thị trường chỉ tăng trưởng ở mức dưới 18% thì sau các Hội nghị xúc tiến đầu tư, tăng trưởng liên tục trên 20%. Riêng nguồn vốn chủ sở hữu cũng tăng gần gấp đôi (1,74 lần) trong giai đoạn 2015-2018, từ 45.157 tỷ đồng năm 2015 lên 78.584 tỷ đồng năm 2018. Cốn đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 2 lần, từ 160.258 tỷ đồng năm 2015 lên 324.644 tỷ đồng năm 2018", ông Khánh cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, riêng đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, nơi tập trung đa số các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ trong 3 năm từ 2016-2018, vốn chủ sở hữu tăng bình quân 30%/năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng bình quân 30%/năm, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng bình quân 28%/năm.
"Những con số trên thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư đối với thị trường bảo hiểm và tạo nên lực đẩy cho thị trường phát triển nhanh trong giai đoạn 2015-2018", ông Khánh nhấn mạnh.
1.300 sản phẩm bảo hiểm đang được phát triển ở Việt Nam
Ông Phùng Ngọc Khánh cũng cho biết, tổng số sản phẩm bảo hiểm trên thị trường hiện nay lên tới 850 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ và 450 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Ngoài việc phát triển về số lượng, sản phẩm bảo hiểm được phát triển theo hướng ngày càng đa dạng và linh hoạt, thực hiện cho tất cả 7 nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, 11 nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe.
Các sản phẩm bảo hiểm mới như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe được triển khai, ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, các sản phẩm bảo hiểm còn không ngừng được mở rộng ra nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như bảo hiểm nông nghiệp, tổng số hộ nông dân/tổ chức sản xuất tham gia thí điểm lên đến 304.017 hộ, với tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng.
Tổng số phí bảo hiểm trong lĩnh vực này là 394 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường bảo hiểm cũng đạt 712,9 tỷ đồng.
Hay trong lĩnh vực xuất khẩu cũng áp dụng chương trình thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu được thực hiện trong 3 năm 2011- 2013, nhằm đưa ra sản phẩm nghiệp vụ mới, góp phần bảo hiểm rủi ro trong thanh toán cho thương nhân xuất khẩu.
Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã cấp được tổng số 46 hợp đồng bảo hiểm với tổng kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 12.592 tỷ đồng, tổng phí bảo hiểm thu được là 17,23 tỷ đồng, tổng số tiền bồi thường là 13,33 tỷ đồng.
"Hiện nay gần 7,5 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương 8% dân số, 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn; 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt và 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ.
Có thể nói, trong thời gian qua, thị trường bảo hiểm đã đóng vai trò tốt trong việc hỗ trợ kinh tế phát triển, tạo tâm lý an tâm cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Bảo hiểm góp phần bổ trợ cho chính sách an sinh xã hội, thông qua việc đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân", ông Khánh nhận định.
Nguồn: vneconomy.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét