IB là cụm từ chỉ chung cho các nghiệp vụ như tư vấn doanh nghiệp, tư vấn IPO hay M&A cho các doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu, bảo lãnh phát hành,… Vài năm gần đây IB trở thành trào lưu. "Bữa tiệc" IB chứng khoán ngày càng rộng mở với dự báo quy mô ngành lên tới hàng tỷ USD song không phải doanh nghiệp chứng khoán nào cũng có được "vé tham gia bữa tiệc" bởi đây là nghiệp vụ khó.
IB chứng khoán - thị trường tỷ USD
Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2018, khối ngoại đã chi mua ròng hơn 31.000 tỷ trên HOSE bất chấp các biến động của thị trường. Năm 2017, khối ngoại cũng mua ròng 28.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các thương vụ M&A đình đám đã khơi thông dòng vốn ngoại chảy vào thị trường Việt Nam.
Làn sóng đầu tư dữ dội này chính là nguồn vốn mới cho các doanh nghiệp trong nước, qua đó tạo ra "miền đất hứa" cho các định chế tài chính trung gian đó chính là bộ phận ngân hàng đầu tư của các công ty chứng khoán.
Trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước đa phần còn yếu kém trong nghiệp vụ cung cấp thông tin, ứng xử, đặc biệt còn chưa có web bản tiếng Anh, tiếng Nhật, Hàn… Hay như các công ty trong nước thì muốn bán giá cao còn nhà đầu tư nước ngoài lại muốn mua cổ phần ở mức hợp lý. Chính điều này là một trong những rào cản khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn.
Rất nhiều đối tác sừng sỏ trên thị trường với quy mô hàng chục tỷ USD sẵn sàng rót vốn vào Việt Nam nhưng điều kiện là hai bên phải tìm được tiếng nói chung. Do đó, để một thương vụ thành công cần thiết phải có sự tham gia của các định chế tài chính trung gian trong nước.
Vài năm gần đây, các công ty chứng khoán đã tổ chức hàng trăm chương trình roadshow nhằm đưa các đại diện doanh nghiệp hàng đầu sang thuyết trình tại nước bạn để kêu gọi đầu tư. Cũng có trường hợp, rất nhiều nhà đầu tư Châu Á chủ động tìm kiếm đối tác để giải ngân.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Công ty Chứng khoán Tp. HCM (HSC), Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) đã nhanh nhạy và chiếm lĩnh thị trường này với các dịch vụ IB nổi bật. Khối IB đang là ngành hot và đem về cho doanh nghiệp doanh thu hàng trăm tỷ mỗi năm.
Năm 2017, doanh thu IB của SSI đạt đỉnh lên tới 111 tỷ đồng. Để có được kết quả này, khối IB của SSI trong năm đã tư vấn loạt các thương vụ lớn như chào bán bán cổ phần tại Vinamilk (VNM) với giá giao dịch 396 triệu USD, tư vấn và bán thứ cấp cho Vincom Retail (VRE) với giá trị 742 triệu USD, thương vụ HDBank với giá trị 300 triệu USD…
Năm 2017, khối IB của VCSC đạt doanh thu 254 tỷ đồng, tăng trưởng 280% so với cùng kỳ do thực hiện thành công loạt các thương vụ cho Vietjet, VPB, PNJ… Công ty xác định mảng IB dự kiến tiếp tục là mảng mang về nguồn doanh thu lớn trong những năm tiếp theo bởi VCSC đang thực hiện các hợp đồng giá trị 40.000 tỷ đồng trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, ngân hàng, thủy sản, vật liệu xây dựng, bất động sản… Năm 2018, VCSC dự kiến doanh thu IB ở mức 458 tỷ đồng.
Tiền năng nhưng không dễ làm
Trao đổi với VnEconomy, bà Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng đầu tư khu vực phía bắc SSI cho biết nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Nhật Bản vào Việt Nam là rất lớn. Song các đối tác này rất khó tính và thường dành thời gian dài để nghiên cứu tìm hiểu doanh nghiệp cũng như tìm tiếng nói chung với ban lãnh đạo trước khi ra quyết định đầu tư.
Bà Ngọc Anh khẳng định, rất nhiều giao dịch SSI tham gia tư vấn trong thời gian vừa qua chưa có tiền lệ ở Việt Nam, do đó, công ty phải làm việc với luật sư, các tư vấn quốc tế, cũng như các cơ quan chức năng để có thể đưa ra cấu trúc hợp lý, phù hợp với thị trường Việt Nam, cũng như thỏa mãn yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm khuyến khích nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường tài chính Việt Nam.
Theo bà Ngọc Anh, yếu tố quan trọng hàng đầu cho một thương vụ là xây dựng niềm tin giữa bên bán và bên mua. Vì vậy, SSI luôn tư vấn bên bán hoàn thiện cơ cấu doanh nghiệp để hoạt động hiệu quả và minh bạch, trước khi tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng.
Chủ tịch quỹ Dragon Capital ông Dominic Scriven tại một diễn đàn mới đây đã nhận định quy mô thị trường M&A của Việt Nam hiện ngang bằng với Indonesia, Malaysia và trong thời gian tới thị trường M&A của Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt hai thị trường này. Dòng vốn nước ngoài vẫn đang chảy vào Việt Nam bất chấp thị trường vốn toàn cầu chao đảo trước sức ép của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung và động thái tăng lãi suất liên tục của FED.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới với làn sóng đầu tư mới. Để thích nghi với thời cuộc, IB của các công ty chứng khoán phải chủ động nâng cao chất lượng tư vấn, tài liệu chào bán, hội thảo, cơ hội đầu tư, khảo sát doanh nghiệp… Quan trọng nhất là phải tìm hiểu khẩu vị của các bên để có giải pháp cho từng thương vụ, không có công thức chung nào áp dụng cho tất cả.
Nguồn: vneconomy.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét